Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Thủ tướng yêu cầu lập sở chỉ huy tiền phương để chống bão số 9

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thủ tướng đã có chỉ đạo thành lập sở chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo để ứng phó với bão số 9 có khả năng đổ bộ vào khu vực Đà Nẵng - Phú Yên ngày 28-10.
 

Ông Nguyễn Văn Tiến, phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương.
Ông Nguyễn Văn Tiến, phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương.


Thông tin này được ông Nguyễn Văn Tiến - phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai - cho biết tại cuộc họp ứng phó với bão số 9 diễn ra sáng 27-10.

Theo ông Tiến, bão số 9 đang diễn biến hết sức phức tạp, cường độ mạnh cấp 13, giật cấp 17, lớn nhất từ đầu năm và dự báo có thể còn mạnh thêm, ảnh hưởng trên diện rất rộng.

"Ngoài công điện chỉ đạo tập trung ứng phó với bão số 9, sáng nay Thủ tướng đã có chỉ đạo thành lập sở chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng, do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng - trưởng Ban chỉ đạo - cùng bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trực tiếp chỉ đạo để ứng phó với bão số 9", ông Tiến thông tin.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên đã rà soát, chuẩn bị công tác sơ tán dân trước khi bão đổ bộ. Tổng số dân dự kiến sơ tán là  146.866 hộ, 571.746 người. Dự kiến các tỉnh sơ tán dân xong trước 19h tối 27-10.

Đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết đến 7h sáng nay còn 178 tàu đang hoạt động khu vực chịu ảnh hưởng của bão, trong số này có 45 tàu đang nằm trong vùng nguy hiểm. Hiện Tổng cục Thủy sản đã đề nghị các địa phương liên lạc với các thuyền trưởng và yêu cầu khẩn trương di chuyển ra vùng nguy hiểm, về khu neo đậu, tránh trú bão.

Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết hôm nay Bộ Quốc phòng đã cử 2 đoàn công tác vào Đà Nẵng và Khánh Hòa để phối hợp cùng địa phương ứng phó bão số 9.

"Bộ Quốc phòng đang phối hợp cùng địa phương triển khai các biện pháp cấp bách để ứng phó với bão như rà soát các khu vực trọng điểm như hồ, kè đê, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất... Đồng thời kiên quyết không để người dân trên lồng bè, chòi canh khi bão vào và sơ tán dân khu vực ven biển, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét", ông Dũng nói

Đại diện Bộ Công thương cho biết các hồ thủy điện trong vùng chịu ảnh hưởng của bão đang điều tiết để sẵn sàng đón mưa lũ sau bão số 9. Hầu hết các hồ ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đều dưới mực nước dâng bình thường.

Ông Nguyễn Đức Quang - cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai - lưu ý bão số 9 là cơn bão rất mạnh trong nhiều năm trở lại đây. Do đó, hiện tất cả các tàu đang trong vùng nguy hiểm bằng mọi cách phải thoát ra nếu không sẽ gặp sự cố. Hơn nữa, cần phải lưu ý công tác neo đậu tàu thuyền bởi gió mạnh sẽ va đập, làm vỡ tàu.

Ông Quang cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn, chỉ đạo chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, biển hiệu, biển quảng cáo, các công trình công cộng...

"Đặc biệt đối với các công trình cột, tháp cao, khu công nghiệp, tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, cây trồng lâu năm, cây công nghiệp để giảm thiểu thiệt hại", ông Quang nói.

Theo CHÍ TUỆ (TTO)

Có thể bạn quan tâm