Thư viện thân thiện ở trường mầm non tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kết thúc năm học 2018-2019, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Gia Lai xây dựng được 4 thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng ở bậc mầm non tại những vùng đặc biệt khó khăn. Đây là mô hình mới nằm trong dự án phát triển trẻ thơ toàn diện, góp phần sớm hình thành văn hóa đọc cho trẻ mầm non.      
Ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT đã tổ chức đoàn khảo sát thực tế và quyết định chọn 4 trường vùng khó khăn làm thí điểm gồm: Trường Mẫu giáo Ayun, Trường Mẫu giáo Kon Chiêng (huyện Mang Yang), Trường Mẫu giáo Hoa Sen (huyện Kbang) và Trường Mẫu giáo Ia Mlah (huyện Krông Pa). Bà Nguyễn Thị Phương Huệ-Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT) nói: “Thư viện thân thiện ở bậc mầm non là mô hình còn khá mới mẻ nên sẽ không dễ dàng khi triển khai ở những vùng khó. Nguyên nhân là các cơ sở thường gặp lúng túng khi xây dựng kế hoạch, phụ huynh chưa xác định được mục tiêu, ý nghĩa của thư viện nên khó đồng thuận. Tuy vậy, chúng tôi xác định, nếu mô hình thành công ở vùng khó thì khi nhân rộng ra toàn tỉnh sẽ thuận lợi. Do đó, với sự hỗ trợ của dự án phát triển trẻ thơ toàn diện, chúng tôi đã rất nỗ lực và đến nay thì thành công ở cả 4 đơn vị thí điểm”.
 Thư viện thân thiện thu hút trẻ mẫu giáo đến xem sách truyện. Ảnh: N.G
Thư viện thân thiện thu hút trẻ mẫu giáo đến xem sách truyện. Ảnh: N.G

Chị Võ Thị Thu Hà-phụ huynh học sinh Trường Mẫu giáo Hoa Sen (xã Sơn Lang, huyện Kbang): “Tôi rất mừng khi con gái 5 tuổi đã “cai” được smartphone và thường xuyên tham gia các hoạt động tại thư viện nhà trường. Mỗi chiều đón con, tôi thường được cháu rủ vào thư viện xem tranh, đọc sách cho con nghe. Về nhà cháu cũng đề nghị tôi mua truyện tranh về đọc. Sau một thời gian, con tôi đã ghi nhớ nội dung nhiều câu chuyện và có thể kể lại qua tranh vẽ”.

Tại Trường Mẫu giáo Kon Chiêng, thư viện thân thiện đã được xây dựng ở cả 9 điểm trường lẻ, thu hút ngày càng đông phụ huynh cùng con em đến nghe giáo viên đọc sách, hướng dẫn trẻ kể chuyện theo tranh... Cô Trần Thị Thìn-Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Kon Chiêng-cho biết: “Đời sống người dân trên địa bàn còn khó khăn, không thể vận động nguồn xã hội hóa từ phía phụ huynh, ý thức của đa số các gia đình về việc học của con em còn hạn chế. Vì thế, chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền, phối hợp cùng chính quyền địa phương kêu gọi phụ huynh tham gia ngày công cải tạo khuôn viên trường học, tạo dựng các góc thư viện thân thiện ngoài trời, tích cực cho trẻ tham gia hoạt động thư viện để hình thành thói quen đọc sách”.
Là người góp phần tích cực vào thành công của mô hình thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng của Trường Mẫu giáo Ia Mlah, ông Vũ Quang Huy-Chủ tịch UBND xã Ia Mlah luôn ủng hộ việc nhân rộng mô hình này. Ông Huy nói: “Sau một thời gian đi vào hoạt động, tôi thấy mô hình thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng ở bậc mầm non đã phát huy hiệu quả và mang nhiều ý nghĩa. Nó không chỉ góp phần hình thành thói quen vào thư viện, xem sách truyện của trẻ mầm non mà còn giúp người dân nhận thức đầy đủ hơn về việc học của con, về môi trường giáo dục toàn diện khi cùng con tham gia các hoạt động thư viện theo mong muốn của trẻ”. Cũng theo ông Huy, xã Ia Mlah sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong cách xây dựng thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng ở bậc mầm non với các địa phương khác.
Còn bà Hồ Thị Thảo-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Pah thì cho hay: Ngành GD-ĐT địa phương này đã sẵn sàng xây dựng thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng ở bậc mầm non sau khi tổ chức cho các trường đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các đơn vị làm điểm. Bà Thảo chia sẻ: “Tại huyện Chư Pah cũng đã có một số trường mầm non, mẫu giáo vùng khó xây dựng được thư viện thân thiện ngoài trời. Cùng với việc tham quan, học hỏi mô hình điểm, chúng tôi khẳng định rằng đây là tiền đề để mô hình này nhanh chóng được nhân rộng trên địa bàn trong năm học tới”.
Trao đổi về kế hoạch nhân rộng mô hình thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng ở bậc mầm non, bà Bùi Khoa Nghi-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT-cho biết: “Tại hội nghị sơ kết 1 năm xây dựng thư viện thân thiện ở bậc mầm non, chúng tôi đã nhận được sự đồng thuận của chính quyền các huyện, thị xã, thành phố. Cùng với sự quyết tâm của ngành GD-ĐT các địa phương, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu 100% cơ sở giáo dục mầm non có thư viện thân thiện được xây dựng dựa vào sự hỗ trợ của cộng đồng tại địa phương; 85% trẻ mầm non được tiếp cận, thường xuyên nghe đọc sách để hình thành thói quen ngay từ nhỏ theo đúng tinh thần đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ GD-ĐT”.
NGUYỄN GIANG

Có thể bạn quan tâm