Kinh tế

Nông nghiệp

Thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp bền vững các tỉnh Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tính đến cuối tháng 8/2020, dự án VnSAT - hợp phần càphê đã hỗ trợ thành lập và củng cố hoạt động của 185 tổ chức nông dân ở năm tỉnh Tây Nguyên, đạt 114% so với mục tiêu cuối cùng.

Nông dân huyện Krông Bông, Đắk Lắk, chăm sóc cây càphê. (Ảnh: TTXVN phát)
Nông dân huyện Krông Bông, Đắk Lắk, chăm sóc cây càphê. (Ảnh: TTXVN phát)


Ngày 16/9, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Càphê-Cacao Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai tổ chức "Hội nghị giao ban thúc đẩy tiến độ thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) - hợp phần càphê" của năm tỉnh Tây Nguyên.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh dự và chỉ đạo hội nghị.

Tại hội nghị, Ban quản lý các dự án nông nghiệp, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo kết quả thực hiện giải ngân Dự án VnSAT trong 8 tháng năm 2020, kế hoạch thực hiện 4 tháng còn lại của năm và kế hoạch triển khai các hoạt động trong thời gian gia hạn dự án 2021-2022.

Tính đến cuối tháng 8/2020, dự án VnSAT - hợp phần càphê đã hỗ trợ thành lập và củng cố hoạt động của 185 tổ chức nông dân ở năm tỉnh Tây Nguyên, đạt 114% so với mục tiêu cuối cùng là 162 tổ chức nông dân và đào tạo hơn 40.000 hộ nông dân về sản xuất càphê bền vững.

Đến tháng 6/2020, diện tích càphê sản xuất bền vững đã đạt 36.266ha (hơn 90,7% so với mục tiêu cuối cùng của dự án là 40.000ha).

Dự án VnSAT - hợp phần càphê cũng đã đào tạo gần 22.000 hộ nông dân. Tổng số hộ thực hiện tái canh càphê đạt hơn 20.000 hộ, tương ứng với hơn 18.000ha; trong đó, có 3.611 hộ đã được vay vốn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

Diện tích càphê tái canh áp dụng đúng và đủ các tiêu chí của quy trình tái canh bền vững tương đương diện tích là 13.137ha, đạt 131% so với mục tiêu cuối kỳ của dự án là 10.000ha.

Giải ngân cho tái canh càphê đạt 100% tổng số vốn phân bổ cho tái canh càphê và liên thông 1.243 tỷ đồng.

 

Thu hoạch càphê. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thu hoạch càphê. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Dự án cũng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công với việc nâng cấp 11 vườn ươm nhà nước và 21 vườn ươm tư nhân và các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận 51 vườn ươm tư nhân trên địa bàn Tây Nguyên.

Cùng đó, hỗ trợ xét nghiệm đất cho tất cả các khu vực có kế hoạch tái canh và trồng mới càphê. Các vườn ươm được nâng cấp đã cung cấp ra thị trường hơn 5,1 triệu cây giống đảm bảo chất lượng cho tái canh 5.000ha càphê.

Lũy kế từ đầu dự án đến tháng 8/2020, năm tỉnh Tây Nguyên giải ngân tổng số 380 tỷ đồng; trong đó, vốn IDA là 280 tỷ đồng (đạt 47% so với kế hoạch tổng thể), vốn đối ứng là 71 tỷ đồng (đạt 37% so với kế hoạch tổng thể), vốn tư nhân là 28 tỷ đồng.

Trong 4 tháng cuối năm, năm tỉnh Tây Nguyên nằm trong dự án sẽ tiếp tục tổ chức đào tạo tập huấn sản xuất càphê bền vững cho hơn 6.000 hộ và tái canh càphê bền vững cho khoảng 2.000 hộ. Đưa vào sử dụng các tiểu dự án tưới tiết kiệm cho tổ chức nông dân, hợp tác xã liên kết.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ “Thí điểm quy hoạch cảnh quan càphê” để tiến hành trình Bộ nghiệm thu, phê duyệt trong tháng 10/2020, làm căn cứ triển khai tại địa phương. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng đề án phát triển càphê đặc sản Việt Nam” để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiệm thu, phê duyệt trước 31/12.

Đại biểu năm tỉnh Tây Nguyên và các đơn vị liên quan đã có phần tham luận, thảo luận sôi nổi nhằm phát triển ngành càphê Việt Nam theo hướng bền vững. Theo đó, sẽ hình thành năm chuỗi liên kết về càphê tại năm tỉnh Tây Nguyên, các sản phẩm càphê của các hợp tác xã được dự án hỗ trợ các công cụ truyền thông quảng bá và kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu, được trang bị QRCODE và nâng cao năng lực phân tích và định giá sản phẩm của mình tại thị trường trong nước và Quốc tế.

Dự án tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã này duy trì vận hành các thương hiệu của mình và tổ chức kinh doanh để tư vấn, xúc tiến thương mại các sản phẩm chế biến sâu của mặt hàng càphê giới thiệu tại các sự kiện chương trình xúc tiến thương mại.

Kế hoạch trong thời gian gia hạn 2021 đến tháng 6/2022, đối với vốn IDA là 388 tỷ đồng, vốn đối ứng chính phủ là 83 tỷ đồng.

Khối lượng vốn IDA còn lại trong thời gian gia hạn là 391 tỷ đồng, vốn đối ứng là 133 tỷ đồng. Đồng thời, sẽ hình thành năm chuỗi liên kết về càphê tại năm  tỉnh.

Đối với càphê cảnh quan, giai đoạn gia hạn các tỉnh sẽ phải lồng ghép các công trình đầu tư công vào vùng càphê cảnh quan của tỉnh để phát huy hiệu quả đồng bộ của dự án.

Theo danh mục đầu tư các tỉnh đang đề xuất, có ba tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng có công trình đầu tư công nằm trong khu vực thiết kế càphê cảnh quan. Đối với càphê đặc sản sẽ lồng ghép các công trình đầu tư công vào các vùng lựa chọn phát triển càphê đặc sản.

Thời điểm gia hạn này Dự án VnSAT cũng sẽ triển khai các tiểu dự án đầu tư công sau khi kế hoạch tổng thể được phê duyệt điều chỉnh tổng vốn IDA còn lại dự kiến của năm tỉnh giai đoạn gia hạn là 391 tỷ, trong đó theo danh mục các tiểu dự án đầu tư công các tỉnh đề xuất vốn IDA là 390 tỷ đồng.

Dự án VnSAT, có tổng vốn đầu tư 301 triệu USD; trong đó, vốn IDA 237,2 triệu USD, vốn tư nhân 35 triệu USD, vốn chính phủ 28 triệu USD; thời gian thực hiện từ tháng 7/2015 đến tháng 6/2020.

Mục tiêu của Dự án là đưa 69.000ha càphê của 63.000 hộ nông dân canh tác bền vững; tăng tỷ lệ lợi nhuận 20%; hỗ trợ 162 hợp tác xã, tổ chức nông dân; tăng cạnh tranh ngành hàng, giảm tác động tiêu cực cho môi trường tại 33 huyện, thị xã của năm tỉnh Tây Nguyên.

Theo Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm