Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Thường vụ Quốc hội phê bình một loạt bộ ngành, địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê bình 16/34 bộ ngành, 17/63 tỉnh, thành phố, 16/23 tập đoàn, tổng công ty chưa gửi báo cáo, chương trình về thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Sáng 12-4, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.

Thái độ chưa nghiêm túc

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga dẫn phụ lục báo cáo thẩm tra của UB Tài chính - Ngân sách cho thấy có tới 16/34 bộ, cơ quan TƯ, 17/63 tỉnh, thành phố; 16/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không gửi chương trình cho Bộ Tài chính và rất nhiều cơ quan đơn vị không gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

 

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.

Bà Nga băn khoăn: “Với số lượng lớn đơn vị chưa có báo cáo như thế thì đánh giá trong báo cáo của Chính phủ có phản ánh đúng bản chất và nhận định có chính xác hay không?”

Chủ nhiệm UB Đối ngoại đề nghị cần xem lại nghiêm túc vấn đề này. “Từ nhận thức quy định mới có cơ sở thực hiện, trong khi hơn một nửa đơn vị chưa có chương trình thế này thì không ổn. Thường vụ QH nên cho ý kiến về vấn đề này để Chính phủ quan tâm chỉ đạo và có hướng xử lý”, ông Nguyễn Văn Giàu nói.

Ngoài ra, ông Giàu cũng chỉ rõ “báo cáo chưa thấy biểu dương hay phê bình, đề nghị xử lý trách nhiệm bộ ngành, địa phương nào” và đề nghị làm rõ quy định của pháp luật có đi vào cuộc sống hay không, hiệu quả thế nào hay tổ chức thực hiện có vấn đề, để từ đó có “bài thuốc hữu hiệu”.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng lưu ý, rất nhiều báo cáo không có số liệu, thậm chí như TP.HCM gửi nhầm báo cáo 2016.

“Tôi thấy thái độ chuẩn bị báo cáo của các tỉnh TP, đơn vị chưa nghiêm túc. Nội dung báo cáo của Chính phủ chưa đầy đủ, đề nghị bổ sung làm lại và gửi cho Thường vụ QH trước khi trình ra QH. Nếu báo cáo như vậy là báo cáo chay, không đầy đủ số liệu”, bà Hải nhấn mạnh.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết ngay trong hôm nay sẽ báo cáo Thủ tướng về những đơn vị chưa có chương trình để yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu nhằm đảm bảo kỷ luật, kỷ cương.

“UB Thường vụ QH phê bình các bộ, địa phương và tập đoàn, tổng công ty chưa có báo cáo, thể hiện chưa nghiêm túc. Đây cũng là nội dung giám sát của QH về chấp hành luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí nhưng lại chưa thực sự nghiêm túc”, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển kết luận.

Ông Hiển cho rằng tình trạng lãng phí, thất thoát trong quản lý sử dụng tài sản công, tài chính công, nguồn lực còn kém hiệu quả, lãng phí diễn ra ở các góc độ khác nhau. Ý thức của một số ngành chưa cao, xử lý một số vụ việc chưa kịp thời và chưa nghiêm túc.

“Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ địa chỉ trách nhiệm để công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí có bước tiến mới trong năm sau”, Phó Chủ tịch QH lưu ý.

Thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng

Báo cáo trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết theo số liệu về công tác thanh tra, kiểm toán, năm 2017 phát hiện vi phạm về kinh tế 67.754 tỷ đồng, 17.586 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.093 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng.

Cùng với đó, kiểm toán Nhà nước đã triển khai 257 cuộc kiểm toán, phát hiện, kiến nghị xử lý về tài chính 43.660  tỷ đồng; phát hiện thừa biên chế trong khu vực Nhà nước 57.175 người…

Để đạt hiệu quả cao trong năm 2018, Chính phủ kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách khác, siết chặt kỷ luật tài chính - NSNN.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; từng bước thu hẹp phạm vi sử dụng nợ công. Tiết kiệm triệt để kinh phí chi thường xuyên của NSNN đối với các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, chi tiếp khách, khánh tiết tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; chi đoàn ra, đoàn vào. Triển khai đồng bộ mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung và đẩy mạnh thực hiện cơ chế khoán xe công.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công. Cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng, trừ các công trình quan trọng quốc gia.

Chính phủ cũng yêu cầu thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng quy định. Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc tinh giản biên chế hành chính, dừng việc giao bổ sung biên chế…

Thu Hằng/vietnamnet

Có thể bạn quan tâm