Thời sự - Bình luận

Tích hợp đa giá trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Sau lễ phát động Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa) tại Hậu Giang cuối năm 2023.

Đến nay, 5 tỉnh, thành miền Tây đã triển khai 7 mô hình điểm, đưa hạt giống lúa mới tích hợp đa giá trị vào đồng ruộng. Mới đây, vào giữa tuần qua, Đồng Tháp cũng đã khởi động đề án này.

Đề án 1 triệu ha lúa là cách tiếp cận mới, tích hợp đa giá trị, đa lợi ích, đóng góp trách nhiệm cho môi trường (ảnh minh họa)

Đề án 1 triệu ha lúa là cách tiếp cận mới, tích hợp đa giá trị, đa lợi ích, đóng góp trách nhiệm cho môi trường (ảnh minh họa)

Đề án 1 triệu ha lúa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tạo ra "sân chơi" lớn, thu hút nhiều chủ thể tham gia. Không chỉ hướng đến mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào - ước khoảng 9.500 tỉ đồng, tăng 40% giá trị lúa gạo, tăng 50% tỉ suất lợi nhuận cho người trồng, đề án còn góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải; kỳ vọng trở thành một hình mẫu sản xuất lúa gạo. Đó là cách tiếp cận mới, tích hợp đa giá trị, đa lợi ích, đóng góp trách nhiệm cho môi trường.

Để "chiếc bánh lúa gạo" lớn thêm, cần phải có cách tiếp cận mới. Theo đó, cần sự tiếp cận tổng thể, sự phối hợp đa ngành và giải quyết liên ngành để nông sản phát triển bền vững. Không chỉ là đồng ruộng mà phải tạo ra không gian sáng tạo rộng lớn hơn, nông nghiệp đa giá trị hơn, nông thôn đáng sống hơn và những giá trị tích hợp đa ngành với thương mại, dịch vụ, du lịch …

Xây dựng thương hiệu lúa gạo cũng là một giá trị mới được tạo ra. Cần có các chương trình, kế hoạch với lộ trình cụ thể để mở rộng mã số vùng, cơ sở đóng gói, bao bì đủ điều kiện... Qua đó, hình thành các tổ hợp đủ mạnh để hỗ trợ, chủ động ứng phó, tạo ra giá trị gia tăng dựa trên việc khai thác hiệu quả các nguồn lực.

Chúng ta đã làm ra một số sản phẩm chế biến sâu từ lúa gạo, như dầu gạo, mỹ phẩm từ cám gạo, bánh tráng xuất khẩu, bánh mì không gluten, màng sinh học từ gạo nếp… Thị trường này vốn lớn, nước ta lại nắm được nguồn nguyên liệu dồi dào và ổn định. Tuy nhiên, vẫn cần sự trợ lực nhiều hơn, như dòng tài chính đầu tư cho các sản phẩm chế biến sâu, mô hình "mặt ruộng không dấu chân" gắn với "canh tác không tiền mặt", thực hành quy trình canh tác lúa có trách nhiệm…

Trong mối liên kết các tác nhân quan trọng của chuỗi giá trị nông sản, cần sự tích hợp các nguồn lực vật chất, từ lợi thế tự nhiên đến nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ…, nhất là nguồn lực con người. Việc chuyển đổi sang phương thức kinh doanh nông nghiệp mới đòi hỏi phải nghiên cứu, kết nối thực tiễn, ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa khoa học - công nghệ trong việc xây dựng chuỗi liên kết, chọn các tiêu chuẩn phù hợp, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng tin cậy làm công cụ...

Để mô hình chuỗi giá trị lúa gạo thành công, cần có lộ trình, từng bước từ thấp đến cao; không thể nóng vội, không nên làm theo phong trào mà phải dựa vào thực lực, nội tại của từng doanh nghiệp và có bước đi thích hợp. Thất bại của các tập đoàn, hợp tác xã hay kinh tế trang trại một thời vẫn còn là bài học đáng suy ngẫm cho quá trình triển khai Đề án 1 triệu ha lúa ở ĐBSCL.

Không gian phát triển lúa gạo đang mở ra phía trước từ tư duy mới, cách tiếp cận mới, cách thức giải bài toán và chọn con đường lúa gạo mới cho Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng.

Có thể bạn quan tâm