Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang trong giai đoạn thảo luận cuối cùng tại Quốc hội trước khi được thông qua. So với lần ban hành đầu tiên năm 2006 và sửa đổi, bổ sung năm 2009, Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này nhận được nhiều quan tâm của các nhà làm phim. Điều này dễ hiểu bởi sau một thời gian dài, nhiều điều trong luật không còn phù hợp thực tế thị trường, thậm chí kìm hãm sự phát triển.
Có thể thấy, dự thảo luật mới nhất trình Quốc hội có nhiều thay đổi, điều chỉnh theo hướng tích cực. Những tiếng nói đối thoại giữa người làm luật và nhà làm phim đã được lắng nghe, tiếp thu. Các thảo luận tại nghị trường cũng tập trung vào những vấn đề nổi cộm liên quan đến câu chuyện bỏ các điều cấm trong luật hiện hành, áp dụng hậu kiểm với phim điện ảnh tương tự như phim chiếu mạng, chính sách cởi mở trong hợp tác quốc tế về làm phim, quy định về thẩm định và phân loại phim...
Đặc biệt, câu chuyện xây dựng quỹ điện ảnh là chủ đề nhận được nhiều quan tâm. Quỹ phát triển điện ảnh được đưa vào luật từ năm 2006 nhưng đến nay vẫn chưa hình thành bởi nhiều yếu tố chi phối: nguồn thu, quản lý và vận hành quỹ… Các nhà làm phim cho rằng, ở bất cứ quốc gia nào muốn phát triển điện ảnh không thể thiếu các quỹ hỗ trợ nhà làm phim trẻ hay tác phẩm có đề tài chuyên biệt.
Ngoài những quỹ có quy mô toàn cầu, quỹ điện ảnh của nhiều quốc gia hiện nay, ngay cả trong khu vực Đông Nam Á, không còn giới hạn hỗ trợ cho những nhà làm phim bản địa mà còn tạo cơ hội cho các nhà làm phim nước ngoài. Nó vừa thể hiện sự giao lưu quốc tế nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội kết nối, học hỏi - cách tốt nhất để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Hiện nay, cơ hội để các nhà làm phim Việt Nam xin kinh phí từ các quỹ nước ngoài ngày càng khó khăn hơn bởi sự dịch chuyển của những quỹ lớn đang hướng đến các thị trường mới. Việt Nam không còn nằm trong diện ưu tiên nên cuộc cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt. Do đó nếu quỹ điện ảnh ra đời ngay sau khi dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được ban hành sẽ tạo tiền đề và nền tảng hỗ trợ các nhà làm phim trẻ, với nhiều nhân tố đầy hứa hẹn.
Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng không chỉ có quỹ của nhà nước mà cần có thêm các quỹ của tư nhân. Thực tế, thời gian qua một số nhà làm phim trẻ đã nhận được những hỗ trợ về kinh phí thông qua các cuộc thi làm phim của tổ chức tư nhân. Một số tác phẩm từ đó đã đến các liên hoan phim quốc tế và nhận được những sự vinh danh. Nhưng điện ảnh Việt cần nhiều hơn thế để đưa tiếng nói Việt Nam vươn xa hơn.
Cũng theo các nhà làm phim, những thay đổi tích cực trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) mới nhất còn đến từ các khái niệm. Điện ảnh không còn được hiểu là “nghệ thuật sáng tạo” mà là “nghệ thuật tổng hợp”. Phim không còn là “tác phẩm nghệ thuật” mà đã được chỉnh sửa là “tác phẩm điện ảnh”. Công nghiệp điện ảnh cũng được nhìn nhận sát thực tế hơn, từ chỗ là “hoạt động điện ảnh nhằm tạo ra các giá trị…” thành “ngành kinh tế sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa…”. Khi đã nhìn nhận theo hướng này, không chỉ đơn thuần là sự thay đổi về mặt tư duy. Điều quan trọng hơn, nó cần được hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể.
Khi đã có nhận thức đúng về vai trò của điện ảnh, đặc biệt coi đó là ngành kinh tế sáng tạo vừa có tính đặc thù vừa tạo ra giá trị về kinh tế, chúng ta cần hành động thiết thực để đón đầu xu hướng. Kinh tế sáng tạo không còn là trào lưu mà đã thành xu hướng chủ đạo toàn cầu, có tác động, ảnh hưởng và đóng góp rất lớn với mức tăng trưởng dự báo còn tăng cao. Và, điện ảnh nhiều quốc gia đã làm rất tốt vai trò đó. Hơn khi nào hết, mong muốn của các nhà làm phim là Luật Điện ảnh (sửa đổi) phải là hành lang pháp lý cơ bản và vững chắc, tiền đề cho sự phát triển thay vì kìm hãm hay thui chột tự do sáng tạo.
Tạo ra một văn bản luật cần rất nhiều thời gian, tâm sức. Nhưng làm sao để luật đi vào cuộc sống và phát huy tối đa vai trò, sức mạnh, nhất là trong bối cảnh điện ảnh Việt đang hướng đến mục tiêu trở thành ngành công nghiệp thực thụ, mới là điều quan trọng.
Theo VĂN TUẤN (SGGPO)