Thời sự - Bình luận

Tiền lương của cán bộ công chức: Cần "phá" ra làm lại?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cách trả lương cho cán bộ, công chức hiện nay đang có nhiều bất cập, gây lãng phí, gánh nặng cho ngân sách, cần sớm phải xây dựng lại...

 Tăng lương định kỳ cho hàng loạt cán bộ, công chức khiến gánh nặng ngân sách thêm khó khăn.
Tăng lương định kỳ cho hàng loạt cán bộ, công chức khiến gánh nặng ngân sách thêm khó khăn.



Từ 1/7 tới, tiền lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước sẽ chính thức được điều chỉnh tăng. Nhiều năm gần đây, tăng lương đã trở thành một gánh nặng ngân sách khi mà tổng chi ngân sách Nhà nước cho lương đang ngày càng một phình to, không dành được tỷ lệ hợp lý để chi cho đầu tư phát triển.

Câu chuyện tiền lương luôn nóng bởi nó ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu gia đình, hàng triệu người làm công ăn lương trong khu vực Nhà nước; và đây còn là khu vực có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của hệ thống quản lý hành chính, xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện có quá nhiều loại phụ cấp đang tồn tại, chiếm tỷ lệ cao trong lương làm mất đi bản chất của tiền lương, nhiều người có phụ cấp lớn hơn cả tiền lương. Tình trạng này dẫn đến việc không minh bạch trong hệ thống tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức.

Vì không qui định rõ được vị trí việc làm nên dẫn đến tình trạng trả lương theo kiểu “cào bằng”, còn tình trạng tăng lương cho người không xứng đáng được tăng; việc tăng lương theo định kỳ gây thêm khó khăn cho ngân sách.

Ví dụ dễ thấy, nhiều cán bộ trẻ có năng lực được đề bạt vào vị trí lãnh đạo quan trọng. Thế nhưng, vì thâm niên công tác ít nên tiền lương của người này chắc chắn sẽ thấp hơn những cán bộ dưới quyền, cho dù họ có phụ cấp chức vụ.

Tiền lương tối thiểu chung (tiền lương cơ sở) áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức đến bây giờ không còn phù hợp. Đã đến lúc tiền lương phải được trả cho từng vị trí công việc cụ thể. Bởi thực tế, có những vị trí việc làm phải đảm nhiệm những công việc rất phức tạp, khó, quan trọng nhưng tiền lương lại thấp, có khi ngang bằng với người “sáng cắp ô đi tôi cắp ô về”.

Chưa kể với cách tính lương theo hệ số, theo thang bậc của chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp hay chuyên viên thường cũng còn nhiều bất cập. Bởi thực tế, có những công việc không cần đến người có trình độ đại học nhưng lại do chuyên viên chính, thậm chí là cả chuyên viên cao cấp đảm nhiệm. Điều này vừa gây lãng phí vô cùng lớn, không công bằng giữa các thành viên trong một cơ quan, đơn vị.

Cách trả lương hiện nay đang không căn cứ theo hiệu quả công việc, tăng lương định kỳ… nên dẫn đến tình trạng “làm chơi, ăn thật”, “sống lâu lên lão làng”, làm lâu thì lương cao… Chính vì không có thước đo đánh giá hiệu quả công việc một cách chính xác, minh bạch nên không thể tinh giản bất cứ ai trong hệ thống các cơ quan hưởng lương ngân sách Nhà nước. Đây cũng chính là lý do khiến việc cải cách hệ thống quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống… thêm khó khăn, thậm trí trì trệ.

Ai cũng thừa nhận, hệ thống thang bảng lương thiết kế còn mang tính bình quân, cào bằng, chưa thực sự tạo được động lực để nâng cao hiệu quả làm việc của người lao động, chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Với cách trả lương như hiện nay, chúng ta đang vướng vào một thực tế không có tiền để trả xứng đáng cho người có tài, có năng lực trong khi lại “trả oan” tiền lương cho người yếu kém.

Vậy nên, việc xây dựng lại cách tính tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức là cần thiết, dù biết rằng rất khó.

Vũ Hạnh/VOV.VN

Có thể bạn quan tâm