TN - Đất & Người

Tiến sĩ Trần Hoàng: Người thầy-người nghệ sĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tự nhận mình “mê đắm văn chương từ nhỏ”, Tiến sĩ Trần Hoàng đã chỉ mơ ước trở thành một thầy giáo dạy Văn. Cũng từ đó, nghề giáo trở thành “nghiệp” của ông. Nhưng niềm yêu với chữ nghĩa cũng không rời xa TS. Trần Hoàng, khiến khi nhớ về ông, nhiều bạn bè và học trò đều liên tưởng 2 hình ảnh song hành:  Người thầy và cũng là người nghệ sĩ.  

“Chưa bao giờ xa rời bục giảng”

Đó là lời khẳng định của TS. Trần Hoàng sau 35 năm giảng dạy đại học ở một thành phố năng động bậc nhất cả nước: TP. Hồ Chí Minh. Nhiều thế hệ học trò ở Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và các trường bạn, nơi ông là giảng viên thỉnh giảng, sẽ không quên hình ảnh người thầy với phương pháp giảng dạy nhẹ nhàng mà cũng rất dí dỏm trong các học phần như: Logic học, Cơ sở ngôn ngữ học, Nghệ thuật nói trước công chúng, Tiếng Việt thực hành, Ngữ âm học tiếng Việt,  Ngữ pháp tiếng Việt…

Vậy nhưng, hơn nửa đời người theo nghề dạy học, ông vẫn khiêm tốn: “Tôi nghĩ, công trình lớn nhất của một người thầy chính là những sản phẩm hoàn thiện mà mình đã đào tạo được. Tôi không biết mình đã có được nhiều công trình thuộc loại này chưa?”.
 

Tiến sĩ Trần Hoàng

Trò chuyện với P.V, TS. Trần Hoàng cũng bộc lộ nhiều tâm tư, trăn trở. Ông giãi bày: “Tôi nghĩ, trường đại học sư phạm mang một trách nhiệm hết sức nặng nề, vì sản phẩm của nhà trường-những người thầy tương lai-có vai trò không nhỏ trong sự hình thành nhân cách thế hệ trẻ và sự phát triển của đất nước. “Lương sư hưng quốc” mà!”. Vậy nhưng, rõ ràng nền giáo dục nước ta đã và đang có nhiều điều chưa được như ý, mà trong những điều chưa được như ý đó có vấn đề tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng và sử dụng người thầy.

Muốn có trò giỏi, trước hết phải có thầy giỏi. Thầy giỏi cũng chưa đủ mà còn phải là tấm gương sáng, bởi người thầy đâu chỉ thuần dạy chữ. Và điều đó cần xuyên suốt các bậc học. “Cả xã hội phải tập trung đồng bộ nâng cao vị thế người thầy, không phải trên lý thuyết mà bằng thực tế, để người thầy có thể yên tâm thực hiện thiên chức của mình theo tinh thần “Vì lợi ích trăm năm trồng người”-TS. Trần Hoàng chia sẻ.

Người thầy “đa năng”

Tận tâm với nghề dạy học, song người thầy ấy vẫn không quên niềm mê đắm văn chương, chữ nghĩa từ thuở nhỏ. Ngay khi còn học trung học, TS. Trần Hoàng đã có nhiều thơ đăng báo với bút danh Hoàng Trần. Sau này, do nhiều nguyên nhân, ông ít làm thơ, chỉ thỉnh thoảng mới sáng tác và thường gửi đăng trên các tạp chí Kiến thức ngày nay, Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh... Thơ Hoàng Trần dường như lúc nào cũng bảng lảng một niềm nhung nhớ, và trên hết được thể hiện bằng một giọng tự sự rất trầm tĩnh chứ không “sến súa”, ủy mị.

“Năm nào tôi và gia đình tôi cũng về Pleiku một hai lần. Không về sao được khi Pleiku là cả một thời tuổi trẻ của tôi?”-ông nhẹ nhàng kể. Những dòng thơ đầy chất tâm tình của một người con Pleiku xa núi cả bao năm đã nhận được sự đồng cảm của một số nhạc sĩ. Có thể kể đến những bài đã được phổ nhạc như: Tình ly (nhạc sĩ Hoàng Châu phổ nhạc), Lời chim bỏ núi, Sương phố (nhạc sĩ Nguyễn Hậu), Tháng giêng non, Phượng nhớ (nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên), Dạo chơi với con, Rét cùng Đà Lạt, Thơ tình trên cát (nhạc sĩ Ngô Quang Dũng)…
 

Năm 1974, sau khi đỗ Tú tài II tại Pleiku, TS. Trần Hoàng theo học Đại học Văn khoa Sài Gòn và Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại trường làm giảng viên. Năm 1997, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ (nay được công nhận là tiến sĩ) và tiếp tục giảng dạy Ngữ văn các bậc đại học, sau đại học tại Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và các trường bạn.

Có trên 20 công trình nghiên cứu và giáo trình đã được công bố. Hiện ông là Trưởng  phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường-Tạp chí Khoa học; Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh kiêm Phó Giám đốc-Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

Vừa là một giảng viên có kinh nghiệm đối với môn Ngữ văn, lại vừa tham gia sáng tác nên không lạ gì khi biết TS. Trần Hoàng là hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng Lý luận-Phê bình Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh khóa VI, nhiệm kỳ 2010-2015.

Nhưng khá bất ngờ khi biết 5 năm nay ông còn “ôm sô” cả vai trò là Phó Tổng Biên tập (kiêm phụ trách Trị sự) của Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Tạp chí ra đều đặn mỗi tháng một kỳ gồm 200 trang-một áp lực không nhỏ-để công bố các công trình nghiên cứu khoa học (bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp) thuộc các lĩnh vực khoa học giáo dục, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và công nghệ của các tác giả trong và ngoài nước.

“Nhà thơ, nhà báo, nhà giáo-nhà nghèo”, người ta thường nói vậy. Nhưng ông lại cười lớn khi tôi hỏi về điều này (vì ông có đủ cả 3). “Bạn không biết sao, đây là 3 nghề giàu có nhất về tinh thần đấy!”.

Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm