Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tiếng khèn Mông trên vùng đất mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong không gian hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên, tiếng khèn là minh chứng rõ nét nhất cho vẻ đẹp văn hóa truyền thống và là niềm tự hào của người Mông trên vùng đất mới.

Ông Lý Văn Thắng (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) cho biết: Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, người Mông di cư vào sinh sống ở Đak Pơ. Tiếng khèn như tiếng lòng của người Mông xa xứ, nhất là trong những dịp Tết đến xuân về.

Cũng theo ông Thắng, người Mông có đời sống văn hóa, tinh thần hết sức phong phú. Họ quan niệm vũ trụ có 3 tầng: tầng trên cao là trời (nơi trú ngụ của các đấng thần linh, tổ tiên); tầng giữa là mặt đất (thế giới của sự sống); tầng dưới mặt đất là âm phủ. Người Mông quan niệm: Cả người sống lẫn người chết đều có những phần hồn. Tất cả đều được thể hiện trong các bài khèn, điệu khèn.

Vậy nên, tiếng khèn, điệu khèn là phần hồn, bản sắc của người Mông, nó đi theo con người từ cõi đất lên cõi trời, từ cõi sinh đến cõi tử. Với người Mông, tiếng khèn là sợi dây kết nối giữa thế giới hiện hữu với cõi tâm linh, giữa người với người, với thiên nhiên và các đấng siêu nhiên.

Tiếng khèn của người Mông vang vọng trên đất Tây Nguyên. Ảnh: Bá Tính

Tiếng khèn của người Mông vang vọng trên đất Tây Nguyên. Ảnh: Bá Tính

Tiếng khèn biểu thị tình cảm sâu lắng, gắn với hoạt động của con người từ khi sinh ra lớn lên cho đến khi về với thế giới ông bà tổ tiên. Vì thế, tiếng khèn được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và trở thành một biểu tượng văn hóa không thể thiếu của người Mông.

Với chiếc khèn (krềnh), người Mông có thể thổi tất cả các làn điệu vui buồn khác nhau, thể hiện các cung bậc cảm xúc trong cuộc sống. Khi vui, họ thổi những bài có làn điệu vui vẻ, thanh âm thánh thót, bay bổng để mời gọi bạn chơi, chúc nhau những điều may mắn. Khi buồn, tiếng khèn thường chậm, trầm khiến cho người nghe có những xúc động, bùi ngùi.

Chiếc khèn còn là đạo cụ đặc biệt trong nghệ thuật múa khèn của người Mông. Người thổi khèn vừa thổi vừa biểu diễn các điệu múa với những động tác hết sức phong phú và đa dạng: nhảy đưa chân, quay tròn, quay đảo chiều, lăn nghiêng, lăn ngửa, đi tiến, đi lùi… Vì thế, người biết thổi khèn, múa khèn phải trải qua một thời gian tập luyện kỳ công từ cách lấy hơi đến các điệu múa.

Để trở thành một người thổi khèn giỏi đòi hỏi không chỉ có sự tập luyện chăm chỉ mà phải có những năng khiếu nhất định và tâm hồn đồng điệu những cung bậc văn hóa của người Mông.

“Làm được khèn đã khó, người thổi khèn và thuần thục những điệu múa khèn lại càng khó hơn. Người thổi khèn giỏi phải luyện tập từ lúc nhỏ, là người có thân hình dẻo dai để thể hiện các động tác một cách linh hoạt, uyển chuyển và dứt khoát. Đứa trẻ (nam) ngay khi còn nhỏ sẽ được ông nội hoặc cha làm tặng cho một chiếc khèn phù hợp để tập thổi và luyện tập các điệu múa cơ bản”-ông Thắng cho hay.

Vừa là âm nhạc, vừa là vũ đạo, vừa gắn với nghi lễ dân gian, vừa là công cụ giao tiếp giữa người với người, với thần linh, ông bà tổ tiên và các đấng siêu nhiên, tiếng khèn gắn liền với người Mông trên mọi nẻo đường và trong mọi nghi thức tâm linh, đời sống tinh thần trong cuộc sống.

Tiếng khèn vang lên giúp cho người ta cảm nhận được không gian, thời gian, tình cảm và trạng thái của người chơi khèn và những sắc thái văn hóa đặc trưng. Tiếng khèn ngấm vào máu thịt như câu dân ca người Mông hay hát “Con trai không biết thổi khèn thì cây ngô không mọc, con gái không biết nghe khèn thì dòng suối không biết chảy đi đâu”. Vậy nên, nó là tiếng lòng, tâm tư tình cảm, là ngôn ngữ biểu đạt cuộc sống của người Mông.

Có thể bạn quan tâm