Văn hóa

Chàng trai giữ tiếng khèn Mông trên đất cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Con trai không biết thổi khèn thì cây ngô không mọc/Con gái không biết nghe tiếng khèn thì dòng suối không biết chảy đi đâu”-câu dân ca mà đồng bào dân tộc Mông hát từ bao đời nay đã cho thấy chỗ đứng của tiếng khèn trong đời sống văn hóa tinh thần cộng đồng.

Ở làng Mông (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) hiện có một bạn trẻ vẫn âm thầm gìn giữ thanh âm dặt dìu và mê hoặc ấy, đó là Lý Thiên Toàn (SN 2006).

Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, người Mông di cư vào sinh sống ở 3 huyện của tỉnh Gia Lai gồm Đak Pơ, Kbang và Chư Prông. Tại Đak Pơ, sau hơn 40 năm định cư trên vùng đất mới, một bộ phận đồng bào dân tộc Mông ra đi từ xã Phi Hải (huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) đã dần có cuộc sống ổn định. Đến nay, làng Mông có 158 hộ, 736 khẩu, chiếm hơn 22% dân số của xã. Cùng với chú trọng phát triển kinh tế, bà con nơi đây luôn ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, trong đó có tiếng khèn Mông-một nhạc cụ hết sức đặc trưng và độc đáo.

Nghệ nhân trẻ Lý Thiên Toàn hướng dẫn du khách trải nghiệm cách biểu diễn khèn Mông tại "Ngày hội Di sản văn hóa" do Bảo tàng tỉnh tổ chức vào tháng 10-2023. Ảnh: Phương Duyên

Nghệ nhân trẻ Lý Thiên Toàn hướng dẫn du khách trải nghiệm cách biểu diễn khèn Mông tại "Ngày hội Di sản văn hóa" do Bảo tàng tỉnh tổ chức vào tháng 10-2023. Ảnh: Phương Duyên

Chúng tôi gặp Lý Thiên Toàn lần đầu tiên trong chương trình "Ngày hội Di sản văn hóa" do Bảo tàng tỉnh tổ chức vào tháng 10-2023 tại TP. Pleiku. Gương mặt sáng, vóc dáng khỏe khoắn, biểu diễn thuần thục khèn Mông, Toàn thu hút nhiều du khách vây quanh thưởng thức. Có người rất thích thú khi được Toàn hướng dẫn trải nghiệm cách chơi chiếc khèn độc đáo, được sử dụng trong hầu hết các sinh hoạt văn hóa của người Mông như: lễ hội, cưới xin, tang ma… và cả tỏ tình.

Lần gặp lại mới đây tại buổi phục dựng lễ hội Gầu Tào (lễ hội mùa xuân) do UBND huyện Đak Pơ tổ chức, nghệ nhân trẻ tuổi này tiếp tục cho thấy tài nghệ của mình khi cùng trai làng biểu diễn bài múa khèn kết hợp với màn múa xòe ô nhịp nhàng của các cô gái. Quả là một mảng ghép đặc sắc trong bức tranh văn hóa tổng thể của 44 dân tộc anh em trên vùng đất cao nguyên!

Lý Thiên Toàn (thứ 2 từ phải sang) biểu diễn tại lễ hội Gầu Tào. Ảnh: Phương Duyên

Lý Thiên Toàn (thứ 2 từ phải sang) biểu diễn tại lễ hội Gầu Tào. Ảnh: Phương Duyên

Anh Lý Kim Tuyên-Trưởng thôn tự hào chia sẻ: Cả làng, tính cả già lẫn trẻ thì chỉ có khoảng 15 người biết thổi khèn Mông, trong đó Toàn là người trẻ tuổi nhất nhưng lại thổi hay nhất. Theo anh Tuyên, trong việc tập luyện để sử dụng loại nhạc cụ này thì khó nhất là vừa thổi vừa kết hợp nhuần nhuyễn cách bấm ngón trên các lỗ đục của mỗi ống để cho ra âm thanh hay nhất, trong khi đó người biểu diễn vẫn múa chiếc khèn và thực hiện các động tác quay người khi múa. Không chỉ là nhạc cụ, khèn Mông còn là đạo cụ. Do vậy, phải thật sự có năng khiếu và đam mê thì mới lĩnh hội, trình diễn thuần thục loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này. “Trước kia, làng có vận động các cháu cùng tham gia học lớp thổi khèn Mông, nhưng sau một thời gian thì chỉ còn Toàn và vài người nữa theo được”-anh Tuyên cho hay.

Trưởng thôn Lý Kim Tuyên: “Lớp trẻ trong làng hiện nay ít người quan tâm đến các loại nhạc cụ truyền thống, vì vậy những người như Lý Thiên Toàn là rất đáng quý, đáng trân trọng. Chúng tôi đang vận động lớp trẻ làng Mông nỗ lực tự thân gìn giữ văn hóa, nếu có nhu cầu học thì đăng ký để những người đi trước chỉ dạy”.

Trò chuyện cùng chúng tôi, Toàn kể, gia đình có 3 anh chị em, khi vừa học hết lớp 9 thì em ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nông. Bố em không giỏi thổi khèn Mông nhưng mấy người cậu ruột đang sinh sống ở Lâm Đồng thì chơi rất hay. Yêu thích những thanh âm dặt dìu ấy, cách đây gần 2 năm, Toàn xin theo học với ông Lý Văn Tính-một nghệ nhân cùng làng. Mùa khô thì học ban đêm, mùa mưa học ban ngày. Thường là học 1 buổi rồi về nhưng có hôm cao hứng em ở lại học cả ngày.

Được gia đình khích lệ, sau 3 tháng miệt mài, Toàn tiếp tục khăn gói sang Lâm Đồng học thêm với cậu. “Khó nhất là cầm khèn đúng cách. Biết cách thả ngón tay đẹp thì mới ra tiếng khèn tốt”-Toàn nói. Chuyến đi cũng giúp em thỏa thắc mắc: Tiếng khèn Mông ở các nơi có gì giống và khác nhau? Làm thế nào để chơi ngày một hay hơn?

Say mê với loại nhạc cụ độc đáo của dân tộc, Lý Thiên Toàn mong muốn được truyền dạy lại cho các em nhỏ làng Mông để gìn giữ bản sắc. Ảnh: Phương Duyên

Say mê với loại nhạc cụ độc đáo của dân tộc, Lý Thiên Toàn mong muốn được truyền dạy lại cho các em nhỏ làng Mông để gìn giữ bản sắc. Ảnh: Phương Duyên

Vui vì thấy cháu có đam mê với nhạc cụ dân tộc, cậu của Toàn đã tặng em 1 chiếc khèn loại tốt. Toàn cho hay, do tại Gia Lai không có đủ nguyên vật liệu để làm ra một chiếc khèn hoàn chỉnh nên bà con làng Mông thường đặt mua từ phía Bắc vào. Giá mỗi chiếc trung bình từ 1-1,5 triệu đồng; những chiếc tinh xảo hơn, âm thanh hay hơn thì có thể lên đến cả chục triệu đồng/chiếc.

Nói về những lần biểu diễn tại các sự kiện văn hóa lớn nhỏ, trong đó có một số chuyến ở TP. Pleiku, Toàn bày tỏ: “Em rất vui khi thấy du khách tò mò, thích thú tìm hiểu chiếc khèn Mông. Có người còn xin chụp hình chung. Tới đây, em mong sẽ dạy lại cách biểu diễn cho các em nhỏ trong làng để lưu giữ lại bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.

Bằng nỗ lực tiếp thu và trao truyền ấy từ những bạn trẻ như Toàn, tiếng khèn gọi bạn đi chơi xuân, xuống chợ hay tiếng khèn tỏ tình sẽ còn vọng mãi trong cộng đồng dân tộc Mông trên quê hương mới.

Có thể bạn quan tâm