Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Đôi điều bàn thêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là trách nhiệm của cơ quan công quyền, của cán bộ công chức đảm nhiệm công việc có liên quan. Thông qua việc tiếp công dân mà các cơ quan của Đảng, chính quyền các cấp tiếp nhận được các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời.

Làm tốt việc tiếp công dân còn thể hiện bản chất Nhà nước của ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Mặt khác, thông qua việc tiếp công dân giúp cho Đảng và Nhà nước tiếp nhận được những thông tin phản hồi nảy sinh từ cuộc sống; từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân. Nhận thức được điều đó, hơn năm qua tỉnh Gia Lai đã triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 35, ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua có sự chuyển biến tích cực; sự nhận thức và trách nhiệm về vấn đề này của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức và công dân ngày càng được nâng lên.

 

Ảnh minh họa

Nhiều cơ quan, tổ chức đã quan tâm giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; đồng thời với đó, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát trách nhiệm thủ trưởng về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện thường xuyên; nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài đã được giải quyết dứt điểm. Thực hiện được điều đó, đã làm cho lòng tin của người dân vào sự công tâm, tiếp thu và xử lý vụ việc có trách nhiệm của cơ quan công quyền, nhất là những vụ việc liên quan đến khiếu nại, tố cáo về tiêu cực, tham nhũng, về thực hiện chính sách đối với các đối tượng được thụ hưởng, việc tranh chấp đất đai, nhà ở và những lĩnh vực đời sống xã hội khác...

Trong thời gian từ tháng 7-2014 đến tháng 2-2015, toàn tỉnh đã tiếp 615 lượt công dân đến các cơ quan chức năng phản ánh, khiếu nại, tố cáo. Đã tiếp nhận 355 đơn khiếu nại, phản ánh, tố cáo, kiến nghị của công dân. Trong số đó, các cơ quan thẩm quyền đã xem xét, giải quyết 225 đơn thư, số còn lại chuyển các cơ quan liên quan và hướng dẫn đương sự thực hiện quyền công dân của mình đến các cơ quan bảo vệ pháp luật...

Trong số các đơn thư nói trên, tập trung những nội dung được người dân nêu, chủ yếu vào các lĩnh vực như: đất đai, nhà ở, tài sản; liên quan đến các cơ quan tư pháp, hành chính... Nhiều vụ việc kéo dài được các cơ quan chức năng phối hợp tiến hành rà soát và giải quyết dứt điểm, đơn cử như vụ khiếu kiện về việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất xây dựng công trình thủy điện An Khê-Ka Nak, đất thu hồi khu vực Cầu Sắt, phường Trà Bá... (TP. Pleiku).

Tuy nhiên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã nghiêm túc nhận xét, bên cạnh những kết quả đạt được ban đầu nói trên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: Hiệu quả hoạt động của Ban Tiếp công dân tỉnh chưa cao, cán bộ được phân công tiếp công dân chưa trực tiếp giải quyết được các khiếu nại, kiến nghị của công dân... Lãnh đạo các sở, ngành, đại biểu HĐND các cấp chưa tham gia tiếp công dân theo quy định. Một số địa phương, đơn vị không chủ động, tích cực phối hợp ngành chức năng xem xét, giải quyết khiếu nại của công dân; còn có biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, chuyển đơn lòng vòng, kéo dài thời gian, gây bức xúc trong một bộ phận nhân dân...

Vấn đề đáng quan tâm, chúng tôi xin lạm bàn rằng, việc tổ chức quán triệt Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, Luật Tiếp công dân và các văn bản liên quan, thực tế chưa làm tốt, một bộ phận cán bộ, công chức nói chung và những cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan chính quyền, nhất là người được phân công trực tiếp làm công tác tiếp công dân chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Chế độ thông tin về tình hình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được đầy đủ, kịp thời. Đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân chưa được quan tâm đúng mức.

Những người được giao nhiệm vụ làm công tác tiếp công dân có thể nói là chưa đáp ứng yêu cầu; hiểu biết pháp luật, kinh nghiệm quản lý, khả năng giao tiếp, phương pháp vận động, thuyết phục quần chúng còn bất cập. Những vấn đề có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực mà công dân khiếu nại, tố cáo, phản ánh... cán bộ tiếp công dân nhiều nơi, nhiều người còn khá lúng túng, thiếu tự tin khi đối thoại, giải thích, phân tích, chia sẻ với công dân.

Những nội dung bất cập nói trên, thiết nghĩ cần có sự điều chỉnh, đào tạo, bồi dưỡng những vấn đề cốt lõi cho cán bộ làm công tác tiếp công dân, đồng thời các cán bộ làm việc này cần tự mình nghiên cứu, rèn luyện, học tập nâng cao trình độ mọi mặt và lòng nhiệt tình, yêu công việc, vì nhân dân mà tận tình phục vụ. Được vậy, lòng tin của người dân vào các cơ quan công quyền sẽ được củng cố, mới thể hiện được bản chất “Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân”. 

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm