Kinh tế

Nông nghiệp

"Tiếp sức" cho xã nghèo Ayun

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm qua, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) ưu tiên nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội ở xã Ayun. Qua đó, xã đặc biệt khó khăn này đã có điều kiện để phát huy lợi thế, triển khai hiệu quả các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Bà Phạm Thị Huệ-Phó Chủ tịch UBND xã Ayun-cho biết: “Ayun là xã thuần nông. Xã có gần 1.200 ha đất nông nghiệp, chiếm 23,4% tổng diện tích và khoảng 1.200 ha mặt nước có thể nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, trên 90% dân số của xã là người dân tộc thiểu số, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm. Do đó, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 35%”.
Để phát huy lợi thế của địa phương, từng bước khắc phục những hạn chế, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, năm 2020, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê phối hợp triển khai Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình phát triển kinh tế-xã hội tại xã đặc biệt khó khăn Ayun”. Tổng kinh phí thực hiện Dự án là 6 tỷ đồng, trong đó, vốn sự nghiệp khoa học trung ương là 1,98 tỷ đồng, vốn sự nghiệp khoa học huyện là 2 tỷ đồng, còn lại do người dân đối ứng.
Theo đó, Phòng đã triển khai thực hiện mô hình thâm canh bắp lai CP511 với quy mô 10 ha và mô hình chăn nuôi bò lai kết hợp trồng cỏ với 55 hộ dân tham gia. Tham gia các mô hình, người dân được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị tưới, đồng thời được cán bộ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ hướng dẫn, chuyển giao công nghệ.
Mô hình trồng thâm canh bắp lai CP511 bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao
Mô hình trồng thâm canh bắp lai CP511 bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Quang Tấn
Vụ mùa vừa qua, 20 hộ dân tham gia mô hình thâm canh bắp lai CP511 rất phấn khởi khi bắp vừa được mùa vừa được giá. Bà Trần Thị Hường (làng Vơng Chép) bộc bạch: “Trồng giống bắp này chỉ khoảng 90 ngày là thu hoạch nên không lo bị thiếu nước, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Với gần 1 ha bắp, gia đình tôi thu được 7 tấn. Với giá bán khoảng 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi thu về hơn 25 triệu đồng. Cũng với diện tích này, những năm trước, gia đình tôi trồng mì chỉ thu hơn 10 triệu đồng/năm”.
Ông Kpuih Oech (làng Achông, xã Ayun, huyện Chư Sê) trồng cỏ nuôi bò. Ảnh: Quang Tấn
Ông Kpuih Oech (làng Achông, xã Ayun, huyện Chư Sê) trồng cỏ nuôi bò. Ảnh: Quang Tấn
Còn hộ ông Kpuih Oech (làng Achông) được hưởng lợi từ mô hình chăn nuôi bò lai kết hợp trồng cỏ. Bên cạnh được hỗ trợ giống cỏ, thiết bị tưới, hướng dẫn kỹ thuật lai cải tạo đàn bò, vệ sinh chuồng trại, phòng trừ bệnh, gia đình ông Oech còn được hỗ trợ 1 con bò sinh sản để phát triển chăn nuôi. Ông cho hay: “Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật trồng nên cỏ phát triển tốt. Giờ đàn bò 5 con của gia đình không phải lo tìm nguồn thức ăn mỗi khi vào mùa khô nữa”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Dự án được triển khai trong 3 năm (2020-2023) sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. Theo dự kiến, xã sẽ nhân rộng diện tích trồng bắp lai lên 125 ha và phát triển đàn bê lai khoảng 500 con, lợi nhuận hàng năm mang lại cho nông dân trong vùng dự án khoảng 6 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động/năm. Ngoài ra, thông qua công tác đào tạo, tập huấn và hội thảo đầu bờ, bà con nông dân sẽ nắm bắt các tiến bộ kỹ thuật mới để áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm