(GLO)- Ngày 25-8, tại Hội trường 2-9 (TP.Pleiku), Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 13 tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 13/TW5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (2005-2015). Đồng chí Nguyễn Đức Hoàng-Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trường đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện Ban Tuyên giáo, Ban dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo 17 huyện, thị xã, thành phố và 119 Hợp tác xã.
Ảnh: Lê Nam |
Triển khai thực hiện Nghị quyết 13/TW5 (khóa IX), Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU và giao cho Ban cán sự UBND tỉnh xây dựng chương trình thực hiện Nghị quyết; UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị quán triệt cho cán bộ chủ chốt toàn tỉnh nắm bắt nội dung Nghị quyết 13. Các sở, ngành, cấp ủy, HĐND, UBND các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong Đảng và toàn thể nhân dân về bản chất và vai trò của kinh tế tập thể. Nhờ vậy, nhận thức của cán bộ, nhân dân về Hợp tác xã (HTX) ngày càng được nâng cao.
Trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, các HTX trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới phương thức hoạt động và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhất là vùng nông thôn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 119 HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp với 23.863 thành viên, 6.235 lao động thường xuyên. Tổng doanh thu trong 10 năm của HTX hơn 905,7 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 30,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 50,7 tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Văn Niên chỉ rõ những hạn chế trong hoạt động của HTX trong thời gian qua. Cụ thể, việc phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác còn nhiều hạn chế như: số lượng HTX giảm; vai trò chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và các ban ngành để tạo cơ chế cho HTX phát triển chưa cao; vai trò của ngân hàng trong viêc giải ngân vốn cho HTX chưa tốt…
Do đó, trong thời gian tới, việc phát triển kinh tế hợp tác phải gắn bó mật thiết, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế của tỉnh; tạo điều kiện cho HTX phát triên ổn định, góp phần ổn định đời sống, an sinh xã hội; HTX cần mở rộng, tập trung mọi lĩnh vực, ngành nghề, đa đạng về hình thức, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vai trò của HTX để người dân hiểu, tham gia; đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ HTX phát triển; nâng cao vai trò quản lý của nhà nước đối với HTX; quan tâm và tạo điều kiện để kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác ngày càng phát triên.
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng đánh giá cao những kết quả đạt được của HTX trong thời gian qua. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động HTX. Nổi bật là trên địa bàn tỉnh hiện chưa có HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; còn một số HTX hoạt động không đúng nghuyên tắc; cơ sở vật chất HTX còn nhiều thiếu thốn; vai trò lãnh đạo của một số cơ quan chuyên môn chưa thực hiện tốt trách nhiệm của mình; sự đóng góp của HTX trong chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới còn hạn chế.
Để phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý một số nhiệm vụ: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của HTX và tạo niềm tin trong nhân dân; củng cố đổi mới hoạt động của Liên minh HTX; khuyến khích xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác và nhân rộng các điển hình tiên tiến; các sở, ngành và địa phương, nhất là Liên minh HTX cần quan tâm hỗ trợ giải quyết và tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho HTX.
Lê Nam