Trong quá trình thực hiện 16 dự án (gồm 137 gói thầu, chưa bao gồm các gói thầu mua sắm trang thiết bị của công trình Thư viện), Đoàn Kiểm tra của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phát hiện ra nhiều sai phạm trong công tác đấu thầu. Trong đó có sai phạm của đội ngũ lãnh đạo Nhà trường, đặc biệt là cá nhân ông Hiệu trưởng Lê Vinh Danh với vai trò là chủ đầu tư.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Ảnh: TT |
Đầu tư 16 dự án, tất cả đều sai phạm
Thực hiện Quyết định số 957/QĐ-TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, từ ngày 15.7.2019 đến 30.8.2019, Đoàn Kiểm tra Tổng LĐLĐVN đã tiến hành kiểm tra Công tác đầu tư xây dựng và hoạt động của các Trung tâm, đơn vị trực thuộc Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU).
Theo Kết luận số 1690/KLKT-TLĐ ngày 7.11.2019, Đoàn Kiểm tra đã căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật cũng như Kết luận của Kiểm toán Nhà nước (tại Thông báo số 48/TB-KTNN ngày 5.1.2019) để chỉ rõ: “Nguồn vốn Nhà trường thực hiện là nguồn vốn nhà nước ngoài ngân sách”. Vì vậy, Đoàn Kiểm tra xem xét, đánh gia công tác đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm của Nhà trường trên cơ sở Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu.
Từ cơ sở đó, Đoàn Kiểm tra nhận thấy, trong giai đoạn từ 2014 - 2019, TDTU là Chủ đầu tư 16 dự án với tổng kinh phí lên tới hơn 2.575 tỉ đồng. Vấn đề ở chỗ, cả 16/16 dự án đều tồn tại các sai phạm.
Cụ thể về chủ trương đầu tư, Kết luận số 1690/KLKT-TLĐ thể hiện: Hiệu trưởng Nhà trường đã vượt cấp để tự phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của 6 dự án gồm: Ký túc xá và Trung tâm giáo dục quốc phòng - cơ sở Tân Phong; Ký túc xá - cơ sở Nha Trang; Bờ kè bảo vệ Rạch Tư Dinh; Cầu D4; Cầu D10; Khoa Sư phạm và Hệ thống thực hành. Hành vi này đã vi phạm khoản 3, khoản 4, Điều 57 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.
Tại Dự án Bờ kè bảo vệ Rạch Tư Dinh và Cầu D10, Chủ đầu tư (hiệu trưởng) đã tự ý phê duyệt dự án trước khi có ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng.
Ngoài ra tại các dự án như Khu nhà D + E; Khu nhà F + G hay Khu Ký túc xá và Trung tâm Giáo dục Quốc phòng, Chủ đầu tư đã không trình lên cơ quan có thẩm quyền thiết kế cơ sở hoặc khi có góp ý/đề nghị thì lại không thực hiện theo…
Đặc biệt trong quá trình kiểm tra 16 dự án (gồm 137 gói thầu, chưa bao gồm các gói thầu mua sắm trang thiết bị của công trình Thư viện), Đoàn Kiểm tra cũng phát hiện ra nhiều sai phạm trong công tác đấu thầu.
Cụ thể, toàn bộ 137 gói thầu đã không thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (không tuân thủ Khoản 1, Điều 33, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13); Không đăng tải thông tin về đấu thầu trên mạng đấu thầu quốc gia và trên Báo Đấu thầu (không tuân thủ Điểm a, Điểm đ, Khoản 1, Điều 8, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13).
Liên tiếp chỉ định thầu sai quy định
Ngoài ra, Đoàn Kiểm tra cũng phát hiện ra 15 gói thầu lớn hơn 500 triệu đồng nhưng chủ đầu tư lại tiến hành chỉ định thầu thay vì đấu thầu rộng rãi (không tuân thủ Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP).
Theo tính toán, 15 gói thầu được chỉ định này tương ứng với 28,2 tỉ đồng. Trong đó có một gói thầu trị giá 2,74 tỉ đồng được Hiệu trưởng Nhà trường giao cho đơn vị nội bộ là Khoa Mỹ thuật công nghiệp thực hiện bằng biên bản giao nhiệm vụ.
Một số gói thầu có giá trị lớn hơn 500 triệu đồng nhưng được TDTU chỉ định thầu như: Gói thầu Tư vấn lập quy hoạch, lập dự án đầu tư và thiết kế xây dựng công trình - Công trình Ký túc xá và Trung tâm Giáo dục Quốc phòng trị giá 3 tỉ đồng, đơn vị được chỉ định thầu là Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế công nghiệp ; Gói thầu Công trình Hệ thống nước sinh hoạt có giá gói thầu lớn hơn 1 tỉ đồng, áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh thông thường, Chủ đầu tư tự thực hiện áp dụng chào hàng cạnh tranh rút gọn, có 3 nhà thầu báo giá là Công ty CP Xây dựng Công trình Cường Thịnh, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Hưng Long Phát, Công ty CP Xây lắp và Vật tư Xây dựng 2 và Hiệu trưởng trực tiếp phê duyệt báo giá vào báo cáo của Ban QLDA và thực hiện chỉ định thầu là vi phạm Điều 58 Nghị định 63/2014/NĐ-CP về quy trình chào hàng cạnh tranh thông thường; Tại dự án Công trình Ký túc xá và nhà công vụ, ở gói thầu Cung cấp và lắp đặt nhôm kính, lan can inox, trần, vách Compact cho 01 khối ký túc xá và 02 khối nhà công vụ trị giá 2,92 tỉ đồng, tại thời điểm đóng thầu có 2 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hưng Long Phát và Công ty TNHH Nội thất - Xây dựng Minh Tân. Bên mời thầu cũng như Chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định mà tiếp tục thực hiện mở thầu vào lúc 11h00 ngày 20.4.2017, vi phạm khoản 4 Điều 117 Nghị định 63/2014/NĐ-CP; Gói thầu: Tư vấn giám sát thi công công trình có giá 524, 8 triệu đồng, Chủ đầu tư ký kết Hợp đồng số 16/HĐ 2017 ngày 14/3/2017 với Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Sơn Long, giá trị 189, 1 triệu đồng, tuy nhiên theo Quyết định số 16/2016/HĐT-QĐ ngày 30.12.2016 xác định phần công việc tư vấn giám sát Chủ đầu tư tự thực hiện và giảm giá 20% chi phí trước thuế, như vậy, hợp đồng không đảm bảo cơ sở pháp lý theo quy định…
Tại gói thầu Tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình ở dự án Công trình Thư viện và Trung tâm giáo dục quốc tế (Nhà F+G) có giá trị 450 triệu đồng, Chủ đầu tư không lập dự toán. Tuy nhiên, xác định giá trị theo Quyết định số 957/QĐ-BXD thì giá gói thầu thuộc hạn mức phải đấu thầu rộng rãi. Chủ đầu tư giao thầu cho Liên danh Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật TĐT và Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Sơn Long thực hiện
Trước thực tế trên, Đoàn Kiểm tra kết luận: Việc chỉ định thầu, thương thảo và ký hợp đồng hoặc ký hợp đồng trực tiếp với nhà thầu đối với các gói thầu có giá trị nằm trong hạn mức bắt buộc phải tổ chức đấu thầu rộng rãi theo quy định của Luật Đấu thầu. Như vậy Chủ đầu tư đã không tuân thủ Luật Đấu thầu.
Kết luận số 1690/KLKT-TLĐ còn chỉ rõ Chủ đầu tư biến các gói thầu từ mức giá trị lớn (phải đấu thầu rộng rãi) xuống mức thấp hơn để có thể chỉ định thầu. Đó là các gói thầu: Tư vấn giám sát thi công xây dựng công - Công trình Nhà F + G; Thẩm tra thiết kế BVTC (lần 1) và dự toán - Công trình Ký túc xá và Trung tâm Giáo dục Quốc phòng…
Với hành vi trên, Đoàn Kiểm tra cho biết Chủ đầu tư đã vi phạm Luật Đấu Thầu trong công tác lựa chọn nhà thầu và các Nghị định số 63/2014, số 32/2015 và số 37/2015.
Ngoài ra, Kết luận số 1690/KLKT-TLĐ nêu thêm các hành vi sai phạm của Chủ đầu tư tại một số gói thầu như: Không thực hiện trình Cơ quan chuyên môn về xây dựng của Nhà nước để thẩm định dự toán xây dựng theo quy định dẫn đến việc xác định giá gói thầu không chính xác; Ký hợp đồng trước khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu…
Hiệu trưởng nhà trường với tư cách là Chủ tài khoản, Trưởng BQL dự án đã chỉ đạo công tác lựa chọn nhà thầu sai quy định; ký kết hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng của 164 gói thầu chưa đảm bảo quy trình. Đa số không tuân thủ quy định pháp luật hiện hành với số tiền thanh toán 1.154 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều gói thầu không lưu trữ đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật như: Không có kế hoạch lựa chọn nhà thầu giai đoạn chuẩn bị dự án; không có báo cáo thẩm định Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu; không có quyết định phê duyệt dự toán gói thầu; không có quyết định phê duyệt Kết quả lựa chọn nhà thầu…
Trong đó có gói thầu được Chủ đầu tư phê duyệt giá trúng thầu thậm chí còn cao hơn cả giá mời thầu như gói thầu “Cung cấp và lắp đặt ghế sofa các loại”. Ở gói thầu này, giá trúng thầu của Xưởng nội thất Creator là 3,27 tỉ đồng cao hơn giá gói thầu được phê duyệt là 2,6 tỉ đồng.
Không những vậy, kết luận số 1690 của Tổng LĐLĐVN còn cho thấy, trong quá trình đầu tư, xây dựng, TDTU đã không thực hiện biên pháp xử lý của các đơn vị kiểm toán độc lập cũng như không chấp hành, thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước theo Thông báo số 48/TB-KTNN ngày 5.1.2019.
Sau quá trình kiểm tra, Tổng LĐLĐVN kiến nghị TDTU xuất toán số tiền hơn 13,3 tỉ đồng, tương đương 8,75% giá trị kiểm tra do tính sai khối lượng, đơn giá; thu hồi về tài khoản tạm giữ của nhà trường các khoản chi chưa đủ điều kiện thanh toán số tiền hơn 108 tỉ đồng; thẩm tra, thẩm định lại số liệu trước khi thực hiện quyết toán theo quy định với số tiền 572 tỉ đồng…
|
Theo NHÓM PV (LĐO)