Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Tiết kiệm nghìn tỉ từ sắp xếp dôi dư, vẫn còn cán bộ không muốn tinh gọn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Dù đã cam kết sẽ sắp xếp xong cán bộ, công chức dôi dư trước 2022, nhưng hiện nay một số địa phương kêu khó hoàn thành nhiệm vụ này. Lý do là số cán bộ dôi dư đông, trong khi số đến tuổi về hưu lại ít.
 
Báo cáo do Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân ký gửi Quốc hội cho biết có cán bộ không muốn giảm đơn vị hành chính. ẢNH NGỌC THẮNG
Địa phương kêu "khó hoàn thành" dù đã cam kết giải quyết cán bộ dôi dư
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nội vụ, đến nay, cả nước đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, trừ TP.HCM và Kiên Giang xin hoãn.
Theo đó, cả nước đã sắp xếp 18 đơn vị cấp huyện, trong đó, 9 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 1 thuộc diện khuyến khích sắp xếp (Quảng Ninh đề nghị sáp nhập huyện Hoành Bồ với thành phố Hạ Long) và 8 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp.
Còn 10 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp nhưng các địa phương đề nghị chưa tiến hành trong đợt này, trong đó có 4 huyện nằm cách biệt nên không thể sắp xếp được với đơn vị liền kề là Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị) và Tân Phú Đông (Tiền Giang).
Sau sắp xếp, cả nước giảm được 6 huyện, trong đó Cao Bằng giảm 3 huyện (từ 13 xuống 10), các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Hòa Bình giảm 1 huyện. Yên Bái, Điện Biên có điều chỉnh địa giới để sắp xếp nhưng không làm giảm số lượng huyện.
Về số lượng xã, cả nước đã sắp xếp được 1.025 đơn vị (trong đó có 532 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 111 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp và 382 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp). Đến nay, cả nước giảm 545 xã, trong đó một số tỉnh giảm nhiều như Hòa Bình giảm 59 xã, Cao Bằng giảm 38 xã, Phú Thọ giảm 52 xã, Hà Tĩnh giảm 46 xã, Thanh Hóa giảm nhiều nhất, tới 76 xã...
Cũng theo báo cáo của Bộ Nội vụ, sau sắp xếp, số công chức cấp huyện dôi dư là 428 người, công chức cấp xã dôi dư là 9.534 người, số hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 6.913 người.
Mặc dù các địa phương đều cam kết và có phương án, lộ trình chi tiết giải quyết dứt điểm số cán bộ dôi dư trước năm 2022, nhưng sau khi nghị quyết về sắp xếp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, thì trong quá trình triển khai, các địa phương lại phản ánh về Bộ Nội vụ việc giải quyết các chính sách đối với những người dôi dư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, khó bảo đảm hoàn thành trước năm 2022.
Cụ thể, trong giai đoạn 2019 - 2021, các địa phương có phương án giải quyết dứt điểm được số cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư là 146 người, trong đó riêng số người đến tuổi nghỉ hưu đã là 53; giải quyết được số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 7.006 người, trong đó đến tuổi nghỉ hưu là 1.276 người; và giải quyết được số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 6.705 người.
Như vậy, vẫn còn 282 cán bộ, công chức cấp huyện, 2.528 cán bộ, công chức cấp xã và 208 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư mà “các địa phương vẫn còn lúng túng, chưa có phương án giải quyết”.
Tuy vậy, Bộ Nội vụ cho biết sẽ tiếp tục đôn đốc, đồng hành và kiểm tra các địa phương triển khai thực hiện để bảo đảm giải quyết dứt điểm trước năm 2022.
Vẫn chậm tiến độ do tâm lý “không muốn giảm”
Theo tính toán của các địa phương, sau sắp xếp, dự kiến giảm chi ngân sách trong 5 năm tới (2020 - 2024) khoảng 1.431 tỉ đồng, gồm giảm chi tiền lương và phụ cấp khoảng 511 tỉ đồng, giảm chi hoạt động khoảng 920 tỉ đồng, chưa bao gồm giảm chi xây dựng mới, sử dụng trụ sở làm việc, mua sắm ô tô, trang thiết bị làm việc…
Theo Bộ Nội vụ, tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính vẫn chậm so với kế hoạch đề ra, do “đây là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, các địa phương phải cân nhắc kỹ khi xây dựng các phương án”, “nhiều địa phương phải thảo luận tại nhiều cuộc họp của ban chấp hành, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy”.
Trình tự, thủ tục gồm lấy ý kiến cử tri (một số địa phương tổ chức lấy ý kiến lần 1 chưa đạt 50% đồng ý; phải tiến hành tuyên truyền, vận động để tổ chức lấy ý kiến lần 2), thông qua HĐND các cấp (từ cấp xã đến cấp huyện và cấp tỉnh) cũng đóng góp vào việc chậm tiến độ này, vẫn theo Bộ Nội vụ.
Thêm vào đó, việc sắp xếp các đơn vị hành chính thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2021, nhưng phải hoàn thành trong quý 1/2020 nên thời gian gấp, gần sát với thời điểm các địa phương chuẩn bị đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 (nhất là ở cấp xã). Do đó, các địa phương gặp nhiều lúng túng, khó khăn trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và chuẩn bị đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Ngoài lý do trên, Bộ Nội vụ cũng cho rằng, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai sắp xếp, do vẫn còn tâm lý không muốn giảm số lượng đơn vị hành chính ở địa phương mình.
Một số cán bộ, công chức thuộc diện sắp xếp có tâm lý muốn ổn định, nên tìm các lý do để không tiến hành sắp xếp... Tuy vậy, báo cáo không chỉ ra được địa phương nào, cán bộ nào có tâm lý trên.
Thống kê của Bộ Nội vụ về giảm chi ngân sách sau sắp xếp đơn vị hành chính
Năm 2020 là năm giảm chi ngân sách nhiều nhất, với khoảng 481 tỉ đồng, trong đó giảm chi tiền lương, phụ cấp khoảng 297 tỉ đồng; giảm chi hoạt động khoảng 184 tỉ đồng.
Năm 2021 giảm chi khoảng 305 tỉ đồng, trong đó, giảm chi tiền lương, phụ cấp khoảng 121 tỉ đồng, giảm chi hoạt động khoảng 184 tỉ đồng.
Năm 2022 giảm chi khoảng 215 tỉ đồng, trong đó giảm chi tiền lương, phụ cấp khoảng 31 tỉ đồng, giảm chi hoạt động khoảng 184 tỉ đồng.
Năm 2023 giảm chi khoảng 217 tỉ đồng, trong đó giảm chi tiền lương, phụ cấp khoảng 33 tỉ đồng, giảm chi hoạt động khoảng 184 tỉ đồng.

Năm 2024 giảm chi khoảng 213 tỉ đồng, trong đó giảm chi tiền lương, phụ cấp khoảng 29 tỉ đồng, giảm chi hoạt động khoảng 184 tỉ đồng

Vũ Hân (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm