Đô thị

Tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới: Vì làng quê xanh-sạch-đẹp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với sự nỗ lực của hệ thống chính trị và người dân, việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Người dân đã hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng làng quê xanh-sạch-đẹp. 
Chung tay gìn giữ môi trường nông thôn
Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến thăm làng O Ngol (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) là cảnh quan môi trường thông thoáng, sạch đẹp. Nói về những đổi thay của làng, ông Siu Huỳnh-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn O Ngol-cho hay: “Làng có 116 hộ dân được chia làm 3 tổ phụ trách các tuyến đường làng. Hàng tháng, mỗi tổ chịu trách nhiệm dọn vệ sinh 2-3 lần ở những khu vực được phân công. Các tổ trưởng, tổ phó chịu trách nhiệm giám sát và đề xuất xử lý những trường hợp vứt rác bừa bãi. Ngoài ra, làng còn trồng được 100 cây bằng lăng và các loại hoa tại các tuyến đường, khu vực công cộng để tạo điểm nhấn trong xây dựng cảnh quan của làng”.
Theo ông Giáp Hồng Sinh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Vê, làng O Ngol không chỉ đi đầu trong đóng góp kinh phí, ngày công để xây dựng hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng mà còn tích cực trong giữ gìn vệ sinh môi trường. Đặc biệt, người dân đã hình thành thói quen trong việc hạn chế sử dụng túi ni lông và biết phân loại, thu gom xử lý rác thải sinh hoạt quanh nơi ở, nơi sản xuất.
Các tuyến đường ở làng O Ngol (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) đều sạch đẹp kể từ khi xây dựng làng nông thôn mới. Ảnh: H.T
Các tuyến đường ở làng O Ngol (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) đều sạch đẹp kể từ khi xây dựng làng nông thôn mới. Ảnh: H.T
Tương tự, 2 làng nông thôn mới Jrăng Krái, Jrăng Blo (xã Ia Khai, huyện Ia Grai) cũng trở thành điểm sáng về môi trường. Ông Rơ Lan Blao-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Jrăng Blo-thông tin: “Làng có 224 hộ dân, trong đó có 175 hộ người dân tộc thiểu số. Đến nay, tất cả các hộ đều đã đào hố rác để thu gom rác thải sinh hoạt và làm nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Các hộ chăn nuôi đều làm chuồng nuôi nhốt gia súc xa nơi ở, đảm bảo khoảng cách an toàn, không gây ô nhiễm môi trường. Nhờ đó, nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường ngày càng nâng lên”.
Xác định môi trường là tiêu chí cần thực hiện thường xuyên và lâu dài, xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bùi Thị Đức cho hay: Từ khi triển khai xây dựng làng nông thôn mới, diện mạo của 4 làng Đồn đã khởi sắc rõ rệt. Tiếp nối những thành quả này, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo Mặt trận, các đoàn thể và hệ thống chính trị thôn, làng vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. “Mặt trận, các hội, đoàn thể đã hỗ trợ một phần kinh phí và vận động xã hội hóa lắp đặt gần 100 thùng rác tại các làng, đồng thời hướng dẫn người dân phân loại rác thải, cải tạo vườn tạp trồng rau xanh, cây ăn quả. Mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã ra mắt mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Pông và hướng tới sẽ nhân rộng ra các làng. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền và hỗ trợ để giúp các làng thực hiện tốt hơn tiêu chí môi trường trong xây dựng làng nông thôn mới”-bà Đức nhấn mạnh.
Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu môi trường bền vững
Ông Phạm Nhuần-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh-cho biết: Trong năm 2021, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tổ chức 5.694 buổi tuyên truyền; đăng tải và chia sẻ gần 30 ngàn tin, bài; chuyển tải 1.498 cuốn sách hay, 500 tờ rơi các loại với nội dung tập trung hướng dẫn xây dựng mô hình bảo vệ môi trường, quy trình thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón, giải pháp giảm thiểu sử dụng túi ni lông. “Điều dễ nhận thấy nhất là người dân đã thay đổi nhận thức và hình thành thói quen trong giữ gìn môi trường nơi ở lẫn nơi sản xuất. Hiện các cấp Hội tập trung hướng dẫn người dân xây dựng mô hình hố rác hữu cơ thành phân bón; vận động làm nhà vệ sinh, di dời chuồng trại và thu gom, phân loại rác thải”-ông Nhuần thông tin.
Người dân ở các làng Đồn (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) đã biết cải tạo đất trồng rau xanh để phục vụ bữa ăn cũng như tạo cảnh quan môi trường xanh mát. Ảnh: Anh Huy
Người dân ở các làng Đồn (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) đã biết cải tạo đất trồng rau xanh để phục vụ bữa ăn cũng như tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Ảnh: Anh Huy
Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ trong xây dựng làng nông thôn mới. Trong đó, tập trung tuyên truyền xây nhà tiêu hợp vệ sinh, triển khai các mô hình “Hàng rào xanh”, “Con đường hoa”, “Mỗi hộ 1 vườn rau xanh và cây ăn trái”, “Mỗi phụ nữ trồng 1 cây xanh”… Bà Võ Hoàng Lan-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Phú Thiện-cho hay: “Hội đã hỗ trợ 10 triệu đồng cho 5 hộ xây nhà tiêu hợp vệ sinh và hướng dẫn các hộ dân ở các làng làm nhà vệ sinh. Ngoài ra, các cơ sở Hội đã tổ chức dọn vệ sinh nơi công cộng định kỳ và thường xuyên hướng dẫn người dân trong việc phân loại, đào hố xử lý rác thải sinh hoạt để gìn giữ môi trường sạch đẹp, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong xây dựng làng nông thôn mới”.
Trao đổi với P.V, ông Lương Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường-cho biết: Đến nay, việc thực hiện tiêu chí môi trường của các xã nói chung, các làng đăng ký xây dựng nông thôn mới nói riêng đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn tồn tại một số khó khăn như: tính tự giác của người dân chưa cao, vẫn còn tình trạng vứt rác bừa bãi và thả rông gia súc, chuồng trại chăn nuôi chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. Vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn tại một số xã vẫn còn gặp khó khăn. Hầu hết các xã đã có quy hoạch bãi rác nhưng chưa có kinh phí xây dựng và thành lập đội vệ sinh thu gom rác thải. Vẫn còn tình trạng người dân bỏ lẫn rác sinh hoạt vào các bể thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật.
“Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hướng dẫn, tập huấn các nội dung về môi trường và an toàn thực phẩm. Cùng với đó, khuyến khích xã hội hóa thành lập các đội, tổ thu gom rác thải sinh hoạt; tập trung nguồn lực, nhân lực đầu tư thực hiện có trọng tâm, trọng điểm giúp các xã, làng đã đăng ký hoàn thành các chỉ tiêu môi trường bền vững. Đồng thời, bố trí kinh phí xây dựng thêm bể thu chứa bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và hợp đồng với đơn vị chức năng thu gom vận chuyển xử lý theo đúng quy định. Đề xuất trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện các chỉ tiêu trong tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm”-ông Bình thông tin.
ANH HUY - NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm