Kinh tế

Nông nghiệp

Tiêu hủy diện tích mì nhiễm bệnh khảm lá vi rút: Nông dân chần chừ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, tại một số địa phương xuất hiện bệnh khảm lá vi rút hại mì với diện tích hơn 100 ha. Đến nay, ngành chức năng hướng dẫn bà con nông dân xử lý phần diện tích bị nhiễm nặng. Riêng số diện tích bị nhiễm cục bộ hiện vẫn còn khó khăn trong công tác xử lý, tiêu hủy.
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, thời gian qua, toàn tỉnh có hơn 141 ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút (nhiễm nhẹ hơn 32,7 ha, trung bình 45,5 ha, nặng gần 63 ha). Bệnh xảy ra ở 5 huyện, thị xã gồm: Ia Pa 45,2 ha, Phú Thiện 60,5 ha, Krông Pa 17,7 ha, Chư Pưh 14,7 ha và Ayun Pa 3 ha. Đây là lần đầu tiên bệnh khảm lá vi rút hại mì xuất hiện trên địa bàn tỉnh ta. Các giống mì bị nhiễm bệnh là KM419, HL-S11, K98-5.
Cơ bản xử lý xong diện tích nhiễm nặng
Đến nay, các địa phương đã tiêu hủy hoàn toàn được hơn 34,3 ha mì nhiễm bệnh. Trong đó, huyện Chư Pưh tiêu hủy toàn bộ 14,7 ha, huyện Ia Pa gần 10 ha, huyện Phú Thiện 9,7 ha.
  Nhiều nông dân còn chần chừ tiêu hủy diện tích mì nhiễm bệnh để chờ thu hoạch.   Ảnh: L.N
Nhiều nông dân còn chần chừ tiêu hủy diện tích mì nhiễm bệnh để chờ thu hoạch. Ảnh: L.N
Tại huyện Chư Pưh, vào khoảng trung tuần tháng 9-2018, trên cây mì xuất hiện bệnh khảm lá vi rút. Ngay sau khi phát hiện bệnh, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra, thống kê diện tích bị nhiễm để có hướng xử lý kịp thời. Ông Hoàng Văn Hoan-Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Chư Pưh-cho hay: “Trạm đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện và UBND các xã có diện tích mì bị nhiễm bệnh tích cực tuyên truyền, vận động người dân nhổ bỏ, tiêu hủy mầm bệnh. Đến nay, trên địa bàn huyện đã tiêu hủy hoàn toàn diện tích mì bị nhiễm bệnh”.
Tương tự, huyện Ia Pa (Gia Lai) cũng đã tiêu hủy được gần 10 ha và huyện Phú Thiện tiêu hủy được 9,7 ha nhiễm nặng. Ông Trương Minh Khang-Chủ tịch UBND xã Kim Tân (huyện Ia Pa) cho hay: “Trên địa bàn xã có 7,1 ha mì bị nhiễm bệnh, trong đó, bị nặng là 4 ha và nhẹ 3,1 ha. Sau khi phát hiện bệnh, chúng tôi đã cử cán bộ đi kiểm tra và tuyên truyền, hướng dẫn người dân xử lý. Nếu hộ nào không có công để nhổ bỏ thì báo cáo để xã cử các lực lượng xuống giúp. Đến nay, cơ bản diện tích bị nhiễm nặng đã được xử lý, người dân tiến hành tận thu củ và đốt, tiêu hủy cây để chuẩn bị đất chuyển qua trồng mía”. Còn ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa thì cho biết: “Sau khi phát hiện bệnh, UBND huyện đã họp với các cơ quan chuyên môn, các xã và công ty trên địa bàn để bàn giải pháp xử lý. Đến nay, diện tích mì bị nhiễm nặng đã cơ bản được tiêu hủy. Đồng thời, huyện cũng đã làm việc với nhà máy chế biến tinh bột mì thu mua toàn bộ mì có hàm lượng tinh bột dưới 20% với giá 1.800 đồng/kg cho người dân”.
Người dân chần chừ xử lý diện tích nhiễm cục bộ
Hầu hết diện tích mì bị nhiễm bệnh của người dân các huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh đã được 6-7 tháng tuổi và chuẩn bị cho thu hoạch. Do đó, nông dân còn chần chừ, ngại tiêu hủy để đợi củ lớn thêm. Ông Phạm Văn Trường (thôn Bản Lê, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) buồn rầu cho biết: “Gia đình tôi có hơn 1,4 ha mì trồng từ tháng 4-2018. Hiện mì đã có củ nhưng bị bệnh nên phải thu hoạch sớm. Gia đình cũng cố gắng chăm sóc ít bữa nữa xem có gỡ gạc được chút nào không chứ hơn 10 triệu đồng đầu tư vụ này coi như lỗ vốn”.
Người dân chần chừ xử lý diện tích nhiễm cục bộ. Ảnh: Lê Nam
Người dân chần chừ xử lý diện tích nhiễm cục bộ. Ảnh: Lê Nam
Theo ông Nguyễn Văn Hưng-Chủ tịch UBND xã Chrôh Pơnan (huyện Phú Thiện): “Toàn xã có 43 ha mì bị nhiễm bệnh (nặng 8 ha, trung bình 28 ha và nhẹ 7 ha). Xã đã tiêu hủy 5 ha bị nhiễm nặng. Với những diện tích bị nhiễm cục bộ, do mì đã có củ nên người dân còn chần chừ chưa chịu nhổ bỏ mà đợi để thu hoạch”.
Ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho biết: Phần lớn người dân trồng mì từ tháng 3-2018 và đến nay đã có củ. Do đó, người dân muốn để thêm một thời gian chờ thu hoạch. Một bộ phận người dân còn ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trước mắt, chúng tôi khoanh vùng bệnh và hướng dẫn bà con về quy trình để tiến hành tiêu hủy, không để lây lan ra diện rộng. Huyện đã tiến hành thống kê các diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút và chỉ đạo các địa phương hỗ trợ kinh phí cho người dân tiêu hủy là 3 triệu đồng/ha.
Liên quan đến việc tiêu hủy diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút còn chậm, ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Diện tích nhiễm bệnh còn lại trên đồng ruộng là hơn 103 ha. Đa số diện tích bị nhiễm bệnh đã được 6-7 tháng tuổi (khoảng 89 ha/103 ha), có củ to nên nông dân chần chừ chưa chịu xử lý. Diện tích mì bị nhiễm bệnh chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa và của đồng bào dân tộc thiểu số, hộ có hoàn cảnh khó khăn; sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa thật sự quyết liệt, công tác tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chưa được sâu sát và nhận thức của người dân đang còn hạn chế. Mặt khác, nguồn kinh phí hỗ trợ công tác tiêu hủy ở các địa phương đang còn gặp nhiều khó khăn do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Trong khi chờ đợi hướng dẫn của cơ quan cấp trên, Chi cục đã đề nghị các huyện, thị xã tăng cường triển khai quyết liệt các biện pháp phòng-chống bệnh; thống kê phân loại diện tích nhiễm theo độ tuổi, hướng dẫn nông dân tiêu hủy nguồn bệnh theo quy định. 
Lê Nam

Có thể bạn quan tâm