Thời sự - Bình luận

Tìm cơ hội trong nghịch cảnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Hầu hết học sinh các cấp học ở TP HCM gấp gáp thi học kỳ để sớm kết thúc năm học vào ngày 10-5. Dịch Covid-19 một lần nữa buộc ngành giáo dục phải thay đổi, bước ra khỏi khuôn khổ vốn có nhằm thích ứng với hoàn cảnh.

Trước đây, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 2, nhiều địa phương phải cách ly xã hội nên ngành giáo dục cho nghỉ học thời gian dài, chuyển sang học trực tuyến. Từ cách học này, ngành giáo dục phát hiện nhiều chương trình còn nặng nề, gây mất sức cho cả giáo viên và học sinh. Thậm chí có những chương trình học là không cần thiết nên sau thời gian học trực tuyến phải xem xét lại.


 

 Tiếp tế nhu yếu phẩm tại Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều - Ảnh: NGÔ NHUNG
Tiếp tế nhu yếu phẩm tại Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều - Ảnh: NGÔ NHUNG



Đối với việc cấp tốc thi học kỳ như hiện nay, ai cũng thấy sẽ khó bảo đảm chất lượng, bởi học sinh không đủ thời gian học bài, giáo viên ít có điều kiện ôn tập, phụ huynh thì tất bật chuẩn bị tâm lý cho con... Ngay nhà trường cũng không đủ thời gian chuẩn bị đề thi, tổ chức thi nên kết quả cũng khó hy vọng phản ánh đúng học lực của học sinh. Vấn đề sẽ rất phức tạp nhưng qua đây cũng gợi ý về cách đánh giá học lực trong điều kiện ngặt nghèo mà không quá phụ thuộc vào điểm thi học kỳ. Dịch bệnh còn phức tạp nên thay đổi cách học, cách thi là điều phải suy xét và thay đổi.

Không riêng gì ngành giáo dục mà hầu như tất tả các mặt đời sống xã hội đều bị tác động bởi Covid-19, đều buộc phải thích nghi để tồn tại. Ngành du lịch trải qua 2 năm lao đao, nay vừa hy vọng trở lại thì dịch tái phát. Đến giờ này cũng không doanh nghiệp nào còn nếp nghĩ ngồi chờ khách đến theo mùa như những năm trước, bởi đây là cách làm thụ động dễ phá sản. Nay số người được tiêm vắc-xin Covid-19 ngày càng tăng thì cũng nên nghĩ đến phương án du lịch khép kín từng nhóm nhỏ với những người đã tiêm vắc-xin được kiểm soát y tế. Bên cạnh đó, cần giải pháp mạnh và khả thi để cứu ngành này.

Các ngành giải trí khác cũng phải tạm thời quên câu chuyện dựng tác phẩm rồi đưa ra rạp hoặc các tụ điểm tập trung. Cách làm này đầy rủi ro và đưa người khác vào nguy cơ nhiễm bệnh. Không gian mạng đủ chỗ cho tất cả các tác phẩm nếu mang được giá trị nghệ thuật và giải trí lành mạnh mà chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng của nó. Nhu cầu của khán giả là rất lớn và phương tiện tiếp cận các chương trình giải trí rất tiện lợi. Nếu đủ hấp dẫn thì không ngại gì người khác không thưởng thức.

Thông điệp của quốc gia thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế rất linh động và gợi mở. Chúng ta phải tìm cơ hội ngay trong nghịch cảnh chứ không thể cứ chờ điều kiện thuận lợi mới bắt tay vào sản xuất - kinh doanh. Dịch bệnh thảm khốc nhưng cũng là liều vắc-xin mạnh để xã hội thích nghi và tăng sức đề kháng. Quá trình phát triển của loài người cũng là quá trình thích nghi với tự nhiên. Dịch bệnh, đói rét, thiên tai... là một phần của tiến trình này. Không ai hão huyền đến mức nghĩ rằng cuộc sống của mỗi người, sự phát triển của mỗi giai đoạn lịch sử cứ mãi yên bình.

Trong thời điểm hiện tại, tuân thủ những biện pháp phòng dịch, thực hiện nghiêm cẩn các biện pháp phòng vệ trước Covid-19 chính là một cách thích nghi để tồn tại. Nó quyết định sự sống còn của mỗi cá nhân, sự thành công của toàn xã hội.

 

Theo HỒ PHI (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm