Xã hội

Đời sống

Tìm nơi anh nằm lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Tại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Đak Pơ, nhiều cựu chiến binh nhắc đi nhắc lại với chúng tôi một tâm nguyện duy nhất, ấy là tìm được hài cốt 147 liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh lịch sử này.

Sau 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, hàng trăm ngàn liệt sĩ vẫn đang nằm lại đâu đó giữa đất lạnh, chờ đợi sự nỗ lực kiếm tìm, quy tập của các ngành, địa phương.

Tháng 7 tri ân càng thôi thúc những cuộc tìm kiếm hài cốt và xác minh danh tính những liệt sĩ còn thiếu thông tin. Cựu chiến binh Thái Diệp (tổ 1, thị trấn Đak Pơ) hy vọng phỏng đoán của mình là đúng khi cho rằng 147 đồng đội của mình đang nằm sâu dưới lòng hồ Katung, nơi Trung đoàn 96 đặt trạm phẫu để cứu chữa thương binh trong trận đánh Đak Pơ.

Một cựu chiến binh chống nạng đến thăm từng ngôi mộ đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ. Ảnh: L.N

Một cựu chiến binh chống nạng đến thăm từng ngôi mộ đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ. Ảnh: L.N

Còn cựu chiến binh Huỳnh Bá Hiếu (trú tại quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng), người từng cầm súng chiến đấu ở biên giới Tây Nam cũng trăn trở khôn nguôi về những đồng đội còn gửi thân mình trên đất nước Campuchia. Cùng góp sức khi còn có thể, ông đã lặn lội đến các địa phương, sở, ngành, đơn vị liên quan để cải chính thông tin trên ngôi mộ ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đak Đoa và “trả lại tên” cho 1 liệt sĩ còn sống là ông Ngô Văn Lệ-đồng đội cùng Sư đoàn 307. Những ngày này, ông Hiếu vẫn đang tiếp tục tìm cách xác minh thông tin của người nằm dưới mộ.

Hàng chục năm đã trôi qua, những cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ càng trở nên khó khăn. Theo Ban Chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ của tỉnh (Ban Chỉ đạo 515), các địa bàn có thông tin về mộ liệt sĩ đã thay đổi, hiện đã được quy hoạch thành khu dân cư, vườn cây, trang trại, hồ, đập nên việc tìm kiếm không dễ dàng.

Những người biết thông tin về vị trí mai táng liệt sĩ không còn nhiều, hầu hết tuổi cao, sức yếu, trí nhớ suy giảm. Mặt khác, công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin để xây dựng ngân hàng gen và giám định ADN chưa đồng bộ, mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ đã bị phân hóa nên độ chính xác giám định không cao.

Từ ngày 22-11-2023 đến 17-5-2024, Đội K52 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã khảo sát, tìm kiếm trên địa bàn 615 làng thuộc 139 xã, phường của 19/23 huyện, thành phố thuộc các tỉnh: Ratanakiri, Stung Treng, Preah Vihear (Vương quốc Campuchia). Kết quả, Đội đã quy tập được 21 hài cốt liệt sĩ, tất cả đều lấy được mẫu sinh phẩm, nâng tổng số hài cốt đã quy tập, hồi hương về nước từ năm 2001 đến nay lên con số 1.489.

Việc quy tập hài cốt liệt sĩ ở các địa bàn trong tỉnh cũng có những kết quả nhất định. Năm 2023, có 15 hài cốt liệt sĩ ở các địa bàn trong tỉnh đã được quy tập, trong đó nhiều nhất là tại thị xã An Khê (9 hài cốt); 6 tháng đầu năm 2024 đã tìm kiếm, quy tập được 2 hài cốt liệt sĩ.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 14 nghĩa trang liệt sĩ, 3 mộ chung và nhiều đền thờ, đài tưởng niệm, nhà bia tưởng niệm. Tổng số mộ liệt sĩ là 11.159 mộ, song chỉ có 5.650 ngôi mộ đầy đủ thông tin. Số mộ chưa đầy đủ thông tin và chưa xác định được thông tin chiếm gần 50%.

Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện đính chính, chỉnh sửa, bổ sung thông tin trên bia mộ cho 21 trường hợp theo đề nghị của thân nhân liệt sĩ; phối hợp xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng đối với 28 trường hợp.

Cùng với đó, ngành chức năng còn hướng dẫn 4 gia đình làm thủ tục xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; làm thủ tục lấy mẫu sinh phẩm ADN giải mã gen xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin cho 55 trường hợp.

Xác định việc thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ những năm tiếp theo sẽ ngày càng khó khăn hơn, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh kêu gọi các ngành, địa phương quán triệt và triển khai thực hiện đầy đủ, đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trong công tác này.

Trong báo cáo gửi Ban Chỉ đạo 515 quốc gia, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Trưởng ban Chỉ đạo 515 tỉnh đã đề xuất tăng tiền bồi dưỡng lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ khảo sát, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ và tiền chi trả cho lực lượng huy động, dẫn đường, bảo vệ.

Bên cạnh đó, đề nghị trang bị cho Đội K52 thêm 2 xe bán tải 2 cầu, gầm cao nhằm bảo đảm phương tiện cơ động, đáp ứng yêu cầu vận chuyển trong điều kiện giao thông rừng núi, địa hình dốc, hiểm trở, không thuận lợi tại Campuchia.

Lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ được tổ chức thành kính, trang nghiêm. Ảnh: Lam Nguyên

Lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ được tổ chức thành kính, trang nghiêm. Ảnh: Lam Nguyên

Đồng thời, Trưởng ban Chỉ đạo 515 tỉnh đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ lấy mẫu phẩm ADN và có chế độ chính sách đối với những người được giao nhiệm vụ thực hiện lấy mẫu phẩm ADN; tiếp tục xây dựng ngân hàng gen của các liệt sĩ và ngân hàng gen của toàn dân; khẩn trương triển khai lấy mẫu gen của thân nhân liệt sĩ để so sánh, xác định danh tính.

Còn biết bao gia đình thân nhân liệt sĩ đang mong mỏi ngày đưa được hài cốt người thân trở về quê mẹ để ấm áp khói hương. Trong tập sách “Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt”, nhà văn Đoàn Tuấn từng viết: “Những người mẹ, người vợ, người con... của các đồng đội tôi, dù họ ở hậu phương, nhưng những năm tháng đó, khi người thân của họ ra trận, trái tim họ cũng hành quân theo. Và khi những người thân ngã xuống, trái tim họ cũng chết theo. Tôi có thể khẳng định điều này theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng”.

Vậy nên, nỗ lực “hồi sinh” những trái tim ấy chưa khi nào dừng lại. Để nỗi đau được san sớt, niềm an ủi và sự sẻ chia đầy lên.

Có thể bạn quan tâm