Phóng sự - Ký sự

Tìm 'thần chết' thời... 4.0: 'Khắc tinh' của bom chùm, bom bi...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để phù hợp với phương pháp tìm kiếm bom mìn hiện đại, ngoài các đội rà phá, xử lý bom mìn lưu động, dự án Renew/NPA có tới 10 đội khảo sát phi kỹ thuật và 8 đội khảo sát bom chùm, bom bi.
Anh Đinh Ngọc Vũ, Phó giám đốc QTMAC, giới thiệu hệ thống dữ liệu bom chùm, bom bi ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Anh Đinh Ngọc Vũ, Phó giám đốc QTMAC, giới thiệu hệ thống dữ liệu bom chùm, bom bi ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Trong hơn 5 năm trời, với sự hỗ trợ đắc lực của các tổ chức rà phá bom mìn, Trung tâm hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị (QTMAC) đã đưa hoạt động rà phá, đặc biệt là với bom chùm và bom bi, lên một... đẳng cấp khác, chuyên nghiệp hơn, khoa học hơn và hiệu quả hơn.

.
“Siêu robot” cắt cỏ giúp dọn đường cho con người tìm… thần chết
Lần theo dấu bom
Anh Đinh Ngọc Vũ, Phó giám đốc QTMAC, “bổ túc” nhanh kiến thức cho người viết khi thông tin rằng với bom chùm và bom bi, 1 quả bom “mẹ” sẽ có thể mang theo 600 đến 700 quả bom “con”. Nghĩa là nếu không có gì bất thường thì hễ phát hiện ở hiện trường 1 quả bom bi, nghĩa là xung quanh nó có ít nhất vài trăm quả nữa. Cũng theo anh Vũ, thống kê cho hay 30% tai nạn bom mìn là do bom chùm, bom bi và 40% tai nạn bom chùm, bom bi liên quan trực tiếp tới trẻ em... “Những đặc điểm và những con số đó, chính là nguyên nhân để chúng tôi nỗ lực xây dựng hệ thống dữ liệu rà phá bom chùm, bom bi. Bởi chúng tôi tin rằng nếu giải quyết được bom chùm, bom bi thì sẽ hạn chế một số lượng cực lớn tai nạn bom mìn sau chiến tranh”, anh Vũ lý giải.
Chúng tôi tin rằng nếu giải quyết được bom chùm, bom bi thì sẽ hạn chế một số lượng cực lớn tai nạn bom mìn sau chiến tranh
Anh Đinh Ngọc Vũ, Phó giám đốc QTMAC
Bà Nguyễn Thị Diệu Linh, Quản lý hoạt động chương trình khảo sát và rà phá bom mìn của dự án Renew/NPA, cho hay để phù hợp với phương pháp tìm kiếm bom mìn hiện đại hơn, ngoài các đội rà phá, xử lý bom mìn lưu động, dự án có tới 10 tổ (2 người/tổ) khảo sát phi kỹ thuật  và 8 đội khảo sát bom chùm, bom bi.
Ban đầu, các đội phi kỹ thuật (gồm những tổ 2 người, đi xe máy về các địa phương) sẽ tiếp xúc với những nguồn tin báo ở những nơi nghi ngờ có vật liệu nổ… Nếu mối nghi ngờ đó có khả năng cao, lập tức đội này sẽ rút để đội khảo sát bom chùm, bom bi vào… hiện trường với đầy đủ máy móc hiện đại hỗ trợ. “Trước đây, với các tin báo mơ hồ thì đội kỹ thuật đến, lúc rà có bom lúc không. Còn hiện nay, cứ đưa máy tới rà là hầu như luôn xác định được vật liệu nổ…”, bà Linh nói.
Cái khác của quy trình này so với trước đây là khi rà tìm được vật liệu nổ, người ta không cho các đội rà phá vào cất bốc, hủy nổ ngay mà chuyển toàn bộ dữ liệu về cho QTMAC. “Tất cả sẽ được chúng tôi tập hợp, đưa vào cơ sở dữ liệu và sử dụng dần. Cụ thể, khi giao cho một tổ chức nào đó rà phá ở khu vực đó, chúng tôi chỉ cần chuyển tiếp 1 tệp thông tin… Tức là thay vì trước đây, cho đội rà phá vào tác nghiệp ở cả hiện trường mênh mông thì nay với thông tin, vị trí chính xác từng cen ti mét, được đánh dấu GPS…, anh em kỹ thuật chỉ cần chăm vào đó mà làm. Tiết kiệm thời gian, kinh phí”, anh Vũ tự tin cho hay.

Nhân viên dự án Renew/NPA đến tận những bản làng xa xôi của Quảng Trị để tìm hiểu các thông tin về bom chùm, bom bi ẢNH: RENEW/NPA
Nhân viên dự án Renew/NPA đến tận những bản làng xa xôi của Quảng Trị để tìm hiểu các thông tin về bom chùm, bom bi ẢNH: RENEW/NPA
“Nói có sách, mách có chứng”
Ở QTMAC có giờ giấc làm việc theo kiểu… “Tây” (bắt đầu buổi sáng lúc 8 giờ đến 12 giờ trưa nghỉ, 13 giờ làm lại đến 17 giờ), nên gần chính Ngọ, anh Vũ vẫn kéo tôi vào khu vực văn phòng để “thị phạm” hệ thống khảo sát bom chùm, bom bi, công trình được xây dựng đầy tâm huyết của rất nhiều người trong lĩnh vực rà phá bom mìn nhân đạo ở Quảng Trị suốt nhiều năm qua.
Khi được chiếu lên màn hình thì nôm na đó là 1 tấm bản đồ điện tử thể hiện toàn bộ diện tích của tỉnh Quảng Trị (chi tiết đến từng thôn, bản) với chi chít những ô màu đỏ và màu xanh. “Màu xanh thể hiện vùng đất đã được rà phá sạch bom mìn, còn màu đỏ thể hiện vùng đất chắc chắn có sự hiện diện của bom mìn nhưng chưa được rà phá”, chị Ngọc Anh, cán bộ quản lý cơ sở dữ liệu địa lý của QTMAC, giải thích.
Những ô đỏ và ô xanh vẫn tăng lên từng ngày, cập nhật từng phút, bởi các đội phi kỹ thuật và kỹ thuật của nhiều tổ chức rà phá vẫn đang hoạt động ngoài hiện trường, tuy nhiên tính đến thời điểm ngày 5.6.2020, diện tích đất ô nhiễm bom mìn ở Quảng Trị được xác định là hơn 411 triệu m2 (trong đó đã được “làm sạch” 71 triệu m2 và 339 triệu m2 còn ô nhiễm bom mìn chưa được rà phá). “Chúng tôi chỉ mới xử lý được 21,3% trong số diện tích đã được khảo sát là có bom mìn. Nghĩa là để một vùng đất ô nhiễm bom mìn nặng nề như Quảng Trị được “xanh” hoàn toàn, còn nhiều việc phải làm lắm”, chị Ngọc Anh cảm thán.
Một quả bom bi tìm thấy giữa đồng lúa Quảng Trị, dù bé nhỏ nhưng có thể gây ra cái chết của bao người ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Một quả bom bi tìm thấy giữa đồng lúa Quảng Trị, dù bé nhỏ nhưng có thể gây ra cái chết của bao người ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Chính vì thế khi đã có trong tay “bảo bối” là hệ thống dữ liệu này, việc của QTMAC là thiết lập những vị trí được ưu tiên rà phá để giao dần cho các tổ chức chuyên rà phá bom mìn. “Các tiêu chí để được ưu tiên là kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương, mật độ ô nhiễm của bom mìn, khoảng cách của vùng ô nhiễm bom mìn đến khu dân cư. Chúng tôi giao cho họ những ô đỏ, còn họ phải giao cho tôi những ô xanh”, anh Vũ cho hay.
Cũng theo anh Vũ, hệ thống dữ liệu bom chùm, bom bi, ngoài giá trị trên thực địa, còn là cơ sở để thuyết phục các nhà tài trợ quốc tế đồng ý các khoản chi. “Sẽ không có nhà tài trợ nào hài lòng hoặc đồng ý nếu chúng ta chỉ nói khơi khơi, không có số liệu cụ thể. Nhưng khi có những thông tin chi tiết, họ sẽ rất hào phóng giúp đỡ. Kiểu như nói có sách, mách có chứng”, anh Vũ cho biết.
Hiện mỗi năm, trung bình tại Quảng Trị được hỗ trợ chừng 3 đến 4 triệu USD để thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực rà phá bom mìn sau chiến tranh. Nên nhớ, mục tiêu đến năm 2025, địa phương này trở thành “tỉnh an toàn” về bom mìn phụ thuộc phần nhiều vào nguồn lực quốc tế! (còn tiếp)
.
Cận cảnh robot bọ cạp giúp con người tìm… thần chết
Anh Đinh Ngọc Vũ, Phó giám đốc QTMAC, cho biết trước đây dù có rất nhiều tổ chức hoạt động trong lĩnh vực rà phá bom mìn ở Quảng Trị nhưng “mạnh ai nấy làm” hoặc chia địa bàn cho từng tổ chức, không có sự liên kết nên kết quả chưa cao như mong muốn. Nhưng giờ đây, khi có hệ thống dữ liệu khảo sát dấu vết bom chùm, bom bi, QTMAC đã chia việc khảo sát chủ yếu cho Tổ chức Renew/NPA và rà phá cho MAG (Nhóm cố vấn bom mìn, tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Anh) và PeaceTrees Vietnam (Cây hòa bình)…
Theo Nguyễn Phúc (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm