Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tìm thấy mình sau phía chân trời

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Có gì sau phía chân trời (ảnh, NXB Tổng hợp TPHCM) đánh dấu sự trở lại của Nguyễn Trí Thông, nhưng không phải truyện ngắn mà bằng du ký.

Tác phẩm không chỉ mang đến những điều mới lạ, mà còn giàu chất văn chương và đầy tính tự sự, tạo nên sự cộng hưởng thú vị giữa người viết và người đọc.

Nói trở lại là vì cách đây hơn 20 năm, Nguyễn Trí Thông là một cây bút truyện ngắn nổi tiếng trên báo Mực Tím. Tốt nghiệp đại học, anh lựa chọn “gác mộng” văn chương để đi làm kinh tế. Lẽ thường, buông bút lâu như vậy dễ dẫn đến “lụt nghề” nhưng Nguyễn Trí Thông là trường hợp ngoại lệ. Với du ký Có gì sau phía chân trời, những ai từng yêu mến anh dường như vẫn thấy ở đó một Nguyễn Trí Thông tài hoa và lãng mạn.

Theo như chia sẻ của Nguyễn Trí Thông, trong năm 2023, anh đã đi 23 quốc gia, từ Đông Á, Nam Á sang Tây Âu, Đông Âu rồi Mỹ Latinh và kết thúc ở Đông Phi. Nếu cộng các chuyến đi lẻ trước đó, tổng cộng anh đã đặt chân đến 47 quốc gia và vùng lãnh thổ. Không phải lúc nào anh cũng đi một mình, có những chuyến đi với vợ, có chuyến đồng hành cùng con trai. Mỗi một chuyến đi đều mang lại những sắc thái riêng, nhưng theo anh, đi du lịch một mình “cho ta cơ hội và thời gian để đối thoại với chính mình nhiều hơn, qua đó trải nghiệm cũng trở nên sâu sắc hơn”. Có gì sau phía chân trời là cuốn sách ghi lại những chuyến đi đó.

Nguyễn Trí Thông không nhận mình là vlogger hay travel blogger mà đơn giản chỉ là “một nô lệ công sở được dịp sổ lồng tung tăng tí chút khi tuổi đã trung niên”. Và có lẽ, nhờ đi khi tuổi đã trung niên nên dễ dàng thấy được sự mở lòng đón nhận tất cả những được - mất, mới lạ của Nguyễn Trí Thông suốt dọc hành trình. Anh đi và đến, gặp gỡ và trò chuyện với người bản địa không định kiến, áp đặt.

Và cũng nhờ đi khi tuổi đã trung niên giúp anh có cơ hội được chiêm nghiệm, quán chiếu về cuộc đời một cách sâu sắc hơn. Khi đứng trên một ngọn đồi trơ trọi, bủa vây xung quanh là những vách núi sừng sững, trên đỉnh núi tua tủa nhọn hoắt phủ đầy tuyết trắng tinh khôi, Nguyễn Trí Thông chợt thấy “mình đã sống một cuộc đời thật tầm thường bé mọn. Những thứ tôi đã đấu tranh, đã vun đắp để xây nên một cái tôi có vai vế bỗng trở nên nhỏ bé, vô nghĩa. Trước mẹ thiên nhiên, đời sống của con người thực ra cũng ngắn ngủi và nhỏ bé chẳng khác gì con sâu cái kiến”.

Lần lượt đặt chân đến với Nepal, Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Ethiopia, Kenya, Cuba, Colombia, Chile, Pháp, Thụy Sĩ, Hy Lạp, Áo, Ba Lan…, với Nguyễn Trí Thông, đó không chỉ là những cuộc khám phá những vùng đất mới lạ, mà đó còn là cuộc khám phá chính mình. Dường như, càng đi xa người ta càng có cơ hội nhìn rõ bản thân hơn, trong tất cả mối quan hệ với những người xung quanh và với chính mình.

Đọc Có gì sau phía chân trời, nhà thơ Trần Vương Thuấn bày tỏ: “Nhưng bằng cách không đưa ra kiến giải, lời khuyên nào, chỉ rủ rê người đọc vào một cuộc du hành không kết cục, lữ khách trao cho chúng ta những câu hỏi: Những câu hỏi về thế giới và về chính chúng ta, những câu hỏi gợi thêm ngàn câu hỏi”.

Có thể bạn quan tâm