Phóng sự - Ký sự

Tìm về những ngã ba sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên đường ngược dòng sông Ba, chúng tôi dừng lại ăn cơm trưa tại thị trấn Hai Riêng, thủ phủ của huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, nơi có nhiều sản vật địa phương, đặc biệt là thú chơi đá cảnh. Đó là những hòn đá tự nhiên đa sắc màu từ nguồn sông Ba được các nghệ nhân nhặt về, trau chuốt thành nhiều hình tượng nghệ thuật khác nhau để trưng bày hoặc mua bán, trao đổi trong giới chơi sinh vật cảnh. Đây là vùng đất ngã ba, nơi tiếp giáp giữa dòng sông Hinh-phát nguyên từ Đak Lak với dòng sông mẹ-Ia Pa và cũng là “cái túi” đựng nước với 3 hồ chứa của 3 công trình thủy điện: Thủy điện sông Hinh (70 MW), Thủy điện sông Ba Hạ (230 MW), thủy điện Krông Năng (41 MW).

Giữa cái nắng gay gắt buổi trưa, chúng tôi tranh thủ tìm về thôn An Hòa, xã Bình Đức Tây, huyện Sông Hinh, hỏi thăm người dân mới lần ra cái ngã ba sông hoang vắng, nơi tiếp giáp của dòng sông Hinh với sông Ba. Sự “hội ngộ” ấy từ bao đời nay vẫn là một bến bãi hoang lạnh, không có dấu vết làng, buôn của con người sinh sống như những ngã ba sông đông đúc mà chúng tôi thường gặp ở đồng bằng. Dấu vết của bàn tay con người còn lại nơi này là một bờ đập tràn bắc qua khúc eo của con sông, đã bị xói lở với những khối bê tông, ống cống nằm ngổn ngang, không còn sử dụng được nữa. Hỏi ra mới biết, đây là con đường của một đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng tự làm để phương tiện cơ giới băng qua con sông vào mùa nước kiệt khai thác cát tự nhiên được bồi lấp hàng năm thành một cù lao rộng thênh thang ở phía bên kia ngã ba sông chạy tới chân núi Lá. Có lẽ con đường được thiết kế theo kiểu đập tràn này sử dụng không được bao lâu.

 

Ngã ba sông Krông Năng. Ảnh: B.Q.V

Chỉ cần vài mùa mưa lũ tràn về thì không có công trình nào tồn tại được ở nơi đây. Mùa này, bên những bãi bồi ven ngã ba sông, chỉ có loài cây rù rì đầy gai mọc um tùm như loài thủy sinh kỳ dị, đặc trưng ở các vùng bãi ngập sông Ba, có sức sống dẻo dai. Vài người dân sinh sống vùng lân cận tranh thủ mùa nước cạn lập trại chăn nuôi vịt bên bãi sông. Họ mô tả rằng, khi đến mùa lũ, nước trên hai dòng sông đổ về như thác tạo nên một biển nước cuồn cuộn, mênh mông cuốn phăng đi tất cả. Có năm lũ lớn phía thượng nguồn tràn về cuốn theo cả cây cối và gia súc nhiều vô kể. Ngược lại đến mùa nắng, nhất là những năm gần đây, các dòng sông khô kiệt dần, có đoạn trơ đáy, người ta có thể đi lại dễ dàng. Trong dân gian vùng này vẫn còn truyền tụng câu “cọp núi Lá, cá sông Hinh” để chỉ sự giàu có, đa dạng động vật hoang dã ở địa phương khi môi trường sinh thái còn nguyên sơ, chưa có sự xâm hại của con người.

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi lại tìm đến một chi lưu khác của sông Ba trên địa bàn huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai)-sông Krông H’Năng, phát nguyên từ núi Chư Tun-Đak Lak, chảy qua địa phận xã Krông Năng (huyện Krông Pa) và hợp dòng với Ia Pa ở gần buôn Jú. Đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Krông Pa, phía Đông giáp với huyện Sông Hinh (Phú Yên), phía Nam giáp huyện Krông H’Năng (Đak Lak). Trước đây, vùng này giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là mùa mưa lũ thì Krông Năng biến thành một ốc đảo, đời sống người dân khốn khó trăm bề. Hiện nay, khi đường Trường Sơn Đông đi qua đã khai thông được vùng đất phía Đông Nam của huyện Krông Pa, cuộc sống của người Jrai nghèo khổ năm xưa đã từng bước được cải thiện. Băng qua những mảnh đất khô cằn vì thiếu nước, chúng tôi đến vùng ngã ba sông Krông Năng-Ia Pa.

Đứng trên một cồn đất rộng đến 3 ha phía bên phải của hợp lưu phóng tầm mắt nhìn về hướng Đông là vùng nước mênh mông, xa xa là những buôn làng của người “hàng xóm” sông Hinh. Mùa nước rọt, đôi người dân chài của huyện Sông Hinh, đem thuyền lá (đóng bằng tôn) và dụng cụ để đánh bắt cá trên vùng nước đôi. Thầy giáo Nguyễn Bá Nguyên, người từng công tác ở Krông Năng từ sau ngày giải phóng (1975) đã kể rằng, Krông Năng là vùng miền núi, giáp ranh với Đak Lak và vùng cao Phú Yên, nơi có những dòng sông chảy qua, điều kiện tự nhiên rất thích hợp với nhiều loài thú rừng và cá nước ngọt, nên mặc dù xa xôi cách trở nhưng người dân địa phương vẫn sống được với nghề săn bắn và đánh cá trên sông.

Thầy Nguyên đã từng được tháp tùng với những thợ săn của làng lội ngược dòng sông Krông Năng để đến vùng rừng giáp Đak Lak và chứng kiến những đàn thú rừng sống trong môi trường sinh thái phong phú nơi đây. Ngày nay, do nạn săn bắn bừa bãi, rừng bị phá tàn kiệt, sông suối khô cạn nên chim trời, cá nước đã vơi dần và nhiều loài thú dường như không còn xuất hiện ở các cánh rừng ít ỏi còn lại ở vùng này. Bên cạnh đó, gần buôn Jú, sát bờ sông Hinh, cách đây gần 10 năm, đoàn khảo cổ đã phát hiện di tích tháp Chăm-Bang Keng. Ngôi tháp này không lớn và đã bị sụp đổ từ lâu, chỉ còn lại chân tháp với gạch Chăm xưa. Điều đó chứng tỏ rằng, người Chăm cổ đã từng cư trú, đi lại trên các vùng đất dọc theo triền sông Ba trong nhiều thế kỷ.

 

Ảnh: B.Q.V

Một ngã ba sông Ba quen thuộc mà chúng tôi trở lại trong dịp này là Ayun Pa, có cái tên rất thơ-Bến Mộng. Đó là nơi gặp gỡ của dòng Ayun và sông Ba tạo ra một bãi bồi lớn, bên kia sông là vùng thung lũng bằng phẳng được bồi đắp bởi phù sa của dòng sông mẹ tạo ra những cánh đồng bát ngát. Ngày xưa, nơi này là thủ phủ của người Jrai Chor có tên là Cheo Reo, đến thời chính quyền Sài Gòn đã thành lập tỉnh Phú Bổn (1962) và tỉnh lỵ đặt tại trung tâm thị xã Ayun Pa ngày nay. Chi lưu Ayun, phát nguyên từ Kommaha, Mang Yang, dài khoảng 130 km, chạy theo hướng Bắc-Nam và hợp dòng với Ia Pa tại Ayun Pa. Đây là một phụ lưu quan trọng của sông Ba, có lượng mưa ở thượng nguồn hàng năm lớn, cung cấp lượng nước đáng kể cho con sông chính. Sau ngày giải phóng, để giải quyết vấn đề an ninh lương thực cho vùng Tây Nguyên, Nhà nước đã đầu tư xây dựng công trình đại thủy nông Ayun Hạ. Và dòng Ayun bị chinh phục bởi con người, đưa nước về tưới tiêu cho 13.000 ha cây trồng trong vùng thung lũng Cheo Reo, tạo ra một đồng bằng rộng lớn trên cao nguyên, đem lại sức sống mới cho người Jrai nơi này.

Vùng ngã ba sông Ayun và Ia Pa hiện nay là điểm nhấn của thị xã Ayun Pa với địa danh Bến Mộng nổi tiếng, hy vọng sẽ là nơi thu hút du khách thập phương. Để chống sạt lở, xói mòn bờ sông phía Tây, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây kè hơn 8 km bờ sông ở Ayun Pa. Công trình kè đang được các bên thi công gấp rút hoàn thành trong năm 2015.

Đến với những ngã ba sông Ba, nơi hội tụ của các chi lưu lớn ở Tây Nguyên với dòng sông mẹ, chúng tôi như được mở rộng tầm nhìn về một dòng sông lịch sử với bao tên đất, tên làng thân quen, nó ẩn chứa bao trầm tích về văn hóa của các tộc người từng sinh sống, đi lại trên những dòng sông này. Ở ngã ba sông, thường bao giờ cũng có dòng đục, dòng trong, nhưng tất cả rồi cũng hòa vào dòng sông mẹ để về với Biển Đông…

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm