Xã hội

Gia đình

Tình cha

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày bé, khi mẹ hỏi “Thương cha, con để đâu”, tôi liền chỉ tay lên đầu mình rồi bập bẹ tiếng được tiếng mất. Nhưng càng trưởng thành, tôi càng thấy mình như có khoảng cách vô hình với cha. Mẹ thường bảo hai cha con nhà này chẳng hợp tính nhau, cứ gần lại là dễ bất đồng. Ba cô con gái chuyện gì cũng nhỏ to với mẹ. Thành ra cha lắm lúc cô đơn.
 Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa thôi ý nghĩ rằng cha là một người nghiêm khắc. Mọi thứ đều phải đi vào lề lối. Cha hay chỉnh đốn cách đi đứng, nói năng với quan niệm con gái lớn phải học lấy nhiều điều hay, đặng còn làm gương cho em út trong nhà. Mâm cơm cũng có nhiều quy tắc bất di bất dịch khiến tôi của ngày ấy nhiều lần phụng phịu ra mặt. Nhớ những trận đòn lằn mông bởi cành dâm bụt đầu hè. Bài học đầu tiên cha dạy là sống trên đời không bao giờ được gian dối. Tôi quỳ úp mặt vào tường, nước mắt ngắn dài đến khi rã gối mới đứng lên vòng tay xin lỗi cha. Từ đó khắc sâu mãi! Cha nóng tính, năm xưa dạy tôi học thường to tiếng. Tính con gái lại hay hờn dỗi nên bài tập có khi chưa giải ra đầu ra cuối đã dừng. Nhưng đêm nào cha cũng nhẫn nại chong đèn đánh chữ học số cùng con. Giờ tôi đã là cô giáo. Thấm câu: “Con không cha như nhà không nóc”.
Cha kiệm lời, không bao giờ khen con cái trước mặt. Tôi ấm ức sao cha không niềm nở, xuýt xoa ngợi khen mỗi khi mình háo hức mang về khoe tấm giấy khen sau một năm nỗ lực học hành. Giờ tôi sống và làm việc, cố gắng không để mình mắc tính tự mãn, cũng nhờ cha. Chợt nhận ra, có thể một người cha không yêu thương con cái mình như cách mà chúng mong đợi. Nhưng họ đã yêu thương núm ruột của mình bằng tất cả những gì họ có. Cha tôi là thợ xây, quanh năm hứng nắng công trình để nuôi con; nếp đồi mồi lấm chấm lên lưng lên cổ. Hàng năm trời cha chỉ quen mặc lui mặc tới một, hai chiếc áo cũ nhàu. Vậy mà chưa bao giờ cha tôi lại mặc cảm vì điều ấy. Dành tất cả cho gia đình, phần cha giản đơn vẻ ngoài, không chăm chút gì cho riêng mình, chỉ lo giữ cho được cái cốt cách bên trong.
Có đêm, tôi nằm mơ thấy cha qua đời. Tôi bỗng như con thuyền bé chòng chành không bờ bến. Tỉnh giấc, tim tôi se thắt lại. Rỏ xuống gối một giọt nước mắt xót xa. Tưởng như không có đau khổ nào hơn thế nữa. Thì ra, hình bóng cha với tuổi đời sáu mươi năm có lẻ còn hiện hữu bên tôi là một diễm phúc thật lớn lao. Tôi giận mình nói được ngàn điều vui, riêng một câu thương cha thành thật lại nghẹn không nên lời. Tôi cũng ít khi lại gần ôm lên cổ cha, hỏi thăm sức khỏe cha trong những ngày quạnh gió. Ngày hiếu hạnh, tôi đi chùa lễ Phật, cài lên ngực áo một bông hồng thắm đỏ, hạnh phúc vì mình còn mẹ còn cha nhưng tự thấy đạo hiếu chưa tròn.
Tôi biết sự bướng bỉnh của mình lắm lúc làm cha phiền muộn. Đôi bàn tay bé bỏng chưa biết lấy gì làm nên điều cha mong mỏi. Mà lễ Vu lan chỉ có một ngày, làm sao kịp để tôi báo hiếu mẹ, đền ơn cha? Cái hỗn độn của chút kỷ niệm ngày thơ ấu trong mỗi người có phải rất gần gũi với nhau chăng? Xin cho tình yêu thương mẹ cha cứ lặng lẽ tuần hoàn như dòng máu đỏ, để nâng đỡ và sưởi ấm trái tim tôi; để tôi nhận ra cha mẹ là báu vật của đời và chữ hiếu hạnh không phải chỉ cần một ngày để gìn giữ. Đôi lần trong vô thức, tôi nghe vọng tiếng mẹ năm xưa: “Thương cha, con để đâu”…
 LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm