Thời sự - Sự kiện

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang:

Tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đồng bộ từ trung ương tới địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-

Sáng 28-8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang-Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) chủ trì hội nghị trực tuyến (phiên họp thứ 4) nhằm đánh giá tình hình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG từ năm 2021 đến nay và đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ông Nguyễn Hữu Quế-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai.

Từ năm 2021 đến tháng 7-2023, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 đã kịp thời nắm bắt, tham mưu Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành tiến độ xây dựng thể chế, quyết định việc sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách còn bất cập để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Quang Tấn

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Quang Tấn

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP trên cơ sở tiếp thu hơn 50 kiến nghị từ các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Các bộ, cơ quan Trung ương đã ban hành 6 Thông tư cấp bộ bổ sung quy định, hoặc sửa đổi, bổ sung một số quy định đã ban hành nhưng có phát sinh khó khăn, vướng mắc trong thực hiện; 2 văn bản thay thế 2 văn bản có nội dung hướng dẫn chưa thống nhất với quy định pháp luật chuyên ngành để tháo gỡ trên 100 kiến nghị của các địa phương.

Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan Trung ương đang rà soát, lấy ý kiến và hoàn thiện việc ban hành, đề xuất ban hành các văn bản xử lý khoảng 200 kiến nghị của địa phương liên quan đến sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT và một số Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Tại các địa phương, công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện các chương trình MTQG của Ban Chỉ đạo các cấp được triển khai thường xuyên, có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Qua đó đã giúp lãnh đạo các địa phương chủ động xử lý vướng mắc theo thẩm quyền và kịp thời tổng hợp báo cáo Chính phủ những vướng mắc, khó khăn, bất cập, đề xuất giải pháp phù hợp thực tiễn.

Đến nay, tổng vốn nguồn ngân sách Trung ương đã phân bổ, giao các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2023 là trên 83,6 ngàn tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư công hơn 48,2 ngàn tỷ đồng (bằng 47,24% kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025) và kinh phí sự nghiệp gần 35,4 ngàn tỷ đồng. Ước đến ngày 31-8-2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 của các chương trình MTQG (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) khoảng trên 16,36 ngàn tỷ đồng, đạt 47,81% kế hoạch.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn

Đối với tỉnh Gia Lai, trong giai đoạn 2021-2023, Trung ương đã phân bổ trên 3,075 ngàn tỷ đồng (bao gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp). Tính đến nay, Gia Lai đã giải ngân được 775,98 tỷ đồng, đạt trên 25% kế hoạch vốn. Các chương trình MTQG được triển khai trên địa bàn tỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo sinh kế, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh những mặt đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình MTQG cũng được lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương chỉ ra tại hội nghị.

Cụ thể, công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG từ trung ương đến địa phương còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ, ảnh hướng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện, tổ chức thực hiện và giải ngân vốn chương trình tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Việc nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đặc điểm tự nhiên, xã hội, văn hóa, rà soát mặt bằng pháp lý của một số cơ quan Trung ương chưa được tiến hành đồng bộ ngay từ trước khi ban hành chính sách, quy định dẫn đến một số chính sách không phù hợp với thực tiễn hoặc thiếu cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh.

Khó khăn trong áp dụng một số quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, Nghị định số 38/2023/NĐ-CP liên quan đến công tác lập danh mục dự án đầu tư công trung hạn, hàng năm, phê duyệt dự án đầu tư công; cách thức sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tham gia thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất; việc tính thuế giá trị gia tăng đối với gói thầu giao cộng đồng thi công, hàng hóa mua trực tiếp...

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã biểu dương và đề cao việc các địa phương đã khắc phục những khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình MTQG trong thời gian qua. Tuy vậy, cũng phải nhìn nhận khách quan là tiến độ giải ngân các chương trình đến thời điểm này còn khá khiêm tốn. Đối với các ý kiến, kiến nghị của các bộ, ngành, các địa phương, Chính phủ tiếp thu toàn bộ và sẽ xin ý kiến tháo gỡ tại kỳ họp của Quốc hội sắp tới nhằm tạo hành lang thông thoáng trong thực hiện các chương trình MTQG thời gian tới.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm và quyết liệt hơn, nhất là người đứng đầu nhằm tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG đồng bộ từ trung ương tới địa phương. Các địa phương cũng cần chủ động trong tìm hiểu, áp dụng các chính sách để có hướng tháo gỡ hoặc đề xuất tháo gỡ kịp thời; cùng với đó, cần tăng cường lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án có cùng mục tiêu ngay từ quá trình phân bổ, sử dụng nguồn lực ở địa phương để thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

"Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chuẩn bị tốt nhất báo cáo làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội. Đây là cơ hội để chúng ta cùng nhau bàn, nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc và tháo gỡ bằng Nghị quyết những vướng mắc của luật trong thời gian tới để vốn sự nghiệp chạy, giải ngân được"-Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị.

Có thể bạn quan tâm