Kinh tế

Tơ Tung vào mùa măng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những ngày này, làng trên xóm dưới ở xã Tơ Tung, huyện Kbang đều rậm rịch vào mùa măng khô. Đi khắp các con đường ở Tơ Tung, không khó để bắt gặp những liếp măng được đem ra phơi, vàng ươm, đẹp mắt.
 

 Chị Nguyễn Thị Cường trở măng để đem phơi. Ảnh: Nguyễn Hiền
Chị Nguyễn Thị Cường trở măng để đem phơi. Ảnh: Nguyễn Hiền

Chị Nguyễn Thị Cường, làng Đồng Tâm, xã Tơ Tung là một trong những người có kinh nghiệm làm măng nhiều năm ở đây. Chị cho biết, năm nào cũng vậy, mùa măng khô bắt đầu khoảng đầu tháng 7 Âm lịch đến đầu tháng 10, tức là thời điểm sau mùa mưa, dọc quanh các đồi núi đá, và trong rừng các loại măng le mọc lên nhiều. Riêng năm nay, nhuần 2 tháng 6, nên đã bắt đầu làm măng từ tháng 6 nhuần. “Từ tờ mờ sáng đã có người lên rừng bẻ măng. Thường là bà con người Bahnar ở các làng như làng Sit Tơ, làng Bút, làng Leng… mang gùi lên rừng bẻ. Sau đó mình mua lại của họ, rồi đem về làm. Muốn mua được măng, phải chịu khó lên tận gần cửa rừng, tầm 12 -13 giờ trưa, hoặc 17-18 giờ chiều, khi ấy người ta vừa đi bẻ măng về. Bởi vì người mua rất đông. Mua măng về mình gọt rửa lại, đem luộc. Tranh thủ ban đêm cắt, sau đó ép để qua đêm cho măng ráo nước. Sáng rải ra tấm liếp đan bằng tre, hoặc tấm tôn rồi đem phơi. Thường thì phải 3-4 ngày, măng mới khô. Có ngày, gia đình chị làm đến 2 tạ măng tươi”-chị Nguyễn Thị Cường nói.

Theo lời của một số người dân ở làng Sit Tơ, xã Tơ Tung, thì trung bình một người có thể vẻ từ 10 kg đến 40 kg măng tươi một ngày. Vừa bẻ về là đã có người đến mua, với giá dao động từ 5 ngàn đồng đến 6 ngàn đồng 1 kg. Có người thì tự mua về để làm, nhưng cũng có người mua về để sang lại cho các hộ khác ở địa phương. Chị Lê Thị Chinh, thôn 1, là một trong những người chuyên cung cấp măng tươi cho các hộ làm măng. Thường thì một ngày, chị có thể mua khoảng 3-5 tạ măng tươi, đem về chia lại cho các mối quen. Trung bình chị lãi khoảng 1 ngàn đồng/1 kg măng tươi.
 

 Măng được phơi trên liếp. Ảnh: Nguyễn Hiền
Măng được phơi trên liếp. Ảnh: Nguyễn Hiền

Người dân ở Tơ Tung đã phần là sống nhờ vào cây mía. Thời điểm này, là thời điểm mà bà con trồng mía khá rãnh rang. Bởi mọi công việc chăm sóc cho cây mía hầu như đã hoàn tất, chỉ còn chờ thu hoạch. Nên các hộ gia đình ở đây đều tranh thủ làm măng để cải thiện thu nhập. 2 năm trở lại đây, giá măng đã giảm hơn so với những năm trước. Dao động ở mức 150.000 đến 180.00 đồng/1 kg măng khô. Chị Nguyễn Thị Hậu, ở làng Đồng Tâm, cho biết: “Thường thì phải 20 đến 22 kg măng tươi, mới làm ra được 1 kg măng khô. Mùa này có nắng to và thường xuyên nên măng nhà ai cũng có màu vàng ươm, và có mùi thơm rất đặc trưng. Việc làm măng khá vất vả, bởi phải lật, trở thường xuyên để măng khô đều và ngon. Măng nếu dính một chút mưa thôi, cũng sẽ làm măng bị xỉ màu. Măng ở đây bà con làm rất sạch sẽ và không hề tẩm bất cứ một loại hóa chất nào. Chủ yếu là lấy công làm lời. Trung bình, mỗi kg măng khô, người làm măng lời được khoảng 30.000 đồng”.

Xã Tơ Tung, huyện Kbang có vị trí địa lý ngay sát bìa rừng. Năm nào cũng vậy, măng rừng rất phong phú. Trung bình mỗi ngày, ở đây tiêu thụ hơn 1 tấn măng tươi. Măng được làm rất cẩn thận và thơm ngon. Thường được bà con mua để làm quà và để dành ăn vào các dịp lễ, tết.

Nguyễn Hiền

Có thể bạn quan tâm