Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa sáng 11-4. Ảnh: CAO THĂNG |
Trương Mỹ Lan thao túng SCB
Tòa án nhận định, hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan là đặc biệt nghiêm trọng, đẩy SCB vào mất khả năng thanh khoản. Căn cứ vào kết quả xét xử công khai, lời khai của các bị cáo là lãnh đạo, nhân viên Vạn Thịnh Phát, SCB phù hợp với các chứng cứ trong vụ án, HĐXX có đủ cơ sở xác định, Trương Mỹ Lan là Chủ tịch của Tập đoàn VTP, bao gồm một tập hợp các công ty con, công ty liên kết; trong đó VTP là trung tâm, kiểm soát hoạt động các công ty còn lại.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa sáng 11-4. Ảnh: CAO THĂNG |
Trước khi sáp nhập, Trương Mỹ Lan đã sở hữu cổ phần của 3 ngân hàng. Sau khi biết các ngân hàng yếu kém phải hợp nhất, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm cổ phần bằng việc mua và sử dụng cá nhân đứng tên cổ phần SCB để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng. Tính đến tháng 10-2022, Trương Mỹ Lan đã sở hữu, chi phối 1,3 tỷ cổ phần SCB, chiếm 91,536% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân (trong và ngoài nước), cá nhân đứng tên giúp.
Bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) tại tòa. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Căn cứ vào các lời khai của các cá nhân được nhờ đứng tên, lời khai của các bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB), Tạ Chiêu Trung (cựu Phó Chủ tịch HĐQT SCB)… đã thể hiện việc cổ phần SCB không phản ánh đúng bản chất sở hữu của cổ đông. Tất cả đều thể hiện bị cáo Lan mới là người sở hữu thật sự những cổ phần của SCB.
Căn cứ vào luật các tổ chức tín dụng quy định về hoạt động của đại hội đồng cổ đông trong tổ chức tín dụng, việc sở hữu số lượng lớn cổ phần như trên đã biến Trương Mỹ Lan là người chủ thật sự của SCB, không chỉ điều hành hoạt động tín dụng mà còn cả về hoạt động bổ nhiệm các chức danh như Chủ tịch HĐQT, Ban kiểm soát của SCB....
Dù không trực tiếp bổ nhiệm các vị trí chủ chốt nhưng bị cáo Trương Mỹ Lan đã gián tiếp ảnh hưởng tới kết quả bầu của cổ đông, khiến bị cáo trở thành “cơ quan có quyền quyết định”. Từ đó, bị cáo Trương Mỹ Lan thỏa mãn điều kiện chủ thể của tội Tham ô tài sản, trở thành người có chức vụ quyền hạn tại SCB nên HĐXX không chấp nhận quan điểm bào chữa của các luật sư rằng bị cáo không phải chủ thể của tội này.
Các bị cáo tại tòa sáng 11-4. Ảnh: CAO THĂNG |
Theo HĐXX, tái cơ cấu ngân hàng là chủ trương lớn của Nhà nước, nhằm củng cố thanh khoản, lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng. Quá trình tái cơ cấu, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã tái cấp vốn cho SCB hơn 19.000 tỷ đồng. Thế nhưng, Trương Mỹ Lan đã sử dụng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền gửi và vốn từ các nguồn khác, sau đó chỉ đạo rút tiền bằng cách tạo lập các khoản vay khống, phục vụ cho mục đích cá nhân, trái với phương án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt.
Bị cáo Trương Huệ Vân tại tòa sáng 11-4. Ảnh: CAO THĂNG |
Từ ngày 1-1-2012 đến ngày 7-10-2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân 2.527 khoản (gồm: 1.057 khoản khách hàng cá nhân và 1.470 khoản khách hàng tổ chức) với tổng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng. Đến ngày 17-10-2022 còn 1.284 khoản với dư nợ 677.286 tỷ đồng cả gốc và lãi. Các khoản vay đều thuộc nợ nhóm 5, không có khả năng thu hồi.
Trong 1.284 khoản vay thuộc trách nhiệm của Trương Mỹ Lan còn dư nợ, có 684 khoản vay chưa có thủ tục thế chấp khi giải ngân, số còn lại tài sản bảo đảm chủ yếu là cổ phần, quyền tài sản; có 201 khoản vay có hồ sơ vay vốn không có phê duyệt của cấp có thẩm quyền tại SCB.
Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) tại tòa. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Các bị cáo như Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB), Bùi Anh Dũng, Tạ Chiêu Trung, Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB), Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB)… tiếp nhận ý chí trực tiếp của Trương Mỹ Lan để chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi sai phạm. Hành vi của Trương Mỹ Lan và các bị cáo đã cấu thành tội Tham ô tài sản.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) tại tòa. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Nhưng do các bị cáo phạm tội trong thời gian dài, SCB là ngân hàng cổ phần và trước khi Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực vào ngày 1-1-2018, pháp luật không xử lý tội Tham ô tài sản đối với khu vực tư nên cơ quan tố tụng truy tố các bị cáo theo Điều 179 Bộ luật Hình sự 1999. Với các hành vi sau ngày 1-1-2018, cơ quan tố tụng truy tố các bị cáo về tội Tham ô tài sản là phù hợp. Vì vậy, HĐXX bác lập luận của luật sư về nội dung truy các bị cáo về 2 tội danh là ảnh hưởng bất lợi cho các bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng tại tòa sáng 11-4. Ảnh: CAO THĂNG |
Với hành vi bao che của đoàn thanh tra SCB, HĐXX nhận định, trong và sau thời gian thanh tra, Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN) và Đỗ Thị Nhàn (Cựu Cục trưởng Cục II – Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thuộc NHNN) cùng các thành viên đoàn thanh tra đã nhận tiền, lợi ích vật chất từ SCB, qua đó đã báo cáo không đầy đủ, không trung thực, bao che sai phạm của SCB lên lãnh đạo NHNN và Chính phủ và ra kết luận thanh tra sai sự thật. Các bị cáo đã vi phạm hàng loạt quy định pháp luật dẫn tới không kịp thời ngăn chặn để Trương Mỹ Lan và đồng phạm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Hành vi nhận hối lộ 5,2 triệu USD của cựu Cục trưởng
Với bị cáo Đỗ Thị Nhàn, HĐXX nhận định, quá trình thanh tra SCB, bị cáo Nhàn biết bị cáo Trương Mỹ Lan là người chủ thật sự của SCB nên đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, thông qua Võ Tấn Hoàng Văn 2 lần gặp Lan để trao đổi về kết quả thanh tra. Trương Mỹ Lan đề nghị Nhàn hỗ trợ SCB để các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào SCB.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn tại tòa sáng 11-4. Ảnh: CAO THĂNG |
Sau khi gặp Lan, Nhàn đã nhận tổng cộng 5,2 triệu USD của Lan thông qua Văn. Quá trình thanh tra, Nhàn đã chủ trì xây dựng kết luận thanh tra theo hướng không đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, để SCB tiếp tục thực hiện tái cơ cấu; không chuyển hồ sơ sai phạm sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định; ưu tiên áp dụng giải pháp kinh tế.
Theo HĐXX, việc bị cáo Nhàn xin ý kiến chỉ đạo của Hưng và chỉ đạo các thành viên đoàn thanh tra chỉ là phương thức để Nhàn thực hiện thỏa thuận với Lan để qua đó nhận 5,2 triệu USD. Điều này thể hiện qua việc số tiền hối lộ Nhàn nhận đều trong quá trình bị cáo đang xây dựng kết luận thanh tra, lần cuối cùng là sau khi ban hành kết luận thanh tra không lâu.
Bị cáo Chu Lập Cơ tại tòa sáng 11-4. Ảnh: CAO THĂNG |
Bị cáo Nhàn bào chữa lý do nhận tiền nhằm bảo vệ gia đình do thấy nhiều người liên quan đến vụ án thiệt mạng và đã liên hệ trả lại không được, HĐXX cho rằng những lập luận này là không có căn cứ. Theo HĐXX, Nhàn đã nhận nhiều lần, nhận trong thời gian dài, cho password nhà riêng để Văn để đưa tiền, những người liên quan trong vụ án chết ở thời điểm khởi tố vụ án đã sau thời gian bị cáo nhận hối lộ rất nhiều.
Vì vậy, HĐXX không chấp nhận quan điểm của bị cáo Nhàn và các luật sư, đồng thời từ đó cũng bác quan điểm của Trương Mỹ Lan và các luật sư cho rằng bị cáo không phạm tội đưa hối lộ.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí tại tòa sáng 11-4. Ảnh: CAO THĂNG |
Với hành vi bao che của đoàn thanh tra SCB, HĐXX nhận định, trong và sau thời gian thanh tra, các bị cáo trong đoàn thanh tra không biết việc Nhàn trực tiếp gặp Lan, không biết mục đích thật sự chỉ đạo xây dựng kết luận thanh tra theo hướng chỉ đạo của Đỗ Thị Nhàn. Nhưng các thành viên đoàn thanh tra đã nhận tiền, lợi ích vật chất từ SCB, qua đó đã báo cáo không đầy đủ, không trung thực, bao che sai phạm của SCB lên lãnh đạo NHNN và Chính Phủ và ra kết luận thanh tra sai sự thật.
Các bị cáo đã vi phạm hàng loạt quy định pháp luật nên phải chịu trách nhiệm vì việc làm của mình đã dẫn tới không kịp thời ngăn chặn để Trương Mỹ Lan và đồng phạm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
HĐXX đang tiếp tục tuyên án.