Văn hóa

Tôn vinh “bàn tay vàng” của các nghệ nhân Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 18-10, tại huyện Mang Yang, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức “Cuộc thi nghề đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch”. Đây là dịp tôn vinh những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Bahnar còn lưu giữ những nét đẹp văn hóa dân tộc.

Cuộc thi là một trong những hoạt động để triển khai thực hiện kế hoạch số 657/KH-UBND ngày 23-3-2023 của UBND tỉnh về Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Mang Yang là 1 trong 5 địa phương của tỉnh cùng với TP. Pleiku, huyện Kbang, Chư Păh và Đak Đoa được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh chọn để tổ chức cuộc thi.

hoi-thi-co-su-tham-gia-cua-33-nghe-nhan-trong-toan-huyen-mang-yang-anh-van-ngoc-8415.jpg
Hội thi có sự tham gia của 33 nghệ nhân trong toàn huyện Mang Yang. Ảnh: Văn Ngọc

Cuộc thi càng trở nên ý nghĩa hơn khi diễn ra vào dịp chào mừng kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống Đảng bộ huyện Mang Yang (20/10/1950-20/10/2024) và 24 năm thành lập huyện Mang Yang (22/10/2000-22/10/2024). Do đó, các xã, thị trấn đều hưởng ứng tích cực với số lượng nghệ nhân tham gia đông đảo.

Theo Ban tổ chức, Cuộc thi đã quy tụ 33 nghệ nhân đến từ 10 xã, thị trấn trong toàn huyện. Trong đó có 13 nghệ nhân dệt thổ cẩm và 20 nghệ nhân đan lát. Ở phần thi nghề đan lát, nghệ nhân thực hiện 1 trong 4 loại sản phẩm gồm: gùi; túi xách có quai, tay cầm; bình đựng hoa khô; mẹt được làm bằng chất liệu mây, tre, nứa, lồ ô.

cac-nghe-nhan-chau-chuot-cho-tung-soi-nan-de-tao-ra-chiec-gui-dep-anh-van-ngoc-8967.jpg
Các nghệ nhân trau chuốt cho từng sợi nan để tạo ra chiếc gùi đẹp. Ảnh: Văn Ngọc

Phần thi dệt thổ cẩm, nghệ nhân chọn thực hiện 1 trong 5 loại sản phẩm: ví, túi xách, khăn quàng cổ, khăn trải bàn, tấm trang trí tường bằng chất liệu chỉ truyền thống hoặc chỉ công nghiệp. Trong đó nghệ nhân sử dụng nguyên liệu truyền thống sẽ được cộng điểm. Tất cả sản phẩm đều được trưng bày phục vụ khách tham quan, trải nghiệm và giới thiệu tại các sự kiện quảng bá du lịch trong và ngoài tỉnh.

Các nghệ nhân tham gia cuộc thi hầu hết là những người đã có kinh nghiệm hàng chục năm với nghề. Bởi vậy, khi các phần thi chính thức bắt đầu, họ lập tức ổn định vị trí và bằng đôi bàn tay thoăn thoắt, uyển chuyển để dần đưa sản phẩm thành hình rồi hoàn thiện. Với nhiều sản phẩm mất nhiều thời gian đến vài ngày, Ban giám khảo cho phép các nghệ nhân hoàn thành một phần sản phẩm trước cuộc thi để đảm bảo tiến độ.

Ông Nhut (SN 1950, xã Lơ Pang) là một trong những nghệ nhân có thâm niên nhất với nghề đan lát. Từ bé, ông đã mày mò học cha mình chẻ tre, vuốt nan để đan những sản phẩm từ nhỏ nhất. Khoảng 16 tuổi, chàng trai Bahnar này đã có thể đan hoàn thiện một chiếc gùi tặng mẹ.

ong-nhut-miet-mai-voi-chiec-gui-cua-minh-voi-hy-vong-dat-ket-qua-cao-anh-van-ngoc-6098.jpg
Ông Nhut miệt mài với chiếc gùi của mình với hy vọng đạt kết quả cao. Ảnh: Văn Ngọc

“Thường ngày ở làng, trong thời gian rảnh không lên nương rẫy thì mình ở nhà đan gùi, đan mẹt chủ yếu cho gia đình sử dụng. Cũng có khi bà con làng xóm thấy mình đan đẹp nên hỏi mua, rồi nhiều người ở nơi khác biết đến cũng đặt mình đan. Tham gia cuộc thi này, mình rất vui vì gặp được nhiều người ở các làng, xã khác. Có nhiều người có những hoa văn, họa tiết rất đẹp mà mình có thể học hỏi. Mình cũng tự trau chuốt chiếc gùi của mình để làm sao nó đẹp hơn”-ông Nhut chia sẻ.

Ông Nhut bày tỏ, hiện lớp trẻ trong làng không còn nhiều người đam mê với nghề đan lát này. Do đó, những người như ông rất lo ngại về việc mai một nghề truyền thống của ông cha. Ông Nhut trải lòng: “Tôi mong qua cuộc thi này, lũ trẻ cũng biết đến đan lát nhiều hơn, tôi luôn sẵn lòng truyền nghề. Và hy vọng các sản phẩm của nghề sẽ được nhiều người tìm mua, như thế nghề mới mang về thu nhập ổn định thì mới thu hút được người giữ nghề”.

Bên cạnh những nghệ nhân cao tuổi, cuộc thi có sự tham gia của các nghệ nhân 9X song đã có 15 năm kinh nghiệm. Chị Văi (SN 1990, thị trấn Kon Dỡng) là một trong những nghệ nhân 9X hiếm hoi còn nặng lòng với nghề dệt thổ cẩm. Từ khi là cô học trò 14 tuổi, Văi đã được mẹ truyền dạy nghề này. Sau giờ học, cô thiếu nữ Bahnar lại ngồi bên khung cửi cặm cụi với những đường tơ.

Nhờ đam mê và chăm chỉ học nghề từ mẹ, chẳng mấy chốc, chị Văi đã trở thành một nghệ nhân có tay nghề điêu luyện. “Đây là lần đầu tiên mình tham gia một cuộc thi dệt thổ cẩm thế này nên cũng có đôi chút hồi hộp. Nhưng mình cũng rất háo hức vì được xem các cô, các chị đi trước dệt rất đẹp, nhiều chi tiết tinh xảo mà mình sẽ phải học rất nhiều. Mình sẽ cố gắng trau dồi thêm tay nghề để làm ra những sản phẩm đẹp hơn, tốt hơn cho gia đình, bạn bè mình sử dụng. Nếu được mình hy vọng các sản phẩm dệt ra sẽ có thể mang bán kiếm thêm thu nhập”-chị Văi bộc bạch.

du-khach-thich-thu-xem-cac-nghe-nhan-trinh-dien-phan-thi-cua-minh-anh-van-ngoc-1240.jpg
Du khách thích thú xem các nghệ nhân trình diễn phần thi của mình. Ảnh: Văn Ngọc

Đặc biệt, cuộc thi diễn ra vào dịp UBND huyện Mang Yang tổ chức Giải Việt dã “Chinh phục đỉnh Pờ Yầu” năm 2024 với 550 vận động viên tranh tài. Do đó, các vận động viên cùng du khách khi đến với sự kiện đã có dịp chiêm ngưỡng những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân tại địa phương.

Chị Nguyễn Thị Lan (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) hồ hởi: “Khi đến cửa hàng lưu niệm tôi cũng đã thấy qua những sản phẩm này nhưng chưa bao giờ được xem trực tiếp các nghệ nhân làm ra sản phẩm thế này. Tôi cảm thấy rất thích thú và sau cuộc thi sẽ mua một vài món làm kỷ niệm hoặc tặng cho bạn bè”.

Bà Phan Thị Ngọc Diệp-Trưởng phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh) cho biết: “Thông qua cuộc thi này, chúng tôi mong muốn định hướng, tạo điều kiện cho bà con người Bahnar sáng tạo thêm nhiều sản phẩm dệt, đan lát truyền thống phù hợp với nhu cầu mua sắm, sử dụng của du khách. Qua đó tôn vinh nét đẹp của nghề truyền thống và những nghệ nhân đã tạo nên những sản phẩm khác biệt, góp phần làm phong phú thêm các mặt hàng lưu niệm của địa phương”.

Có thể bạn quan tâm