Kinh tế

Hàng hóa - Tiêu dùng

Tổng lực kích cầu cuối năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các ngành thương mại, dịch vụ ở TPHCM đã và đang tìm nhiều cách vực dậy sức mua, nhất là giai đoạn cao điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2024. Một số doanh nghiệp đã tung hàng loạt chương trình ưu đãi đậm, giá bán cạnh tranh.

“Cắt” lợi nhuận chia sẻ với khách hàng

Tết đang đến gần. Lật giở từng trang lịch, chị Ngô Thúy An, ngụ đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú) nhẩm tính, hơn 2 tháng nữa kết thúc năm 2023. “Cả một năm vất vả làm việc, dù khó khăn nhưng vợ chồng tôi vẫn về thăm quê, mua chút trái cây sấy khô, sắm vài bộ quần áo mới cho cha mẹ và mấy cháu… Kế hoạch này đã được chúng tôi lên lịch từ đầu năm và tiết kiệm 30.000-50.000 đồng/ ngày. Gói ghém tốt sẽ có tết vui”, chị Thúy An tâm sự.

Cũng tâm trạng này nhưng bà Nguyễn Minh Thúy (62 tuổi, ngụ đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp) lo lắng vì vài tuần qua nhiều mặt hàng tại các tiệm tạp hóa tăng giá 2.000-5.000 đồng/sản phẩm. Tuy nhiên bà Thúy cho biết: “Nếu chịu khó vào các siêu thị lớn sẽ chọn được hàng giá tốt, mức khuyến mãi cao. Ví dụ, cùng loại dầu ăn, siêu thị có chiết khấu tốt, giảm còn chưa tới 40.000 đồng/lít; gạo được giảm còn 15.000-20.000 đồng/kg”.

Cùng với sự chộn rộn của người dân, một số hệ thống bán lẻ như Co.opmart, Satra, Go!, BigC, MM Mega Market... cũng đang tăng tốc các chương trình khuyến mãi với mức giảm sâu nhiều mặt hàng (gạo, dầu ăn, thịt, cá, rau củ quả, mỹ phẩm…). Có mặt hàng giảm khoảng 49% với hy vọng bội thu dịp mua sắm lớn nhất năm này.

Đại diện hệ thống MM Mega Market cho biết sẵn sàng “cắt” bớt lợi nhuận để chia sẻ với khách hàng. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, thông tin, sẽ cân đối mức giá hợp lý với nhiều chương trình ưu đãi cho người tiêu dùng nhằm kích thích sức mua cuối năm.

Đại diện hệ thống Co.opmart chia sẻ, đang tìm mọi cách thúc đẩy mãi lực, trong đó có việc duy trì mức giá hợp lý cộng với các chính sách khuyến mãi, trợ giá hấp dẫn. Thông tin từ Công ty Ba Huân, giá trứng bán tại siêu thị, trung tâm thương mại trên thị trường đang ở mức tốt, do nguồn cung dồi dào. Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cũng liên tục áp dụng khuyến mãi 10-20% cho kênh bán lẻ.

Theo ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, sức mua trứng từ đầu năm đến nay giảm đáng kể, khoảng 15% so với năm trước, nhất là trứng phục vụ chế biến, làm bánh… Hầu hết doanh nghiệp kỳ vọng, việc “cắt” lợi nhuận chia sẻ với khách sẽ giúp cải thiện sức mua.

Cùng “bắt tay” đón khách

Các doanh nghiệp đánh giá, tâm lý tết đoàn viên sẽ giúp sức mua cuối năm được cải thiện, nhất là vào thời điểm trước Tết Nguyên đán 2-3 tuần.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cuối năm có xu hướng tăng cao so với bình thường, nên hầu hết các trung tâm thương mại, doanh nghiệp chuẩn bị lượng hàng hóa tết từ rất sớm. Sở cũng phối hợp Sở Du lịch TPHCM đẩy mạnh quảng bá, kết nối du khách trong và ngoài nước đến TPHCM vui chơi, mua sắm dịp cuối năm.

Người tiêu dùng chờ mua thực phẩm khuyến mãi tại siêu thị Emart, quận Gò Vấp, TPHCM

Người tiêu dùng chờ mua thực phẩm khuyến mãi tại siêu thị Emart, quận Gò Vấp, TPHCM

Một số chuyên gia kinh tế nhìn nhận, nhóm khách tại chỗ (người dân sinh sống, làm việc tại TPHCM) đồng loạt vui chơi, mua sắm ngay trên địa bàn TPHCM sẽ góp phần lớn kích hoạt giúp thị trường tiêu dùng cuối năm “ấm” lên. Sự kỳ vọng còn đến từ nguồn khách Việt kiều, cũng như khách du lịch trong và ngoài nước.

Chị Mai Tư, một tiểu thương chợ Bình Tây (quận 6), cho hay, trái cây sấy, tôm khô, mực một nắng… được du khách ở Tây Nguyên, phía Bắc rất quan tâm. Khách Australia, Đức… đi du lịch tự túc cũng rất thích các loại cà phê rang xay trực tiếp bán tại chợ Bình Tây. Các chợ Bến Thành (quận 1), chợ An Đông (quận 5) cũng được nhiều khách quốc tế ghé tham quan, tìm mua vải may quần áo, trái cây đặc sản sấy khô… Đây thực sự là tín hiệu vui, giúp người kinh doanh có thêm động lực. Không để bà con đơn độc “tự bơi”, nhiều ban quản lý chợ (Bến Thành, Bình Tây, An Đông…) đã cùng “xắn tay” hỗ trợ người kinh doanh bằng cách hướng dẫn bà con quảng bá hàng hóa trên Zalo, TikTok, Facebook… Chợ An Đông còn thuê người quay phim, quảng bá hàng hóa tiêu dùng, đặc sản trên mạng xã hội.

Ông Trần Quang Duy, Giám đốc điều hành Công ty Lữ hành Chim Cánh Cụt, cho rằng, sự kết hợp giữa các sở ngành, điển hình như Sở Công thương và Sở Du lịch TPHCM góp phần mang khách đến, từng bước cải thiện sức mua. Về lâu dài, cần nâng cấp chất lượng dịch vụ tại các chợ truyền thống, xử lý tình trạng hét giá tại các điểm bán lẻ, hàng rong; kết nối các trung tâm thương mại, khu vực mua sắm, đa dạng nhóm hàng hóa đặc trưng với giá hợp lý…

Ước tính từ các sở ngành, hàng chục ngàn tấn hàng hóa, thực phẩm đủ loại sẽ được cung ứng cho người tiêu dùng TPHCM đợt cao điểm mua sắm cuối năm; song song đó là hàng chục tour, tuyến du lịch đưa khách tham quan các điểm đến, khu vui chơi trên địa bàn TPHCM.

Tại nhiều nhà máy, hàng hóa đang tấp nập chuẩn bị đưa về siêu thị, trung tâm thương mại. Một số tỉnh thành lân cận như Lâm Đồng, khu vực ĐBSCL cũng chờ ngày đưa hàng hóa đổ về chợ đầu mối, chợ truyền thống ở TPHCM. Một mùa mua sắm cuối năm “bùng cháy” đang chờ đợi người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp.

Số liệu của Cục Thống kê TPHCM cho thấy, doanh thu du lịch 9 tháng đầu năm của TPHCM ước đạt 125.288 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 871.000 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ, đồng thời dự báo tiếp tục giữ đà tăng trưởng do tác động từ việc tăng lương cơ sở.

Có thể bạn quan tâm