Thời sự - Bình luận

Trách nhiệm của Quốc hội và kỳ vọng của người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bắt đầu từ tuần này, Quốc hội khóa XV họp kỳ thứ 6 để xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng của đất nước. Cử tri đang kỳ vọng các đại biểu Quốc hội sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, thảo luận và thông qua nhiều dự án luật quan trọng, nhất là Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời, hiến kế, đề xuất những giải pháp tối ưu nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tạo nền tảng vững chắc cho việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.

Tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 9 dự án luật quan trọng và cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác. Đặc biệt, sau nhiều lần thảo luận và lấy ý kiến của người dân, hy vọng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp này sẽ khắc phục được những bất cập lâu nay, trở thành hành lang pháp lý vững chắc, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người có đất bị thu hồi.

Bởi thực tế, hơn 70% các vụ khiếu kiện kéo dài về đất đai lâu nay đều liên quan đến những bất hợp lý trong việc thu hồi đất. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội lần này được cho là có nhiều điểm mới, đặc biệt là tăng cường tính minh bạch trong việc thu hồi, đền bù đất đai của tổ chức, cá nhân khi Nhà nước thu hồi. Minh bạch sẽ giúp người dân hiểu được ý nghĩa, giá trị đích thực của việc thu hồi đất mà sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình vì lợi ích chung của cộng đồng, của những mục tiêu tốt đẹp hơn.

Ngoài công tác xây dựng pháp luật, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang đứng trước nhiều thách thức vì tăng trưởng khó đạt mục tiêu đề ra, cử tri cả nước kỳ vọng Quốc hội sẽ phát huy hết trí tuệ, trách nhiệm của mình với đất nước, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi biểu quyết thông qua các chính sách phù hợp với thực tiễn cuộc sống cũng như sự mong mỏi của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước.

Tổng cục Thống kê cho biết, khả năng năm nay có 5/15 chỉ tiêu phát triển không đạt kế hoạch; chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ước khoảng 3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 4,5%. Thu ngân sách phấn đấu đạt hoặc vượt dự toán được giao trong khi miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất (đến hết tháng 9 đã miễn, giảm, gia hạn khoảng 152,5 ngàn tỷ đồng); xuất siêu cả năm ước khoảng 15 tỷ USD. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo chỉ đạt trên 5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6,5% đề ra từ đầu năm. Thực tế đó đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ phải có các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững, kiểm soát được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống của người dân.

Làm gì để “vượt qua cơn gió ngược” là câu hỏi cần được Quốc hội trả lời tại kỳ họp này bằng những giải pháp cụ thể trong việc điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, để không chỉ hạn chế đà sụt giảm của nền kinh tế trong năm nay mà còn phải tạo đà phục hồi mạnh mẽ cho những năm tới, thực hiện thành công Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tiếp tục đưa đất nước phát triển bền vững.

Một trong những nội dung quan trọng nữa của kỳ họp thứ 6 là Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Đây là dịp để rà soát, đánh giá uy tín, kết quả điều hành công việc của những cán bộ đứng đầu các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ trong thời gian đương nhiệm, cũng như để người được lấy phiếu tín nhiệm tự soi lại năng lực, khả năng điều hành của mình mà có những điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới. Trong bối cảnh việc giới thiệu quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cho nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIV đang được gấp rút chuẩn bị thì việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo tại kỳ họp này của Quốc hội cũng có ý nghĩa rất tích cực đối với công tác tổ chức cán bộ của Đảng.

Hy vọng với tinh thần trách nhiệm trước cử tri, kỳ họp sẽ nhất trí cao với định hướng giải pháp mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề xuất nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; phục hồi và đẩy mạnh các đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực và hoạt động của các thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 và định hướng những năm tới.

Có thể bạn quan tâm