Theo Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA), đơn vị đang giám sát lỗ thủng tầng ozone bằng công cụ Copernicus Sentinel, lỗ thủng tầng ozone năm nay ở Nam Cực đã đạt kích thước cực đại vào ngày 16-9, lên tới 26 triệu km2.
Lỗ thủng khổng lồ xuất hiện trên lớp "áo giáp" của Trái Đất. Ảnh: ESA |
Diện tích này gần bằng diện tích của cả lục địa Bắc Mỹ hoặc tương đương với diện tích của hai quốc gia rộng lớn là Nga và Trung Quốc cộng lại.
Đó cũng là diện tích rộng gấp đôi Nam Cực, là lục địa mà lỗ thủng hiện diện ngay bên trên.
Bản đồ thể hiện độ dày của tầng ozone cho thấy một lỗ thủng rộng lớn phía trên Nam Cực và Nam Đại Dương. Ảnh: ESA |
Tờ Live Science dẫn lời nhà nghiên cứu Antjel Inness từ Trung tâm Dự báo thời tiết trung hạn châu Âu (ECMWF): "Lỗ thủng tầng ozone năm 2023 đã bắt đầu sớm và phát triển nhanh chóng kể từ giữa tháng 8. Đó là một trong những lỗ thủng tầng ozone lớn nhất từng được ghi nhận".
Hiện tượng lớp "áo giáp" của Trái Đất bị thủng lỗ từ lâu đã được xác định chủ yếu là do hoạt động công nghiệp của con người giải phóng ngày một nhiều các khí nhà kính độc hại.
Tuy nhiên, năm 2023, một thảm họa thiên nhiên đã đóng góp vào lỗ thủng này: Vụ phun trào núi lửa Tonga (Hunga Tonga-Hunga Ha'apai) ở Nam Thái Bình Dương.
Ước tính sức mạnh của cú bùng nổ núi lửa Tonga mạnh gấp 100 lần quả bom nguyên tử Mỹ từng thả xuống Hiroshima và tạo ra đợt phun trào cao nhất từng được ghi nhận hồi tháng 1-2022, khiến hơn chục quốc gia phát đi cảnh báo sóng thần.
Vào tháng 8-2022, một nhóm các nhà khoa học đã cảnh báo vụ phun trào có thể gây mất ổn định tầng ozone, khi giải phóng 50 triệu tấn nước lên tầng trên của bầu khí quyển Trái Đất, tương đương với việc nước trong bầu khí quyển tăng 10%.
Hơi nước đã làm mất ổn định "áo giáp của Trái Đất" do phân hủy thành các ion hoặc phân tử tích điện và "nuốt" mất ozone bằng cách phản ứng với nó.
Sự kiện El Nino vào năm nay cũng đóng vai trò không nhỏ trong vụ việc nhưng hiện tại mối liên hệ chưa rõ ràng.