Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

Trại hè giữa rừng núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Trại hè Tây Nguyên” là tour du lịch đặc biệt dành cho thiếu nhi do Công ty TNHH Discovery Gia Lai phối hợp với Trung tâm Giáo dục We Enjoy (Hà Nội) tổ chức. Tham gia trại hè, các du khách “nhí” cùng nhau vượt qua thử thách trên nhiều dạng địa hình để kết nối trọn vẹn với thiên nhiên hoang dã.

Trại hè Tây Nguyên

Diễn ra trong thời gian 6 ngày 5 đêm, trại hè kết hợp hoạt động trải nghiệm văn hóa, thiên nhiên và rèn luyện kỹ năng sinh tồn cho trẻ. Chị Lê Thanh Thúy (Trung tâm Giáo dục We Enjoy) cho biết: “Chúng tôi tổ chức 3 trại hè cho học sinh ở 3 vùng đất khác nhau. Trại hè Tây Nguyên giúp các em khám phá đại ngàn hùng vĩ với rừng già, thác nước, khu bảo tồn thiên nhiên. Trại hè Hòn Cau ở đảo Cù Lao Câu (tỉnh Bình Thuận) để các em tìm hiểu về rùa biển nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Còn trại hè Ba Vì (Hà Nội) vào cuối tháng 6 hướng đến hoạt động giáo dục giới tính. Mỗi trại hè có đặc điểm, mục tiêu riêng nhưng đều là hình thức giáo dục dựa trên những trải nghiệm thực tế. Đối với trại hè Tây Nguyên, đây là hoạt động chào hè, các em được nạp đầy năng lượng sau 1 năm học hành vất vả. Trong 1 tuần, các em xa rời thiết bị điện tử để cùng nhau tận hưởng thiên nhiên trong lành và vượt qua những thử thách cùng thế giới tự nhiên”.

Các em thiếu nhi khởi động trước khi chèo sup. Ảnh: M.C

Các em thiếu nhi khởi động trước khi chèo sup. Ảnh: M.C

Đây cũng là năm thứ 2 đơn vị này phối hợp với công ty lữ hành ở Gia Lai tổ chức trại hè thiếu nhi. Theo chị Thúy, Gia Lai có nhiều dạng địa hình phong phú rất lý tưởng để các em có trải nghiệm, vận động, nâng cao kỹ năng nhưng vẫn đảm bảo được sự an toàn.

Hào hứng trong hành trình khám phá Tây Nguyên đại ngàn, em Lê Minh Hà-học sinh lớp 5-chia sẻ: “Em có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Lần đầu tiên em được ngủ trong rừng, trên đỉnh núi. Nhưng ấn tượng nhất với em là được chèo sup trên Biển Hồ. Về Hà Nội, em sẽ kể cho các bạn là đã leo lên đỉnh núi Chư Nâm (huyện Chư Păh), vào tận thác nước sâu trong rừng già như thế nào, được đến hàng thông trăm tuổi với những cây thông cổ thụ rợp mát con đường. Chuyến đi này còn có 2 người bạn cùng lớp. Bọn em đã cùng nhau vượt qua thử thách nên rất vui. Năm sau nghỉ hè, em vẫn muốn được quay lại đây lần nữa”.

Còn theo em Phùng Bảo Nam-học sinh lớp 4 thì đây là hành trình vất vả nhưng rất ý nghĩa. Nam bày tỏ: “Em chưa bao giờ đi bộ nhiều như hôm vào thác 50 nên rất mệt. Nhờ có các chú hướng dẫn viên và bạn bè cùng đoàn khích lệ nên em đã vượt qua được thử thách này và thấy rất tự hào”.

Giúp các em vượt qua bản thân, hiểu thế nào là cố gắng để sinh tồn cũng là một trong những mục tiêu của trại hè. Chị Thúy cho biết thêm: “Các em có những nỗ lực riêng để hoàn thành mục tiêu. Ví dụ hôm đi thác 50, chúng tôi đưa ra lịch trình đường đi như thế nào, phải đi bộ bao nhiêu ki lô met, lội qua bao nhiêu con suối, khi bị vắt cắn hay qua những địa hình nguy hiểm cần hỗ trợ nhau như thế nào, các em cần chuẩn bị tinh thần ra sao để vượt qua các thử thách trên đường đi. Trước mỗi điểm đến, chúng tôi đều trao đổi trước để các em biết rõ mục tiêu bản thân cần hoàn thành. Trong suốt quá trình tham gia trại hè, một số em cũng có phàn nàn nhưng đó là điều rất bình thường. Quan trọng là các em đều dũng cảm vượt qua từng thử thách một và đó là phần thưởng lớn nhất mà các em cảm nhận và tự hào về bản thân mình”.

Hành trình chinh phục đỉnh Chư Nâm-đỉnh núi được mệnh danh là nóc nhà phía Tây của tỉnh với độ cao 1.472m. Ảnh: Minh Châu

Hành trình chinh phục đỉnh Chư Nâm-đỉnh núi được mệnh danh là nóc nhà phía Tây của tỉnh với độ cao 1.472m. Ảnh: Minh Châu

Mùa hè lớn khôn

Ngày càng có những khóa học hè theo hình thức “Trại hè Tây Nguyên”, tức là có sự phối hợp của đơn vị giáo dục và lữ hành, mục tiêu giúp trẻ em vừa vui chơi, vừa rèn luyện kỹ năng sống. Anh Nguyễn Thành Vân-hướng dẫn viên Công ty TNHH Discovery-cho hay: “Lịch trình của trại hè có rất nhiều hoạt động tìm hiểu văn hóa đến khám phá thiên nhiên. Đón các em ở Sân bay Pleiku, chúng tôi đưa các em lên Kon Tum tìm hiểu văn hóa bản địa ở làng Kon Kơ Tu, học đan lát, xem nghệ nhân đẽo tượng, dệt vải, thưởng thức đêm hội cồng chiêng, đàn trưng bên ánh lửa hồng bập bùng; thăm nhà thờ gỗ Kon Tum…

Tại Gia Lai, các em được thử thách với nhiều dạng vận động. Các điểm trekking như vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng để khám phá thác 50, leo núi Chư Nâm là dạng vận động nặng nhưng chúng tôi điều phối sao cho vừa sức các em. Tour dành cho trẻ em là dạng đặc thù, phải đảm bảo được yếu tố giúp trẻ vui chơi, háo hức với những trải nghiệm mới mẻ, vừa lồng ghép các hoạt động giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống”.

Trại hè giúp thiếu nhi kết nối với thiên nhiên hoang dã và rèn luyện kỹ năng sinh tồn. Ảnh: Minh Châu

Trại hè giúp thiếu nhi kết nối với thiên nhiên hoang dã và rèn luyện kỹ năng sinh tồn. Ảnh: Minh Châu

Chị Trần Mỹ Hạnh-phụ huynh của em Phùng Bảo Nam-cho biết: “Giáo dục ở nước ta đang thiếu hoạt động trải nghiệm cho trẻ em. Học sinh bậc tiểu học, THCS ở tuổi cần trải nghiệm chứ không phải nhồi nhét thật nhiều kiến thức. Tôi thường cho con tham gia các trại hè để được về với thiên nhiên, học hỏi những bài học từ thực tế. Các điểm đến trong hành trình lần này với những em chưa quen rất khó vượt qua. Vì vậy mà phụ huynh cần rèn luyện kỹ năng cho con nhiều hơn. Các bé được cha mẹ cho đi nhiều đã vượt qua địa hình rừng núi ở trại hè này với kỹ năng rất tốt”.

Cũng theo chị Hạnh, nhiều phụ huynh muốn cho con đi trải nghiệm rừng núi nhưng nỗi lo lắng lớn nhất vẫn là sự an toàn cho trẻ. “Bản thân tôi cũng vì lo lắng như vậy nên mới theo con trong trại hè lần này. Nhưng vượt qua được điều đó, chứng kiến con nỗ lực vượt qua thử thách, tôi nghĩ trẻ cần được tạo cơ hội hòa nhập với bạn bè, kết nối và tương tác giúp lớn khôn, tự lập, tự tin hơn”.

Có thể bạn quan tâm