"Bản thân tôi không nghĩ đến người ta trả ơn cho mình vì mình đã làm ơn mà để người ta mang ơn là vô nghĩa", đó là câu nói của người đàn ông đã lập nên cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời mình: 88 lần hiến máu nhân đạo.
Một con người bình dị, một nhân cách sống đẹp
Tình cờ chứng kiến một anh thợ nhiếp ảnh bị tai nạn ở công viên nước Đầm Sen, TP.HCM, với máu me đầy người mà không ai cứu giúp, một người đạp xích lô liền ra tay nghĩa hiệp chở chàng trai đến bệnh viện và sau đó hiến máu cứu sống anh. Đó là một ngày đáng nhớ vào năm 1991 và cũng chính từ đây ngọn lửa tình nguyện được thắp sáng nơi trái tim hồng của người đàn ông đạp xích lô này.
Hơn 20 năm qua, hễ cứ tới định kỳ là bác tự động cầm thẻ đến bệnh viện hiến máu. Từ một người không biết hiến máu nhân đạo là gì, từ con số 0 cho đến nay con số đã là 88. Chưa kể những lần hiến máu đột xuất ở các bệnh viện: Chợ Rẫy, Tim Tâm Đức, Nhân Dân 115...
Vợ chồng bác Trung tại nhà trọ. Ảnh: TGCC |
Vào bệnh viện thấy ai cần máu mà không có tiền bác liền hỏi: "Chị nhóm máu gì?". Và khi biết họ nhóm máu B bác liền sốt sắng: "Được rồi. Đi theo tôi, tôi sẽ cho máu". Xin cho tôi gọi người đàn ông “bao đồng” này là một anh hùng giữa đời thường - anh hùng Phạm Huỳnh Trung.
Tôi sẽ không biết đến bác nếu không có chương trình "Hát mãi ước mơ ". Đây cũng là một chương trình mang tính thiện nguyện rất nhân văn và ý nghĩa, có sức lan tỏa trong cộng động. Chính vì vậy nên một chàng trai trẻ đã đăng ký tham gia để kể câu chuyện của bác cho mọi người nghe và biết đến bác nhiều hơn.
Bác Trung sinh năm 1962 và hiện đang sống cùng vợ tại 511 Hương Lộ 2, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM trong căn nhà thuê và công việc hằng ngày của bác là làm bảo vệ.
Là con của cố soạn giả Nguyễn Huỳnh - tác giả vở tuồng Tướng cướp Bạch Hải Đường nổi tiếng một thời, bác Trung mang trong mình không chỉ dòng máu mê cải lương con nhà nòi mà còn là dòng máu cứu người giúp đời. Với bác một giọt máu cho đi là một cuộc đời ở lại, còn sức là còn hiến máu.
Con người ta thấy sướng khi đem lại niềm hạnh phúc cho người khác và đúng là như vậy. Không vụ lợi cá nhân hay than phiền, thay vào đó mỗi lần hiến máu cho ai đó bác luôn thấy vui, thấy phấn khởi vì cho đi là còn mãi.
Ước không có tuổi già để được hiến máu mãi
Với những cống hiến của mình, bác từng được Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ y tế và thành phố tặng bằng khen. Khi xem những bằng khen được chương trình quay và phát sóng khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ. Bởi khi nghĩ đến hiến máu chúng ta sẽ nghĩ đến những tình nguyện viên mặc áo xanh trẻ tuổi có đầy đủ sức khỏe hay công nhân viên chức chứ không phải một người đã bước vào tuổi trung niên như bác.
Theo như những gì chia sẻ trong "Hát mãi ước mơ", tôi biết cuộc sống của bác Trung còn nhiều khó khăn. Không có xe máy để đi làm, vợ lại bị hen suyễn lên cơn bất tử lúc nào không hay nhưng lại chưa có tiền để mua máy xông, và có lúc để có tiền mua thuốc cho vợ uống bác phải đi hỏi mượn người ta.
Cứ nghĩ rằng khi con người ta lo cơm áo gạo tiền cho mình chưa no đủ, làm sao họ có thể nghĩ tới cho ai khác. Nhưng với người có lối sống đẹp như bác thì ngược lại. Bác đã nói rồi: "dù có khó khăn đến đâu cũng không từ bỏ việc thiện nguyện". Đây là điều không phải ai cũng nghĩ tới và làm được.
Tôi suy nghĩ một con người sống đẹp như thế cần được nhiều người biết đến hơn nữa, đặc biệt là giới trẻ. May sao tôi biết được cuộc thi này nên quyết định tham gia để viết về bác, để lan tỏa những đóa hoa ngát hương trong cộng đồng.
Để biết rõ hơn về bác cũng như cần thêm một chút thông tin nên tôi trò chuyện với bác qua facebook.
Cuộc nói chuyện lặng lẽ không thấy mặt nhau qua mạng internet thật thú vị. Tôi đóng vai như một nhà báo nghiệp dư còn bác giống như người được phỏng vấn. Những câu chào hỏi đầu tiên làm quen và sau đó là một cuộc nói chuyện bắt đầu thân mật hơn. Mới đầu nhắn cho bác tôi sợ bác sẽ không trả lời và thậm chí là chặn vì sợ lừa đảo. Nhưng vui thay, bác phản hồi tin nhắn bằng những lời rất gần gũi, và từ đây tôi bắt đầu làm phiền bác. Cứ không rõ chỗ nào hay cần thông tin gì tôi lại hỏi và bác có nhiệm vụ trả lời.
Bằng khen của Thủ tướng. Ảnh: TGCC |
Như để xác minh về những tấm bằng khen. Tôi bảo bác gửi cho tôi những tấm bằng giống như những gì tôi đã thấy trong chương trình. "THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, ỦY BAN NHÂN DÂN TP.HCM, BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ, HỘI CHỮ THẬP ĐỎ TP.HCM, HỘI CHỮ THẬP ĐỎ QUẬN 11" là những dòng chữ hiện ra trước mắt mình. Bên cạnh đó bác còn gửi cả phiếu hiến máu với lịch sử hiến trong vài năm qua. "Ôi thật là tuyệt vời quá!", tôi nói thầm lòng đầy ngưỡng mộ.
Năm 2019, bác từng bị tai biến nhẹ và bác sĩ khuyên hãy ngừng công việc hiến máu hoặc hiến một năm 2 lần thôi thay vì 4 lần như trước. Nhưng bác đã lén vợ tiếp tục công việc này. Vợ bác là một người cũng rất tuyệt vời. Một người vợ tào khang chung thủy luôn ủng hộ những việc làm của chồng, và chính vợ bác cũng ảnh hưởng sự tích cực từ người chồng nên đã từng hiến máu hơn 40 lần. Ngoài ra người thân, những người xung quanh đều được bác vận động hiến máu. Và một điều thật vui là họ tham gia rất tích cực.
Bây giờ bác buồn vì đã 60 tuổi, độ tuổi không đảm bảo sức khỏe để tiếp tục làm thiện nguyện. Tôi biết bác luôn ước gì không có quy định về độ tuổi và chỉ cần có sức khỏe là bác sẽ cống hiến hết mình cho đến hơi thở cuối cùng. Nhưng ngay cả khi nếu không còn hơi thở nữa bác còn muốn làm một việc cuối cùng cho đời cũng rất ý nghĩa đó là hiến xác cho khoa học. Bác đăng ký rồi và đã xác nhận thông tin trên truyền hình. "Máu còn cho được thì thân xác có gì mà không cho được". Bác đã nói như thế.
Cuộc sống mưu sinh vẫn còn đó những khó khăn. Nhưng điều đó không thể nào khuất phục ý chí, nghị lực và sức mạnh một con người có trái tim luôn biết yêu thương mọi người, yêu thương cuộc sống như bác.
Sống quan trọng nhất là sự lựa chọn và bác Trung đã chọn cho mình một lối sống có nghĩa cử cao đẹp. Tôi cảm ơn bác rất nhiều vì điều này. Đẹp lắm một trái tim vàng cho đi những giọt máu hồng, đẹp lắm giữa Sài Gòn xa hoa vẫn luôn có những người tốt giống như bác. Đẹp lắm đôi vợ chồng nghèo sống rất có tình nghĩa và thủy chung. Bác đã sống đẹp như thế và tôi tin cuộc đời sẽ không đối xử tệ với bác. Sẽ có những trái tim tìm đến trái tim hòa chung lại sưởi ấm nhau để vơi đi nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống.
Theo Hòa Bình (TNO)