Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Trăm năm An Khê đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vùng An Khê (bao gồm thị xã An Khê và huyện Đak Pơ ngày nay) có hơn 20 ngôi đình. Trong đó, An Khê đình (còn gọi là đình An Lũy, tổ 14, phường Tây Sơn, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) nằm trong Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo là ngôi đình cổ và mang trong mình những dấu ấn riêng, chứa đựng giá trị văn hóa-lịch sử đặc sắc của người Việt trên vùng đất này hàng thế kỷ qua.
Hiện nay, chưa có tài liệu nào cụ thể nói quá trình hình thành, xây dựng An Khê đình. Tư liệu sớm nhất cho chúng ta biết sự có mặt của ngôi đình là các đạo sắc phong dưới triều Nguyễn hiện đang lưu giữ ở đình. Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, khi ông đến An Lũy vào tháng 5-1977, trong đình có 2 đạo sắc phong: một sắc thời Tự Đức (1878), sắc còn lại thời Duy Tân (1909). Còn ông Lê Đại Lượng-nguyên là chủ bái của đình thì: Trước đây, đình được các vua nhà Nguyễn 7 lần ban sắc phong thần. Nhưng thời kỳ kháng chiến chống Pháp, 4 sắc phong đã bị quân Pháp đốt, hiện chỉ còn lại 3.
Qua khảo sát thực tế, hiện nay, đình có 3 đạo sắc phong của triều Nguyễn: Đạo sắc phong năm Tự Đức thứ 33 (1880), năm Duy Tân thứ 3 (1909) và năm Duy Tân thứ 5 (1911). Như vậy, khoảng cuối thế kỷ XIX, chắc chắn rằng An Khê đình đã hoàn thiện và đi vào hoạt động, nghĩa là đình đã có trước năm 1880.
Cả 3 đạo sắc phong này có kích thước tương đối lớn (1,2 m x 0,6 m) làm từ giấy dó, dày, màu vàng đậm, một mặt trang trí hoa văn hình rồng mây nhũ bạc, diềm sắc phong rộng 4 cm. Tuy nhiên, trong 3 đạo sắc phong, đến thời điểm hiện tại chỉ có đạo sắc phong thời Tự Đức là khá nguyên vẹn.
Những vị cao niên ở vùng An Khê cho biết: Ban đầu, An Khê đình được xây dựng trên một khoảnh rừng rậm rạp, ở một gò cao gần bên suối cái, hướng mặt về phía Nam nơi có ngọn núi Mò O trùng điệp. Gỗ làm đình được lấy tại chỗ theo kiểu tự cung tự cấp, mái lợp tranh, vách làm bằng đất. Hiện nay, trong khuôn viên đình vẫn còn khoảng chục cây cổ thụ đã vượt quá tuổi ngôi đình. Đến thời Tây Sơn dựng cờ tụ nghĩa thì đình nằm trong lũy An Khê giữa 2 lớp tre dày và hào nước sâu che chắn bao bọc, vốn là nơi hội họp của bộ chỉ huy nhà Tây Sơn.
An Khê đình nằm trong Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: Bá Tính
Sang thời Nguyễn, vì muốn xóa bỏ công lao to lớn của nhà Tây Sơn và làm lu mờ tình cảm của người dân đối với triều đại này mà 2 tiếng “Tây Sơn” trở thành quốc cấm. Việc thờ cúng những lãnh tụ Tây Sơn cũng bị coi là bất hợp pháp. Để tỏ lòng biết ơn nhà Tây Sơn và qua mắt chính quyền nhà Nguyễn, người dân đã viện cớ thờ các vị thần dân gian như: Thành hoàng bổn xứ, Nhị vị công tử, Chúa sơn lâm… Mặt khác, họ thiết lập 3 dinh thờ ở trước sân đình để thờ cúng 3 ngài, dinh được dựng theo lối kết hợp kiến trúc Kinh-Thượng với nhà sàn và mái nhà người Kinh. Dinh chính giữa được thiết kế vách ngăn bên trong để thờ Nguyễn Nhạc-Cô Hầu, 2 dinh hai bên thờ Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.
Khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ nước ta, nhiều cơ sở đình, chùa bị đốt phá. An Khê đình cũng chịu chung số phận. Khi đình bị cháy, hương chức, dân làng đành dời những gì có thể về An Khê trường trong đó có các sắc phong thời Nguyễn và đóng góp tiền của, công sức xây dựng một ngôi đình mới ở An Khê trường. Một thời gian dài sau đó, An Khê đình bị bỏ hoang phế, vùng đất thiêng ấy không có dân cư, vườn đình thành rừng, vượn khỉ tụ về phá phách, lâu dần mái dột tường long. Sau Cách mạng Tháng Tám, dân làng mới có dịp về sửa sang lại và lợp mái tôn cho đình.
Đình đã trải qua rất nhiều lần trùng tu từ nguồn ngân sách nhà nước và người dân địa phương đóng góp. Những năm 70 của thế kỷ trước, đình được xây dựng lại, mái lợp tôn. Lần trùng tu năm 2005-2006, khung gỗ (cột, kèo, cửa) vẫn giữ nguyên, thay mái tôn bằng ngói vảy, vách được xây tường gạch, nền lát gạch Bát Tràng trên nóc mái đắp hai con rồng chầu mặt trời (lưỡng long chầu nhật); sân đình được lát gạch bát Tràng, khuôn viên xây tường gạch. Năm 2014, đình được tu sửa, lát lại gạch nền và đưa 9 án thờ bằng gỗ vào thay thế các bàn thờ bằng bê tông bên trong.
Lần gần đây nhất là năm 2020, cùng với việc trùng tu, tôn tạo, xây dựng một số công trình thuộc quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, An Khê đình cũng được trùng tu, lợp lại ngói vảy, thay thế một số chi tiết cột, kèo gỗ bên trong bị mối mọt và vẫn giữ lại hình dáng tổng thể của ngôi đình theo kiến trúc cổ truyền, tiền đường hậu tẩm. Ngôi tiền đường có 3 gian 2 chái, hậu tẩm có 1 gian 2 chái, hội đủ 6 vì kèo, 8 cây quyết, 8 cây đấm và 40 cây cột. Gia nguyên, đỉnh chốt của ngôi đình được 6 bộ cối chày thon thả nâng cao và an tọa trên lưng 6 cây trính ba lá uốn cong, kèo nhất đoạn tạc đầu lân đuôi cá, 5 gian bàn khoa cải tiến, ngưỡng cửa xoi chỉ lá sen, ngạch cửa xoi chỉ trái cốc… Tất cả các hạng mục gỗ đều toát lên nước sơn màu gụ vàng óng hoặc màu nâu thẫm bóng ngời. Trên nóc mái đắp “lưỡng long chầu nhật”, nền và sân lát gạch Bát Tràng.
Bên trong tiền đường, hậu tẩm bài trí 9 hương án thờ các vị thần dân gian: Thiên YAna, thần Bạch mã, Ngũ hành nương nương, Thành hoàng bổn xứ, Tiền hiền, Hậu hiền...
Hàng năm, cứ đến dịp mùng 10 tháng 2 Âm lịch, người dân trong vùng tổ chức lễ cúng Quý Xuân (hay còn gọi cúng đình) tại An Khê đình để tỏ lòng biết ơn với các bậc thần linh và những bậc tiền hiền, hậu hiền có công khẩn hoang lập làng, từ đó gửi gắm khát vọng và ước muốn của mình về một cuộc sống bình yên, no đủ ở vị Thành hoàng làng, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
HUỲNH BÁ TÍNH

Có thể bạn quan tâm