Thời sự - Bình luận

"Trảm tướng" Cảnh sát Biển: Muối mà không mặn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Có lẽ, lần đầu tiên trong lịch sử của Đảng và Quân đội ta có một danh sách dài các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, cả đương chức và đã nghỉ hưu, bị các hình thức kỷ luật như với Ban Thường vụ Đảng uỷ Cảnh sát Biển Việt nhiệm kỳ 2015 - 2020 và một số cá nhân tướng lĩnh Cảnh sát Biển.
 

Lần đầu tiên, chỉ trong một vụ ngoài tập thể Ban thường vụ Đảng uỷ (BTVĐU), có tới 2 Trung tướng, 7 Thiếu tướng, 2 đại tá, 1 thiếu tá và cả 4/4 thiếu tướng Tư lệnh Vùng 1, 2,3,4 thuộc lực lượng Cảnh sát Biển (CSB) Việt Nam bị kỷ luật bằng các hình thức khác nhau. Con số tướng tá nói trên nhiều đến nỗi khi công bố họ tên, quân hàm, chức vụ trong Thông báo của Ủy ban Kiếm tra Trung ương và trong Quyết định của Ban Bí thư, nhiều người có cảm giác ù cả tai và thật sự chóng mặt theo đúng nghĩa đen của từ này.

Có thể mọi sự so sánh đều là khập khiễng, tuy nhiên vẫn phải đề cập để phần nào thấy mức độ nghiêm trọng trong sai phạm của tập thể BTVĐU và các cá nhân lãnh đạo, quản lý, trong đó có nhiều người đứng đầu của lực lượng cảnh sát rất quan trọng trên vùng biển của Tổ quốc trong một nhiệm kỳ công tác.

Chẳng hạn, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với bom rơi, đạn nổ, chiến tranh khốc liệt, chưa có một sĩ quan cấp tướng nào thuộc lực lượng Hải quân hy sinh, ấy vậy mà trong thời bình, chỉ vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà "mất" đi cả gần chục tướng lĩnh CSB Việt Nam. Nếu tính cả Cựu đô đốc, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến bị vào vòng lao lý, thì con số này vừa tròn một chục.

Số lượng sĩ quan cấp tướng nói trên bị kỷ luật gần bằng số cấp tướng trong quân đội ta được phong trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (10 tướng/12 tướng).

Lần đầu tiên, một Bộ tư lệnh lực lượng vũ trang còn non trẻ, với lịch sử hình thành mới hơn 20 năm (Cục Cảnh sát biển năm 1998, Bộ Tư lệnh CSB Việt Nam 2013) bị thi hành kỷ luật cả tập thể cấp ủy đảng và nhiều cán bộ sĩ quan đứng đầu, cả đương chức và nghỉ hưu, cho thấy rõ ràng cuộc chiến chống "giặc nội xâm" dường như ác liệt hơn cả chiến trường chống giặc ngoại xâm. Không một viên đạn, không khói lửa, vậy mà họ gục ngã, cả chùm, trước những cám dỗ vật chất của đời thường.

 

 Uỷ ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 7. Ảnh UBKTTƯ
Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 7. Ảnh UBKTTƯ


Những sai phạm rất nghiêm trọng của BTVĐU và một số tướng lĩnh CSB Việt Nam xảy ra vào giai đoạn 2015-2020, khi mà tình hình vùng biển nước ta diễn biến rất phức tạp, Đảng ta đang trong cao điểm xây dựng chỉnh đốn Đảng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, tiêu cực; khi chiếc "lò" đã được "nhóm" và "lửa cháy rừng rực"!  một số tướng lĩnh ngoài biển này nghĩ: "Củi được ngâm trong nước biển thì không thể bị đốt cháy?"

Chắc có nhiều người thắc mắc: "Ngoài biển có gì mà tham nhũng, tiêu cực nhiều thế nhỉ?"

Người am hiểu thì nói: Ngoài biển buôn lậu xăng dầu, than, hàng lậu đầy ra đấy. Cảnh sát biển cứ "lờ" đi một vài vụ thì có mà "ăn đủ!".

Khi nghe và đọc thông báo Quyết định kỷ luật của Ban Bí thư Trung ương thì hóa ra đó chỉ là một phần rất nhỏ trong sai phạm của các sĩ quan cấp tướng, cấp tá của CSB Việt Nam. Hoá ra môi trường công tác trên biển không chỉ có hải sản tôm cua cá. Rõ là "của đổ xuống biển" thì đố ai xuống đó xác minh, kiểm đếm? Các sĩ quan cấp tướng CSB Việt Nam nói trên đã thiếu ý thức tự giác, lợi dụng môi trường công tác, có nhiều sai phạm, tư lợi cá nhân, giống hệt như nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý "trên bờ" bị phát hiện, xử lý trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Ở môi trường công tác trên biển, các sĩ quan cấp tướng của CSB Việt Nam vừa bị kỷ luật, mỗi người có những sai phạm khác nhau nhưng chung quy đều không ngoài biểu hiện mà Đảng ta đúc kết.

Đó là buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Tư lệnh và các đơn vị trực thuộc có nhiều vi phạm các  quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng trong công tác quản lý, sử dụng tài chính; thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; mua sắm thiết bị kỹ thuật, vật tư, hàng hoá; đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Đó là vi phạm nghiêm trọng, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc khi ký ban hành một số văn bản quan trọng trong công tác trọng yếu; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiệp vụ và pháp luật, để xảy ra việc xử lý một số vi phạm không đúng quy định; báo cáo kết quả đánh giá năng lực nhà thầu đối với gói thầu mua sắm thiết bị không đúng quy định pháp luật, gây lãng phí ngân sách nhà nước; trong mua sắm vật tư, phê duyệt thanh, quyết toán xăng dầu nhưng thiếu kiểm tra, giám sát, dẫn đến gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước; vi phạm thuê phương tiện và đề nghị thanh toán, rút tiền từ ngân sách nhà nước; có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, tham nhũng, nhận hối lộ...

Những sai phạm của một số sĩ quan cấp tướng trong lực lượng CSB Việt Nam rất nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng xấu đến lực lượng làm công tác chấp pháp trên vùng biển, hải đảo, phên dậu của Tổ quốc, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

60 năm trước, ngày 15/3/1961 nhân dịp đến thăm bộ đội hải quân lần thứ hai, Bác Hồ nói: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó".  Người căn dặn các chiến sĩ Hải quân: "Bờ biển ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang".

Ngày nay, CSB Việt Nam có nhiệm vụ chính là kiểm tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật Việt Nam  và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để bảo vệ chủ quyền; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn; bảo vệ tài nguyên, phòng chống ô nhiễm môi trường; phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép và mua bán người, vận chuyển, mua bán trái phép hàng hoá, vũ khí, chất nổ, chất ma tuý, tiền chất và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Cùng với đó với tư cách là thành viên chính thức của Tổ chức Cảnh sát biển châu Á (HACGAM), CSB Việt Nam làm nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật và Điều ước quốc tế, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, hoà bình và ổn định trên các vùng biển.

Một trong những nhiệm vụ chính của các tướng lĩnh, sĩ quan CSB Việt Nam là kiểm tra, giám sát các hoạt động trên biển theo pháp luật Việt Nam. Nhưng hoạt động của lực lượng này thế nào khi không có sự giám sát của báo chí, người dân lại phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức trách nhiệm, sự gương mẫu, tinh thần tự giác rất cao của mỗi cán bộ, tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ.

Việc một số tướng lĩnh lực lượng CSB Việt Nam vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Bí thư Trung ương Đảng công khai, minh bạch là thể hiện cương quyết, thái độ nghiêm minh, không có vùng cấm, không ngại ảnh hưởng uy tín quốc tế, mà thể hiện quyết tâm làm trong sạch đội ngũ những người ở vị trí, lĩnh vực vô cùng quan trọng này.

Điều này thể hiện rằng, thà để "mất" một số tướng lĩnh còn hơn là để những con người này làm suy yếu đi một lực lượng kiểm tra, giám sát các hoạt động trên vùng biển Tổ quốc.

Người ta thường nói: "Đã là muối thì phải mặn, muối mà không mặn thì lấy gì làm muối?". Vì thế, sau vụ kỷ luật này, hy vọng mỗi thành viên CSB Việt Nam thật sự là "những hạt muối mặn" trong biển nước nhà.

 


https://danviet.vn/tram-tuong-canh-sat-bien-muoi-ma-khong-man-20211003153118463.htm

Theo Vũ Lân (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm