(GLO)- Hội thảo chia sẻ thực tiễn tốt trong điều hành kinh tế cấp tỉnh và kinh nghiệm xây dựng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và huyện, thị xã (DDCI) khu vực Tây Nguyên vừa diễn ra ngày 22-5 tại TP. Pleiku được coi là cơ hội để Gia Lai học hỏi kinh nghiệm trong việc triển khai Bộ chỉ số DDCI, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Nâng cao chất lượng điều hành, cải thiện môi trường kinh doanh
Đánh giá môi trường kinh doanh khu vực Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng qua kết quả xếp hạng PCI 2018, ông Đậu Anh Tuấn-Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nhận định: “Thời gian qua, chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh duy trì được đà cải thiện trên nhiều lĩnh vực, như chi phí không chính thức tiếp tục được cắt giảm, môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân đang dần bình đẳng hơn, thủ tục hành chính thay đổi theo hướng tích cực... Song vẫn cần tới những nỗ lực nhiều hơn để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, như: phải tăng cường công khai, minh bạch hơn nữa, nâng cao chất lượng lao động và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính sau đăng ký doanh nghiệp. Bên cạnh đó là cần chú ý tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dân doanh”.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: H.D |
Bị đánh giá là địa phương nhiều năm liền liên tục xếp nhóm chót bảng về gia nhập thị trường, chi phí không chính thức nhưng Hà Nội luôn là địa phương thuộc tốp đầu trong cải cách hoạt động đăng ký kinh doanh, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Ông Lê Văn Quân-Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội) chia sẻ: “Hà Nội đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh, triển khai mô hình Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện. Thành phố Hà Nội hiện là địa phương dẫn đầu cả nước trong công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua mạng với tỷ lệ 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đều được nộp qua mạng điện tử. Đặc biệt, với các giải pháp như: hỗ trợ tiếp cận tài chính, nghiên cứu cơ chế thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận Quỹ đổi mới sáng tạo Quốc gia, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hình thành và đẩy mạnh hoạt động của một số vườn ươm doanh nghiệp... doanh nghiệp Hà Nội đã có những bước phát triển không ngừng cả về số lượng và chất lượng với tốc độ tăng cơ học trung bình 9-12%/năm”.
Không phải ngẫu nhiên mà Quảng Ninh luôn là tỉnh dẫn đầu bảng xếp hạng PCI cả nước. Bà Vũ Thị Kim Chi-Tổ phó thường trực tổ Công tác PCI Quảng Ninh, Phó Trưởng ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) Quảng Ninh-cho biết: “IPA luôn theo sát từng bước của nhà đầu tư. Trước tiên là chủ động tiếp xúc, mời gọi và tạo cảm hứng cho nhà đầu tư. Chúng tôi đổi mới cách thức tiếp cận, xúc tiến đầu tư theo cách chủ động, chuẩn bị chi tiết dữ liệu thông tin về môi trường đầu tư tỉnh, phân tích danh sách các nhà đầu tư lựa chọn, tìm kiếm thị trường xúc tiến đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược. Đồng thời, chủ động gửi thư đến các nhà đầu tư lựa chọn để giới thiệu, cung cấp thông tin về Quảng Ninh, tạo cảm hứng gần gũi ban đầu. Sau đó, chúng tôi tiếp tục đeo bám nhà đầu tư thông qua hướng dẫn, hỗ trợ chăm sóc sau khi tiếp xúc ban đầu. Bên cạnh việc công khai minh bạch thủ tục, Quảng Ninh chú trọng nâng cao vai trò của các Hiệp hội Doanh nghiệp, triển khai hiệu quả DDCI và đẩy mạnh vai trò truyền thông”.
Cần nhanh chóng triển khai Bộ chỉ số DDCI
Bộ chỉ số DDCI được coi là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chỉ số PCI. Mục tiêu tổng thể của việc triển khai DDCI là thúc đẩy cải thiện chất lượng điều hành của các sở, ngành, huyện, thị xã tại mỗi tỉnh, thành phố, tạo động lực cải cách liên tục và đồng bộ giữa các ngành, các cấp nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch tại địa phương. DDCI xây dựng hình ảnh thân thiện và cầu thị của chính quyền các địa phương đối với cộng đồng kinh doanh. DDCI cung cấp cho lãnh đạo tỉnh, thành phố công cụ hiệu quả để giám sát và chỉ đạo cải thiện chất lượng điều hành đối với các sở, ngành, và huyện, thị. DDCI nhằm mục tiêu tạo ra kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến đối với chính quyền địa phương và các sở, ngành trong việc nâng cao chất lượng điều hành và cải thiện môi trường kinh doanh tại địa phương.
Việc triển khai Bộ chỉ số DDCI trong năm nay sẽ góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đức Thụy |
Bộ chỉ số DDCI được coi là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chỉ số PCI. DDCI lần đầu hình thành và đi vào thực tiễn từ năm 2013 tại tỉnh Lào Cai với điều tra đánh giá về các huyện, thị xã và đến năm 2014 có thêm Vĩnh Phúc và Kiên Giang thực hiện mở rộng ra cả các cấp sở, ngành. Từ đó đến nay, DDCI đang ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến cuối năm 2018, cả nước có 28 tỉnh, thành phố triển khai điều tra DDCI.
|
Là tỉnh triển khai DDCI từ rất sớm (năm 2015), Quảng Ninh rất coi trọng kết quả của bộ chỉ số này. Bởi lẽ: “Việc triển khai DDCI tại Quảng Ninh đã đem lại tác động lan tỏa hiệu quả đến thái độ và hành động của từng sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị phòng, ban trực thuộc theo hướng tích cực. Kể từ khi xây dựng và triển khai đánh giá DDCI, mức độ quan tâm và chủ động tham gia của các sở, ban, ngành thuộc tỉnh đối với DDCI nói riêng và đối với công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nói chung đã có những chuyển biến rõ rệt qua từng năm. Đến nay, hầu hết các sở, ban, ngành và địa phương đều đã chủ động tổ chức hội nghị, hội thảo phân tích, đánh giá kết quả DDCI của cơ quan mình”-Phó Trưởng ban IPA Quảng Ninh cho hay.
Nói về kinh nghiệm triển khai DDCI, ông Hồ Anh Tuân-Trưởng phòng Thông tin-Đào tạo (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-chi nhánh Đà Nẵng) chia sẻ: “Quy trình triển khai phải đảm bảo tính minh bạch, không bên nào có thể can thiệp gây ảnh hưởng đến kết quả đánh giá và có khả năng truy xuất ngược đến từng khâu, từng công đoạn. Bảng câu hỏi nên dễ hiểu, đơn giản. Triển khai DDCI là cần thiết, nhưng hậu đánh giá DDCI càng quan trọng hơn, vì doanh nghiệp quan tâm tới những thay đổi sau đánh giá”.
“Cả nước hiện có 28 tỉnh, thành phố triển khai Bộ chỉ số DDCI, khu vực Tây Nguyên chưa có tỉnh nào. Riêng Gia Lai sẽ triển khai trong năm nay”-ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết. Là tỉnh đi sau, Gia Lai có lợi thế là học hỏi kinh nghiệm của những địa phương đi trước để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế. Cộng với quyết tâm của tỉnh, tin rằng việc triển khai Bộ chỉ số DDCI sẽ đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao vị trí PCI của tỉnh trên bảng xếp hạng.
HÀ DUY