(GLO)- Mô hình điểm kinh doanh thức ăn đường phố được triển khai trong tháng 11-2019 tại TP. Pleiku, thị xã An Khê và Ayun Pa. Việc triển khai và tiến tới nhân rộng mô hình này trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần tích cực trong công tác quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP).
Giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố gồm: thức ăn, đồ uống để ăn ngay, uống ngay bày bán cố định, có sử dụng một phần hoặc toàn bộ lề đường, hè phố, nơi công cộng hoặc những nơi tương tự. Các cơ sở kinh doanh này thường khó quản lý, giám sát vì không cố định, buôn bán nhỏ lẻ, tự phát. Chính vì vậy nên nguy cơ mất ATTP cao dẫn đến gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Việc triển khai mô hình điểm kinh doanh thức ăn đường phố sẽ giúp cải thiện và kiểm soát điều kiện ATTP đối với các cơ sở kinh doanh này, góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm; nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về ATTP của người kinh doanh và tiến tới nhân rộng mô hình này trên phạm vi toàn tỉnh. Tổng kinh phí triển khai mô hình điểm là trên 420 triệu đồng từ nguồn Chương trình mục tiêu y tế-dân số năm 2019.
Một điểm kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: N.N |
Theo Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh, mô hình điểm sẽ được triển khai tại phường Diên Hồng (TP. Pleiku), phường An Phú (thị xã An Khê) và phường Đoàn Kết (thị xã Ayun Pa). Mỗi đơn vị sẽ chọn 25 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố tham gia mô hình. Các cơ sở này sẽ được cấp phát tài liệu ATTP, hỗ trợ vật tư, trang-thiết bị như: tủ kính inox, bao tay ni lông, tạp dề, mũ chụp tóc, khẩu trang, thùng rác có nắp đậy… Phòng Y tế và UBND phường nơi triển khai chịu trách nhiệm quản lý, giám sát và tổng hợp báo cáo kết quả về Sở Y tế để có đánh giá tổng kết vào tháng 12-2019.
Người dân đồng thuận
Qua khảo sát, phường Diên Hồng-đơn vị được chọn triển khai mô hình điểm kinh doanh thức ăn đường phố tại TP. Pleiku-đã chọn 25 trong tổng số 49 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn tham gia mô hình. Các hộ được chọn đều đồng thuận và phấn khởi. Bà Trần Thị Kim Liên-bán cà phê ngay góc đường Lê Hồng Phong-Võ Thị Sáu-chia sẻ: “Tôi bán cà phê tại đây đã 20 năm nay. Thời gian bán từ 6 giờ đến 21 giờ; trung bình mỗi ngày từ 50 đến 70 ly cà phê. Khi được chọn triển khai mô hình điểm này, tôi ủng hộ ngay. Việc quán được hỗ trợ một số trang-thiết bị sẽ tạo thiện cảm và sự an tâm cho khách hàng. Mình làm tốt, đảm bảo ATTP thì khách mới đến, vì vậy tôi ý thức phải có trách nhiệm phối hợp và triển khai nghiêm túc, đúng quy định”.
Cũng bày tỏ sự đồng thuận, ông Trần Văn Bình-bán cơm tại Bến xe nhỏ (phường Diên Hồng)-cho biết: “Tôi bán cơm tại đây đã 4 năm, khách hàng chủ yếu là tài xế, khách vãng lai… Để khách lựa chọn đến ăn, chúng tôi không chỉ tính toán sao cho giá thành hợp lý, thức ăn ngon mà điều quan trọng là phải đảm bảo ATTP. Việc triển khai mô hình điểm đối với cơ sở tôi nói riêng và các cơ sở khác nói chung là rất thiết thực, tạo điều kiện cho người dân có chỗ buôn bán, địa điểm ăn uống hợp vệ sinh. Đến nay, chúng tôi đã được hỗ trợ một số vật dụng như găng tay, khẩu trang y tế, thùng rác có nắp đậy… và sắp tới sẽ được cấp tủ. Khi có đầy đủ các trang-thiết bị, tôi sẽ triển khai ngay và duy trì lâu dài”.
Tại thị xã Ayun Pa, các công tác liên quan đến việc triển khai mô hình điểm cũng đang được gấp rút triển khai. Ông Hồ Huỳnh Thiện Trung-Phó Trưởng phòng Y tế thị xã-thông tin: Kinh phí triển khai mô hình điểm cấp về địa phương là gần 140 triệu đồng. Đến nay, Phòng đã lập danh sách 25 hộ kinh doanh thức ăn đường phố tại phường Đoàn Kết, các hộ đều ủng hộ và nhất trí cao. “Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành cấp trang-thiết bị, phổ biến nội quy, kiến thức ATTP cho 25 hộ tham gia; đồng thời giám sát việc triển khai theo đúng quy định. Sau khi mô hình điểm phát huy hiệu quả, chúng tôi sẽ triển khai nhân rộng trên địa bàn trong thời gian tới”-ông Trung nói.
NHƯ NGUYỆN
-------------------
CHUYÊN ĐỀ CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA CHI CỤC AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM GIA LAI