Kinh tế

Nông nghiệp

Triển khai Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Việc Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 895/QĐ-TTg ngày 24-8-2024 phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ hội để các địa phương, trong đó có Gia Lai rà soát, đánh giá hiện trạng rừng và đất rừng nhằm phát triển kinh tế rừng theo hướng bền vững trong những năm tới. Tuy nhiên, việc triển khai quy hoạch này trong thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Nỗ lực giữ rừng

Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2023, Gia Lai có hơn 649.996 ha đất rừng, đứng đầu về diện tích ở khu vực Tây Nguyên và đứng thứ 4 cả nước. Trong đó, rừng tự nhiên khoảng 478.687 ha, rừng trồng 156.422 ha và rừng trồng chưa thành rừng 14.887 ha.

trien-khai-quy-hoach-lam-nghiep-quoc-gia-nhieu-vuong-mac-can-thao-go-dd-6272.jpg
Cây gỗ trắc mọc tự nhiên trong rẫy mì được người dân xã Lơ Pang (huyện Mang Yang) chăm sóc, bảo vệ. Ảnh: N.D

Ông Trương Thanh Hà-Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh-cho biết: Những năm gần đây, công tác trồng rừng được các địa phương, đơn vị chủ rừng quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm dần qua từng năm.

Hàng năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, tập trung tổ chức tuần tra, truy quét ở các khu vực rừng giáp ranh giữa Gia Lai với các tỉnh Bình Định, Kon Tum, Đắk Lắk, Phú Yên và khu vực biên giới, quyết tâm không để hình thành “điểm nóng” vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Đồng thời, lực lượng Kiểm lâm tăng cường quản lý rừng đã giao khoán cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư các thôn, làng; phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 173 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 10 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Tang vật thu giữ gồm hơn 138 m3 gỗ, 161 ster và 84.520 kg củi; tịch thu 24 xe ô tô, 44 xe công nông, xe độ chế, 55 xe máy, 22 cưa xăng… Cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 100 vụ với 97 đối tượng vi phạm, xử lý hình sự 9 vụ. Tổng số tiền bán lâm sản tịch thu hơn 1,3 tỷ đồng.

co-quan-chuc-nang-kiem-tra-thuc-dia-rung-bang-may-dinh-vi-5439.jpg
Cơ quan chức năng kiểm tra thực địa rừng bằng máy định vị. Ảnh: Nguyễn Diệp

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh: Tuy số vụ vi phạm giảm nhưng tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn còn diễn biến phức tạp tại một số huyện như: Chư Prông, Đak Đoa… Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại gốc chưa hiệu quả, các chủ rừng chưa phát hiện, ngăn chặn kịp thời tình trạng người dân phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu rõ 7 nhóm giải pháp và 9 lĩnh vực Nhà nước ưu tiên hỗ trợ đầu tư như: chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất lâm nghiệp, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng sản xuất, kết cấu hạ tầng trồng rừng sản xuất, sản xuất giống cây rừng chất lượng cao, xây dựng mô hình liên kết sản xuất… Đây là một trong những hướng mở để xây dựng ngành lâm nghiệp phát triển bền vững trong những năm tới.

Theo ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Hiện nay, diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp đã tích hợp vào Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1750/QĐ-TTg ngày 30-12-2023 và Quyết định số 895/QĐ-TTg ngày 24-8-2024 là 714.597 ha, chiếm 46,7% tổng diện tích tự nhiên.

Trong đó, diện tích đất có rừng là 649.996 ha gồm: rừng tự nhiên 478.687 ha, rừng trồng 156.422 ha và rừng trồng chưa thành rừng 14.887 ha. Đất rừng phòng hộ là 150.375 ha, đất rừng đặc dụng 82.208 ha và đất rừng sản xuất 482.014 ha. Tuy nhiên, số liệu diện tích đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong 2 quyết định trên có sự chênh lệch 14.887 ha, cần phải điều chỉnh lại.

Bên cạnh đó, bản đồ quy hoạch hiện trạng rừng; quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và sơ đồ định hướng phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp do Bộ Nông nghiệp và PTNT cung cấp cho các địa phương là bản đồ cấp tỉnh.

2luc-luong-kiem-lam-tinh-dien-tap-phong-chong-chay-rung-nam-2024-4809.jpg
Lực lượng Kiểm lâm tỉnh diễn tập Phòng chống cháy rừng năm 2024. Ảnh: N.D

Do đó, để cụ thể hóa hệ thống bản đồ quy hoạch đến cấp huyện, xã và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh theo Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần có nguồn kinh phí đo đạc, xác định ranh giới và hoàn chỉnh bản đồ theo quy định.

Cũng theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Hiện nay, quy định về cấp có thẩm quyền ký xác nhận các bản đồ quy hoạch 3 loại rừng các cấp còn chưa rõ ràng. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần sớm ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 31/2018/TT-BNNPTNT.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng cần sớm hoàn thiện kế hoạch triển khai Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để hướng dẫn các địa phương lập kế hoạch thực hiện.

Có thể bạn quan tâm