Thời sự - Sự kiện

Triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-

Sáng 30-7, tại Hà Nội, Chính phủ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai một số luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế và đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành.

Quang cảnh Hội nghị quán triệt, triển khai một số luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV tại điểm cầu tỉnh Gia Lai.Ảnh: R.H
Quang cảnh Hội nghị quán triệt, triển khai một số luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV tại điểm cầu tỉnh Gia Lai.Ảnh: R.H

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Chính phủ xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm và tập trung thực hiện đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện thể chế đến tổ chức thi hành pháp luật. Xác định đầu tư cho công tác xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển; hoàn thiện thể chế để khơi thông, thúc đẩy các đột phá khác.

Tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XV đã thông qua số lượng lớn các luật, nghị quyết, trong đó có nhiều luật, nghị quyết quan trọng như: Luật Đất đai, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; các nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù dành cho một số tỉnh, thành phố…

Các đại biểu tham dự Hội nghị quán triệt, triển khai một số luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV tại điểm cầu tỉnh Gia Lai.Ảnh: R.H
Các đại biểu tham dự Hội nghị quán triệt, triển khai một số luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV tại điểm cầu tỉnh Gia Lai.Ảnh: R.H

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo khái quát các nội dung: tình hình tổ chức triển khai thi hành một số luật, nghị quyết được Quốc hội Khóa XV thông qua; triển khai thi hành Nghị quyết số 129/2024/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; thực hiện Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27-6-2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng-chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; công tác triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng; một số nội dung trọng tâm và chuẩn bị nguồn lực cho công tác triển khai thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Thủ đô….

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm cao, nỗ lực cao, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm để từ đó kiểm tra, đôn đốc. Đồng thời, làm công tác khen thưởng kịp thời, xử lý trách nhiệm đảm bảo rõ ràng, công minh, dân chủ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tập trung thực hiện "5 đẩy mạnh" gồm: Đẩy mạnh xây dựng luật đảm bảo tiến độ đề ra; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn để nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện trong quá trình xây dựng pháp luật; đẩy mạnh công tác rà soát hệ thống hóa, pháp điển hóa; đẩy mạnh cơ chế phân cấp, phân quyền hợp lý, phù hợp, khả thi, có hiệu quả trong công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật một cách hấp dẫn, mạch lạc để dân biết, dân hiểu, dân làm và dân hưởng ứng.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần rà soát những vấn đề khó khăn, vướng mắc cấp bách trong quá trình thực thi pháp luật, tổng hợp gửi về Chính phủ để nghiên cứu, đề xuất Quốc hội ban hành quy định phù hợp. Bám sát các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể để triển khai từng luật, nghị quyết đã thông qua một cách hiệu quả. Quán triệt các đường lối, chủ trương của Đảng liên quan đến công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật. Tăng cường công tác quán triệt, phổ biến, giới thiệu đến người dân, doanh nghiệp và các chủ thể có liên quan. Siết chặt kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động của đội ngũ công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, tăng cường chuyển đổi số về thủ tục hành chính.

Có thể bạn quan tâm