Điểm đến Gia Lai

Triển vọng mô hình trồng sâm Bố Chính tại Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kết quả bước đầu của mô hình trồng thử nghiệm cây sâm Bố Chính do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) thực hiện đã mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.
Cây sâm Bố Chính được đánh giá phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng huyện Krông Pa nên sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: Vũ Chi

Cây sâm Bố Chính được đánh giá phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng huyện Krông Pa nên sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: Vũ Chi

Nhận thấy nhu cầu sử dụng dược liệu để chế biến các thực phẩm chức năng phục vụ sức khỏe của người dân ngày càng cao, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Krông Pa đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng cây dược liệu ở nhiều địa phương. Tại tỉnh Bình Định, Trung tâm được “mục sở thị” quy trình trồng, chăm sóc và chế biến dược liệu từ cây sâm Bố Chính của Công ty TNHH sâm Bố Chính Tâm Linh (thị xã An Nhơn). Đây là loại sâm rất dễ trồng, kinh phí đầu tư thấp, ít bị sâu bệnh hại, sản phẩm dược liệu chế biến từ hoa, rễ, củ sâm được thị trường ưa chuộng vì có nhiều công dụng.

Trên cơ sở đó, tháng 8-2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đưa cây sâm Bố Chính về trồng thử nghiệm trên diện tích 2.000 m2 trong vườn ươm của Trung tâm. Mô hình có tổng kinh phí hơn 156 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp khuyến nông, bảo vệ thực vật và thú y năm 2023. Công ty TNHH sâm Bố Chính Tâm Linh cam kết cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Sau 5 tháng triển khai, cây sâm Bố Chính được đánh giá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, cây sinh trưởng, phát triển tốt, không cụt ngọn, ít sâu bệnh. Cây cao từ 7-10 cm và đã cho thu hoạch lứa hoa, lá đầu tiên. Ông Âu Thành Trung-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Krông Pa cho hay: Sâm Bố Chính là cây dược liệu có vị ngọt, tính mát, phong phú về hàm lượng dinh dưỡng và hoạt chất. Rễ, củ sâm Bố Chính mang lại tác dụng tuyệt vời trong y học như điều trị được bệnh suy nhược cơ thể, ho, viêm phế quản, nóng sốt, làm đẹp da. Hoa, lá sâm phơi khô làm trà giúp hạ nhiệt, giảm mỡ máu hay gan nhiễm mỡ, huyết áp. Đây cũng là nguồn rau xanh giàu dinh dưỡng cho bữa ăn hàng ngày. Sau 3 tháng trồng, cây sâm có thể cho thu hoạch hoa, lá và khoảng 1 năm sẽ cho thu hoạch rễ, củ với trọng lượng khoảng 6 cây/kg. Với giá bán 2 triệu đồng/kg hoa khô, 150.000 đồng/kg rễ, củ, sau khi trừ chi phí, mỗi sào sẽ cho thu nhập từ 12-15 triệu đồng.

Là nhân công chăm sóc diện tích sâm Bố Chính trồng thử nghiệm, ông Nguyễn Mạnh Tùng đánh giá: So với các cây trồng truyền thống tại địa phương, cây sâm Bố Chính dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh. Từ khi xuống giống đến nay, cây chỉ xuất hiện rầy nâu rải rác. Khi thấy có biểu hiện bệnh thì phun thuốc sinh học diệt mầm bệnh để tránh lây lan. Cây sâm Bố Chính phù hợp với chân đất cát pha, thoát nước tốt nên cần làm luống, tránh củ bị úng vào mùa mưa. Có thể dùng màng phủ nông nghiệp hoặc rơm, rạ phủ quanh gốc để giảm cỏ dại, tiết kiệm công chăm sóc. Đặc biệt, đây là cây dược liệu nên quy trình sản xuất cần sử dụng hoàn toàn các loại phân hữu cơ, thuốc sinh học để diệt mầm bệnh, đảm bảo sản phẩm thu hoạch tuyệt đối an toàn với người tiêu dùng.

Sau 5 tháng trồng, cây sâm Bố Chính đã cho thu hoạch 1 lứa hoa, lá và đang trong thời gian phát triển củ. Ảnh: Vũ Chi

Sau 5 tháng trồng, cây sâm Bố Chính đã cho thu hoạch 1 lứa hoa, lá và đang trong thời gian phát triển củ. Ảnh: Vũ Chi

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Krông Pa khẳng định: Qua theo dõi và kiểm tra, cây sâm Bố Chính hiện tại đang trong quá trình phát triển củ. Khi đạt thời gian 12 tháng, củ sẽ tích trữ được lượng dược chất đạt hàm lượng yêu cầu là có thể thu hoạch. Ưu điểm lớn nhất là sản phẩm thu hoạch có Công ty TNHH sâm Bố Chính Tâm Linh cam kết thu mua toàn bộ nên người dân hoàn toàn yên tâm về đầu ra, không lo ngại bị thương lái ép giá như một số cây trồng khác.

Mô hình trồng sâm Bố Chính là hướng đi phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển cây dược liệu của huyện Krông Pa, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Trên cơ sở đó, khi thu hoạch, Trung tâm sẽ tổ chức hội thảo để đánh giá mô hình cũng như để tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng sâm Bố Chính để nhân rộng mô hình, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho nông dân.

Có thể bạn quan tâm