(GLO)- Hồ thủy lợi Ia Mơr đang trong giai đoạn hoàn tất các hạng mục phụ trợ cuối cùng. Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, dòng nước mát từ công trình này sẽ mở ra triển vọng phát triển cây lúa nước cho bà con xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai).
Công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr có diện tích mặt nước 2.864 ha. Hiện tại, hệ thống kênh chính với chiều dài 35 km của dự án đang được gấp rút hoàn thành. Hệ thống kênh này hoàn thiện sẽ phát huy hiệu quả toàn bộ dự án hồ thủy lợi khi cung cấp nước tưới cho khoảng 12.500 ha lúa, hoa màu và cây công nghiệp của huyện Chư Prông và huyện Ea Súp (tỉnh Đak Lak).
Hồ thủy lợi Ia Mơr đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa nước. Ảnh: P.L |
Ông Trần Quốc Toàn-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr-cho biết: “Công trình thủy lợi Ia Mơr rất được người dân trông chờ bởi lợi ích mà nó đem lại. Công trình sẽ phục vụ nước sản xuất và giúp khai phá nhiều tiềm năng nông nghiệp của vùng đất này. Khi công trình đưa vào sử dụng, diện tích sản xuất nông nghiệp sẽ được mở rộng, cây trồng sẽ đa dạng hóa, kéo theo nhiều dịch vụ phục vụ nông nghiệp... Trong số các loại cây trồng có khả năng mở rộng diện tích thì triển vọng phát triển cây lúa nước là khả quan nhất”.
Hiện tại, toàn xã Ia Mơr có hơn 200 ha lúa nước, tập trung ở cánh đồng làng Ring. Diện tích còn lại nằm rải rác ở các thung lũng, vùng trũng. Nhờ chủ động nguồn nước và người dân có kinh nghiệm sản xuất, diện tích lúa nước ở cánh đồng làng Ring luôn đạt năng suất khá cao, trung bình 4,5 tấn/ha. Nước tưới cho khoảng 50 ha lúa ở cánh đồng làng Ring được bơm từ suối Mơ. Dù vậy, nhiều năm qua, lượng nước phục vụ sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết nên năm đủ, năm thiếu.
Tận dụng nguồn nước tưới thuận lợi, gia đình anh Phạm Văn Hiển (làng Ring) trồng lúa nước từ năm 2008. Mỗi năm, gia đình anh trồng 5-7 ha lúa nước. Nhờ nắm vững kỹ thuật canh tác nên ruộng lúa của gia đình anh luôn cho năng suất 5-6 tấn/ha. Anh Hiển chia sẻ: Trong số 100 hộ dân làng Ring có khoảng 50 hộ trồng lúa nước. So với các làng khác trên địa bàn xã, người dân làng Ring có kinh nghiệm trồng lúa nước lâu năm. Việc trồng lúa nước giúp cho bà con đảm bảo được lương thực, có thêm thu nhập. Dù vậy, bà con cũng còn khó khăn khi nguồn nước không ổn định. Những năm hạn hán, diện tích lúa nước giảm đáng kể. Vì vậy, người dân rất mong chờ công trình thủy lợi Ia Mơr nhanh chóng được đưa vào sử dụng, giải quyết vấn đề nước tưới một cách căn cơ để yên tâm sản xuất.
Theo tính toán, diện tích trồng lúa nước ở thung lũng Ia Mơr có thể mở rộng lên 3.000-4.000 ha. Hiện tại, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vẫn còn thói quen canh tác lạc hậu, manh mún, khó cơ giới hóa. Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr chia sẻ thêm: “Chúng tôi vận động bà con gieo trồng đúng mùa vụ, sản xuất tập trung và áp dụng cơ giới để rút ngắn thời gian lao động, tăng năng suất. Ngoài ra, xã cũng phối hợp với các ban, ngành, cơ quan chuyên môn mở lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước cho bà con. Hy vọng rằng khi thủy lợi Ia Mơr được đưa vào sử dụng, bà con sẽ nhanh chóng tiếp cận, phát huy lợi ích mà công trình đại thủy nông này đem lại, đặc biệt là phát triển sản xuất lúa nước, từ đó từng bước thay đổi tập quán canh tác, nâng cao đời sống”.
Phương Vi