Xã hội

Gia đình

Trở thành nơi nương tựa vững chãi cho trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tổ ấm có cuộc trao đổi ngắn với ThS tâm lý Nguyễn Bảo Ân, người sáng lập Dear Mind, nhiều năm kinh nghiệm làm việc với trẻ tự kỷ, như một tư vấn nhỏ cho phụ huynh quanh việc chăm sóc con trẻ với những vấn đề đặc biệt không chỉ của riêng con.

 

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN
Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN



* Thạc sĩ có thể chia sẻ những thách thức trong môi trường học đường trẻ tự kỷ gặp phải và khắc phục những khó khăn đó như thế nào?

- Những suy kém cụ thể về chứng tự kỷ ở từng trẻ cũng chính là những khó khăn, thách thức đối với trẻ trong môi trường học đường. Ví dụ về những suy kém trong tương tác xã hội, trong trường học có rất nhiều những thay đổi, thách thức về mặt giao tiếp, tương tác xã hội, trong lớp như thế nào, sân chơi như thế nào... buộc trẻ phải thích nghi tất cả những điều như vậy, mà như thế là thách thức vô cùng lớn đối với trẻ tự kỷ.

Bên cạnh những khó khăn xuất phát từ bản thân đứa trẻ, còn có những khó khăn khác từ môi trường xã hội, ví dụ như chính sách dành cho trẻ tự kỷ trong môi trường học đường, các giáo viên vì lý do này hay lý do khác chưa thể chăm sóc được cho trẻ, và thiếu sự đồng cảm, thấu hiểu từ bạn bè về những biểu hiện mang tính tự kỷ ở trẻ.

Để khắc phục những thách thức trên, các bậc phụ huynh cần thông báo cho nhà trường về tình trạng của trẻ, để nhà trường, giáo viên, phụ huynh, bạn bè có thể hiểu, đồng cảm, đồng hành cùng trẻ để giúp trẻ thích nghi, và giúp chúng ta thích nghi với trẻ.

* Trẻ tự kỷ cũng còn được gọi là trẻ đặc biệt, anh cho biết trẻ đặc biệt là như thế nào?

- Hiện tại có nhiều định nghĩa về trẻ đặc biệt. Nhưng chúng ta có thể hiểu trẻ đặc biệt là những trẻ có khó khăn về học tập, về trí tuệ, về cơ thể, về cảm xúc... và những trẻ như vậy đòi hỏi cần phải có một chương trình giáo dục đặc biệt cho những khó khăn của trẻ.

- Ở một số nơi những trẻ có khả năng, thành tích vượt trội hơn so với trung bình chung nhóm trẻ cùng tuổi ở một mức độ đáng kể cũng được xếp vào nhóm trẻ "đặc biệt". Những trẻ như vậy được gọi là trẻ "tiềm năng cao", "trẻ tài năng"... và cần một chương trình giáo dục đặc biệt cho trẻ nhưng đây lại là một câu chuyện khác.

* Vậy thạc sĩ có lời khuyên nào với phụ huynh khi có con tự kỷ nói riêng và trẻ đặc biệt nói chung?

- Điều đầu tiên tôi muốn chia sẻ đó chính là các bậc phụ huynh không nên mặc cảm về con em của mình có những vấn đề, suy kém, "đặc biệt". Tâm lý mặc cảm sẽ khiến chúng ta mệt mỏi, áp lực khi đối diện, dấn thân đồng hành cùng với con em của mình.

- Điều thứ hai, tôi nghĩ trong thời đại hiện nay những kiến thức về trẻ tự kỷ, trẻ đặc biệt rất nhiều và sự tiếp cận những thông tin như vậy khá dễ dàng, điều này giúp phụ huynh có được thông tin nhưng đôi khi lại khiến cho bản thân phụ huynh bị quá tải trước thông tin. Do đó phải lựa chọn những nguồn thông tin đáng tin cậy. Các bậc phụ huynh cần trở thành "chuyên gia" về vấn đề của con em mình để có thể hiểu và đồng hành với trẻ.

Điều cuối cùng tôi muốn gửi gắm đó chính là chăm sóc bản thân thật tốt để thích nghi được với con em, và trở thành nơi nương tựa vững chãi cho trẻ.


 



Tự kỷ, rối loạn phổ tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh. Trẻ tự kỷ sẽ có những suy kém về giao tiếp xã hội và tương tác xã hội. Bên cạnh đó, trẻ cũng sẽ có những vấn đề về hành vi như những hành động lặp đi lặp lại, những sở thích cứng nhắc, hứng thú hướng về đồ vật hơn là đối với con người, một số trẻ sẽ có những vấn đề về cảm giác. Mỗi trẻ sẽ có mức độ khó khăn riêng của mình.
 

ThS NGUYỄN BẢO ÂN


Theo LƯU ĐÌNH LONG thực hiện (TTO)

Có thể bạn quan tâm