Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Trở về nhà sau 39 năm được coi là liệt sĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Nguyễn Duy Phổ vừa được một phụ nữ là ân nhân đưa từ Campuchia về quê nhà sau 39 năm được cho là đã hy sinh.
Năm 1978, ông Nguyễn Duy Phổ vừa tròn 20 tuổi, mới cưới vợ được hai tháng thì xung phong lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày ra đi, ông dặn vợ và năm đứa em: “Hoàn thành nghĩa vụ anh sẽ trở về”.
Mấy năm sau, khi chiến trường biên giới và ở Campuchia đã im tiếng súng thì ở quê nhà vẫn không nhận được tin tức của ông Phổ. Người thân nghĩ rằng ông Phổ đã hy sinh ở chiến trường. Nào ngờ…
Trùng phùng sau 42 năm xa cách
“Năm 1985, gia đình nhận được giấy báo tử báo anh Phổ hy sinh vào ngày 1/1/1981. Ngày chính quyền địa phương làm lễ truy điệu liệt sĩ Nguyễn Duy Phổ, em gái và vợ anh Phổ vì quá thương anh như hóa điên, hóa dại, hất đổ cả hoa và lễ” - ông Nguyễn Duy Sinh (em trai ông Phổ) nói. Họ tên liệt sĩ Nguyễn Duy Phổ được khắc lên Nghĩa trang liệt sĩ huyện Quỳnh Lưu (nay là Nghĩa trang liệt sĩ Quỳnh Lưu - Hoàng Mai, Nghệ An).
Là phụ nữ với nhau, bà Lê Thị Thơi (mẹ của ông Phổ) gạt nước mắt bảo con dâu nên đi bước nữa. Bà Nguyễn Thị Ngạn - vợ ông Phổ về ở với bố mẹ đẻ và chờ ông, không lấy chồng. Nhiều năm sau, bà làm mẹ đơn thân, nuôi một con gái cho có mẹ có con.
Hằng năm, người thân của ông Phổ đều thắp hương, cúng giỗ cho ông vào ngày 1/1, ngày theo giấy báo tử và Bằng Tổ quốc ghi công.
Vừa qua, bà Châu Thị Bích Huệ (An Giang) đưa ông Phổ từ Campuchia trở về quê nhà ở khối 14 (phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An).
Mẹ ông Phổ năm nay đã bước sang tuổi 89, mắt đã đục mờ, thốt lên: “Phổ! Lâu nay mẹ vẫn làm giỗ cúng cho con”. Người cha của ông Phổ chờ con trong vô vọng đã ra đi.
Ngày trùng phùng, mẹ, con, anh em ôm nhau khóc nức nở. Lau nước mắt, ông  Phổ nói: “Những lúc xa nhà, con nhớ mẹ nhất!”…
Xóm giềng, anh em hay tin đã kéo đến chật nhà để tận mắt xem “liệt sĩ trở về quê nhà”. Bàn thờ liệt sĩ Nguyễn Duy Phổ được hạ xuống.
 
Ông Nguyễn Duy Phổ trong vòng tay của mẹ ở quê nhà. Ảnh: Đắc Lam
Nữ ân nhân
Theo bà Châu Thị Bích Huệ (trú xã Vĩnh Châu, Châu Đốc, An Giang), ở Campuchia, ông Phổ đã có vợ con nhưng hoàn cảnh vợ chồng ông Phổ khó khăn. Gia đình có nuôi một con ngựa đi chở thuê. Con trai của ông Phổ đã nghỉ học để đi làm.
Kể lại hành trình tìm kiếm người thân cho ông Phổ, bà Huệ nói: “Tôi có cô ruột tên là Cô Ba Chét - lấy chồng ở Campuchia. Năm 1979, khi chiến tranh, anh Phổ bị trúng đạn găm vào đầu rồi rơi xuống khe nước, ngất xỉu. Cô Ba Chét phát hiện anh Phổ rồi đưa anh về nhà cứu chữa.
Lúc đó tôi mới 15 tuổi đang ở với Cô Ba Chét. Hai cô cháu gắp mảnh đạn trên đầu anh Phổ ra rồi cạo trọc tóc, băng bó lại. Lúc đó do thiếu thuốc men, đến bảy tháng sau anh Phổ mới lành vết thương trên đầu nhưng lại bị mất trí nhớ. Cô Ba Chét nhận anh Phổ làm con nuôi, đặt tên là Hùng, trình báo cơ quan chức năng ở Campuchia làm giấy tờ tùy thân cho anh ấy. Rồi tôi lấy chồng về An Giang sinh sống. Cô Ba Chét mất vào năm 1995”.
Mãi đến năm 2012, bà Huệ mới có dịp trở lại Campuchia gặp lại ông Phổ. Ông bày tỏ ý định muốn về quê ở Quỳnh Xuân, Nghệ Tĩnh. Bao nhiêu lá thư ông Phổ viết ra cho bà Huệ gửi bưu điện nhưng đều bị trả lại vì không rõ địa chỉ.
Qua nhiều cơ duyên, ông  Phổ cũng tìm được về nơi chôn nhau cắt rốn.
Bà Huệ đưa ông Phổ qua cửa khẩu Long Bình (An Giang) rồi về Bến xe Miền Đông (TP.HCM) bắt xe đò ra Nghệ An. Em trai ông Phổ và bà Huệ đã làm tường trình báo cáo sự việc trên lên UBND phường Quỳnh Xuân và cơ quan chức năng.
Làm lại chế độ, chính sách
Ông Vũ Văn Từ, Chủ tịch UBND phường Quỳnh Xuân, cũng đã có công văn báo cáo sự việc lên cấp trên.
Ông Từ cho biết: “Danh sách liệt sĩ tại phường Quỳnh Xuân, ông Nguyễn Duy Phổ sinh năm 1958, nhập ngũ tháng 11/1978 với chức vụ chiến sĩ, đơn vị 444.A TP.HCM; nguyên quán xã Quỳnh Xuân, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ Tĩnh. Ông Nguyễn Duy Phổ tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, giúp đỡ nước bạn chống Pol Pot. Năm 1985, Ban chỉ huy quân sự Nghệ Tĩnh gửi giấy báo tử về cho gia đình ông Phổ đã hy sinh ngày 1/1/1981. Nhưng do ảnh hưởng ở đầu, ông Phổ bị mất trí nhớ nên không nhớ rõ quê quán cụ thể, chỉ nhớ xã Quỳnh Xuân”.
Ông Võ Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy thị xã Hoàng Mai, cho biết: “Chúng tôi đã cử cán bộ xuống gia đình ông Phổ thăm hỏi, động viên và phối hợp cơ quan chức năng xác minh để làm các thủ tục giấy tờ, quyền lợi cho ông Phổ”.
Ông Hoàng Ngọc Châu, Trưởng phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, thông tin: “Tôi vừa nhận được báo cáo sự việc của UBND thị xã Hoàng Mai sáng 25/2 và tôi sẽ báo cáo lên Bộ LĐ-TB&XH về trường hợp ông Phổ. Trước mắt, sở sẽ phối hợp chính quyền địa phương thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công đã cấp, cắt chế độ, chính sách mà người thân của ông Phổ đang được hưởng. Về xem xét giải quyết chế độ thương binh cho ông Phổ thì ông Phổ phải xuất trình, cung cấp được hồ sơ chứng nhận ông bị thương để có cơ sở xem xét”. 

Dân Việt (Theo Đắc Lam/Pháp luật TP.HCM)

http://danviet.vn/tin-tuc/tro-ve-nha-sau-39-nam-duoc-coi-la-liet-si-1062215.html

Có thể bạn quan tâm