Ông Hai Hỷ, năm nay 97 tuổi, được xem là một trong số nhân chứng sống hiếm hoi từ những năm tháng Khởi nghĩa Nam kỳ đến Cách mạng Tháng Tám lịch sử và Quốc khánh 2.9.1945 của vùng đất anh hùng Bà Điểm - Hóc Môn.
Ông Hai Hỷ hồi ức những ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, khi ở tuổi 97 ẢNH: ĐÌNH PHÚ |
“Sài Gòn có một ngoại ô anh hùng” - như lời Giáo sư sử học, nhà nghiên cứu Trần Văn Giàu (năm 1943, ông được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám ở miền Nam và được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ) lúc sinh thời, đó chính là quê hương 18 thôn vườn trầu Bà Điểm - Hóc Môn. Nơi đây từng nổi danh là “vành đai đỏ” khởi phát những cuộc khởi nghĩa vũ trang tiến vào nội thành Sài Gòn, gắn liền những mốc son lịch sử của công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.
Ông Hai Hỷ (tên thật là Trương Thành Hỷ ở làng Tân Thới Tứ những năm thập niên 30, 40 thế kỷ 20, nay là ấp Nam Thới, xã Thới Tam Thôn, H.Hóc Môn, TP.HCM) là người con ưu tú của vùng ngoại ô anh hùng ấy, đã một đời sống trọn nghĩa nước non.
Ông Hai Hỷ thời tham gia kháng chiến ẢNH: TƯ LIỆU |
Vành đai đỏ
Là cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin H.Hóc Môn, anh Nguyễn Văn Lực có thâm niên 25 năm gắn bó với công tác văn hóa ở địa phương. Nhiều năm qua, anh Lực kiêm nhiệm thuyết trình viên di tích dinh quận Hóc Môn (trước đây là nơi ở của Quận trưởng Hóc Môn thời chính quyền thực dân; nay là Nhà bảo tàng H.Hóc Môn, được công nhận xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993, tọa lạc trong khuôn viên trụ sở UBND H.Hóc Môn). Trên đường dẫn chúng tôi đến nhà cụ Hai Hỷ, anh Lực chia sẻ với tâm thế tự hào: “Tía Hai là “của hiếm” của quê hương Bà Điểm - Hóc Môn. Hầu hết nhân chứng lịch sử của những ngày Cách mạng Tháng Tám của 75 năm trước đều đã về trời hết rồi”.
Ròng rã đi cùng đoàn quân giải phóng trong suốt những năm kháng chiến với vinh dự cá nhân từng được tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý, mãi đến ngày thống nhất non sông 30.4.1975, ông Hai Hỷ mới gặp lại vợ và gia đình.
Theo hồi ức của ông Hai Hỷ, trong ngày trọng đại ấy, khi các cánh quân gặp nhau trước Dinh Độc Lập, các đội quay phim chia nhau đi ghi lại nhiều hình ảnh đẹp của tình quân dân. Người chiến khu và người thành phố gặp nhau chuyện trò vui vẻ. Trong đội quay phim của ông Hai Hỷ có người lâu nhất gần 30 năm, người ít nhất cũng 10 - 15 năm xa các ông bà, cô bác, thân hữu ở Sài Gòn…
Ông Hai Hỷ sống thanh đạm cùng một người con nuôi trên chính mảnh đất của gia đình để lại từ mấy mươi năm trước. “Tía Hai ơi! Tía Hai, con Lực nè”, anh Lực kêu lớn khi chúng tôi đến trước cửa nhà, và chân tình: “Tôi xưng hô là tía (bố) - con không à. Cả cuộc đời tía tham gia kháng chiến, khi về hưu thì tham gia công tác Hội Cựu chiến binh huyện. Nhiều năm làm việc gần gũi, thành ra thân tình lắm. Trước đây, tía còn hay đùa: “Hay là tụi bây thuê tía làm thuyết trình viên đi, tía kể chuyện kháng chiến cho lũ nhỏ nghe…”.
Thật ra ông Hai Hỷ thích “gánh” thêm nhiệm vụ thuyết trình viên lịch sử, là bởi chính ông khi còn thanh thiếu niên đã cùng mẹ (liệt sĩ Trương Thị Mừng, hy sinh vào năm 1953 - thời kháng chiến chống Pháp) tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ lịch sử (đêm 22 - rạng sáng 23.11.1940) cho đến những ngày tham gia lật đổ chính quyền tay sai (tháng 8.1945), và suốt cả những năm tháng kháng chiến đến ngày thống nhất đất nước (30.4.1975). Theo lời kể của ông Hai Hỷ, từ giai đoạn 1936 - 1939, với nhiều cơ sở cách mạng trung kiên, địa thế thuận lợi nên Bà Điểm - Hóc Môn được Trung ương chọn làm căn cứ để lãnh đạo phong trào cách mạng. Những vị lãnh đạo tiền bối của Đảng như Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn… về đây hoạt động. Chính vì vậy, Bà Điểm - Hóc Môn được xem là “cái nôi” của Khởi nghĩa Nam kỳ, và cũng là một trong những địa bàn quyết liệt nhất của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định cùng cả nước làm Cách mạng Tháng Tám thành công rực rỡ.
Chỉ vết sẹo trên vầng trán vẫn còn hằn sâu qua năm tháng, ông Hai Hỷ nhớ lại: “Rạng sáng 25.8.1945, hàng vạn người dân Bà Điểm - Hóc Môn và các làng phía tây Gò Vấp dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Gia Định, tổ chức thành nhiều đoàn biểu tình, mỗi đoàn đều có cờ đỏ búa liềm, cờ đỏ sao vàng hô vang các khẩu hiệu: “Chính quyền về tay Việt Minh!”, “Việt Nam độc lập muôn năm!”... Tôi được phân công cầm cờ đi giành chính quyền. Đoàn mà tôi tham gia, khi ngang qua bót Tân Bình (bấy giờ thuộc tỉnh Tân Bình) đã quyết liệt treo cờ cách mạng. Khi ấy có nổ súng, viên đạn xuyệt qua trán tôi… Chính trong ngày ấy, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thành công, người dân Bà Điểm - Hóc Môn, vùng 18 thôn vườn trầu sung sướng, tự hào nhìn lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trước dinh quận Hóc Môn”.
Một đời quân ngũ hào hùng
Từ lúc tuổi còn đôi mươi, tinh thần hy sinh, đồng lòng, chung sức vì đại cuộc luôn thôi thúc trong tâm trí ông Hai Hỷ. Những ngày Cách mạng Tháng Tám, khi tròn tuổi 21, ông nhận nhiệm vụ Bí thư Thanh niên cứu quốc quận Hóc Môn. Để bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc, ông tích cực tham gia phong trào Nam bộ kháng chiến (khởi phát từ 23.9.1945), sau đó chính thức nhập ngũ, chinh chiến khắp các chiến trường ở miền Nam cũng như lúc tập kết ra Bắc... Theo lời kể của ông Hai Hỷ, cả đời quân ngũ của ông là lo đảm trách nhiệm vụ chụp ảnh, quay phim khắp các chiến trường, từng làm Giám đốc Xưởng phim Quân Giải phóng; riêng nhiệm vụ làm trinh sát thăm dò, nắm tình hình địch chỉ kéo dài trong 3 năm đầu.
Lịch sử ngành điện ảnh ghi nhận ông Hai Hỷ trong thời gian tham gia kháng chiến đã quay đến 3 vạn mét phim. Nhắc đến kỷ lục này, ông Hai Hỷ cười: “Lúc trước có nhiều anh em bảo tôi sao mày quay phim chiến trường có tên có tuổi mà không thấy phim nào được chiếu rộng rãi gì hết trọi. Tôi cũng chỉ nói cho qua chuyện là đâu có gì đâu, tên tuổi bị “nhốt” trong kho tư liệu hết rồi”. Thật ra, khi nhận công tác tại Điện ảnh Quân đội, ông Hai Hỷ chủ yếu quay phim tư liệu mật về các hoạt động tiến lên chính quy và chi viện miền Nam của quân đội ta. Giữa năm 1963, từ đất Bắc (đi tập kết) lên đường vào Nam (đi chiến trường B2) nhận nhiệm vụ ở đơn vị mang mật danh B8, ông Hai Hỷ vừa làm phim tư liệu vừa phụ trách đào tạo quay phim, chụp ảnh, chiếu bóng... Những phim tư liệu (mật) đầu tiên ông làm ở thời kỳ này như Hội nghị Trung ương Cục Miền Nam, đại tướng Nguyễn Chí Thanh trao cờ quyết thắng cho Đoàn pháo binh Biên Hòa...
Vì bệnh tuổi già, ông Hai Hỷ nằm viện điều trị kéo dài hàng tháng và vừa trở về nhà ở Thới Tam Thôn. Khi nghe anh Lực gọi: “Tía Hai ơi! Tía Hai...”, ông vẫn tự mình ra mở cửa ngõ. Ở tuổi 97, ông vẫn có sức khỏe lạ thường, giọng nói tròn rõ, đầy lực, vẫn đọc báo, nghe radio, dùng điện thoại di động… Hỏi bí quyết sống khỏe mạnh, ông cười: “Mỗi ngày tôi đều đi 2 loại xe, một là đi xe đạp, hai là đi xe mẹc”. Hóa ra, “xe mẹc” mà ông đi là chiếc khung đỡ bằng inox 4 chân mà khi gân cốt không “sung”, ông dùng để tập đi lui đi tới trong nhà. Còn xe đạp thì được ông nhờ độ lại thành 3 bánh, và ông thường xuyên tự đạp xe ra con lộ phía trước nhà để rèn luyện thể lực.
Chuyện trò cùng ông Hai Hỷ, mới biết sức bền của ông không chỉ nhờ… xe đạp, “xe mẹc” mà ông sử dụng những năm về già. Từ năm 1962, trước khi vào chiến trường B2, ông đã miệt mài tập luyện cùng lính bộ binh ở Sư đoàn 338 trên đất Bắc để vượt Trường Sơn vào Nam.
Khi ấy, ông Hai Hỷ tập trung luyện tập mang vác ngày đêm liên tục trong 3 tháng, tập leo đèo lội suối với chiếc ba lô gạch thẻ, lúc đầu chỉ 6 - 7 viên, sau nâng dần 20 - 30 viên. Bản thân ông tự thấy mình không phải là lính bộ binh, trang bị của mình là máy, phim nhựa về đến B2 có thể bắt tay vào làm việc được ngay. Xác định tự mang vác nặng hơn và phải luyện tập nhiều hơn, nên khi được nghỉ phép về đơn vị để chuẩn bị tư trang, trong lúc ở Hà Nội chờ đợi mua máy quay…, ông vẫn tranh thủ đem chiếc ba lô đầy gạch về giấu phía sau kho tư liệu để luyện tập cho đến ngày lên đường. Khi cân kiểm tra lúc lên đường, toàn bộ hành lý của ông nặng hơn hành lý của lính bộ binh 15 kg. Và với số phim và máy quay ông mang theo, đủ cho hoạt động của 2 đội làm phim tư liệu trên chiến trường B2.
Theo Đình Phú (Thanh Niên)