Thời sự - Bình luận

Trọng liêm sỉ để ngăn chặn tham nhũng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sự kiện nổi bật cuối tuần qua là Hội nghị đánh giá kết quả công tác đấu tranh phòng-chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Bài phát biểu dài 75 phút của người đứng đầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống tham nhũng cho thấy, cuộc đấu tranh đầy cam go này đã mang lại những hiệu quả vô cùng to lớn. Không chỉ là việc thu hồi tài sản cho đất nước mà điều quan trọng là chúng ta rút ra được nhiều bài học về giữ gìn kỷ cương phép nước, xây dựng bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch vững mạnh, không phụ lòng tin yêu của nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng-Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống tham nhũng phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Trong giai đoạn 2013-2020, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng Trung ương đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ, trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng được nâng lên rõ rệt (nếu như năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10% thì bình quân giai đoạn 2013-2020 đạt 32,04%).

Đó là một khối lượng công việc khổng lồ, nếu không có quyết tâm cao độ của những người làm công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng, hẳn là chúng ta không thể làm được. Nói như vậy là bởi vì trước đó, chúng ta không thiếu những quy định pháp luật về phòng-chống tham nhũng, chúng ta cũng từng có Ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng từ Trung ương đến địa phương nhưng rồi đâu lại vào đấy, tham nhũng vẫn tồn tại, ẩn nấp ở nhiều địa phương, lĩnh vực, gây bức xúc trong dư luận, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.  

Chưa có nhiệm kỳ Đại hội Đảng nào mà số lượng cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, khởi tố nhiều như nhiệm kỳ 2015-2020. Không phải vì nhiệm kỳ này có nhiều cán bộ hư hỏng mà là họ đã hỏng từ lâu rồi. Chỉ có điều là vì nhiều lý do mà những khuyết điểm, sai phạm đó không ai phát hiện, thậm chí là còn được các nhóm lợi ích dùng thủ đoạn che giấu, đánh bóng tên tuổi, hà hơi tiếp sức giúp họ luồn sâu, leo cao vào bộ máy lãnh đạo. Khó ai ngờ có những người từng được xem như người hùng đổi mới, là anh hùng trên mặt trận phòng-chống tội phạm... nhưng rồi chính họ lại ngã ngựa ngay trên chính mặt trận mà mình từng lập công, bởi họ đã không vượt qua được sự cám dỗ của vật chất và quyền lực, đã bị hạ gục bởi “viên đạn bọc đường”.

Hơn 131 ngàn đảng viên bị kỷ luật trong 8 năm qua. Riêng từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, cả nước có hơn 87 ngàn đảng viên bị kỷ luật. Trong đó, trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (gồm 4 Ủy viên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 27 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Riêng nhiệm kỳ 2015-2020 này, có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (gồm 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...).

Điều đó cho thấy, siết chặt kỷ luật Đảng, tăng cường thực thi pháp luật là yếu tố cơ bản để cảnh báo, ngăn chặn hành vi tham nhũng. Cùng với đó là xây dựng và hoàn thiện cơ chế để “không dám tham nhũng và không thể tham nhũng” như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác đấu tranh phòng-chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020. Mọi hành vi, mọi đối tượng tham nhũng đều phải bị pháp luật trừng trị, không ai được ngoại lệ, không có vùng cấm, không có chuyện hạ cánh an toàn.

Ở đâu có quyền lực thì ở đó có tham nhũng. Vì vậy, khó có thể loại bỏ hoàn toàn tham nhũng nhưng có thể ngăn chặn, tiêu diệt tệ nạn tham nhũng ở mức cao nhất có thể nếu chúng ta có quyết tâm chính trị cao, hành động mạnh mẽ, đồng thời xây dựng được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để ngăn chặn, răn đe, trừng trị nghiêm khắc tội phạm tham nhũng. Đặc biệt, cần phát huy tính nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc góp phần gìn giữ hình ảnh của Đảng trong lòng dân. Nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chức càng cao, quyền càng lớn thì càng phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng.
 

ĐÌNH CƯƠNG

Có thể bạn quan tâm