Tốt nghiệp đại học công nghệ thông tin, nhưng Nguyễn Vũ Phong (30 tuổi, ngụ ấp Tân Lộc, xã Lâm Tân, H.Thạnh Trị, Sóc Trăng) lại quyết định khăn gói về quê khởi nghiệp.
Anh Phong thu hoạch tiêu |
Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, anh Phong đã áp dụng thành công mô hình trồng cây hồ tiêu trên vùng đất phèn mặn, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Anh Phong kể ban đầu biết kế hoạch của mình sẽ trồng hồ tiêu trên thửa đất phèn mặn của gia đình, cha mẹ kiên quyết phản đối vì cây hồ tiêu chỉ phù hợp ở vùng đất cao, còn đất ở Thạnh Trị là đất phèn, trũng, hồ tiêu nào chịu nổi.
Nhiều người dân ở địa phương cho rằng “khùng” mới đi trồng hồ tiêu ở đất ngập nước này. Tuy nhiên, do đã tìm hiểu rất kỹ về kỹ thuật trồng cây hồ tiêu ở nhiều nơi nên Phong “gác” ngoài tai lời xì xầm của nhiều người. Anh Phong năn nỉ cha mẹ cho anh trồng thử nghiệm, nếu thất bại sẽ chuyển sang mô hình khác. Qua nhiều lần thuyết phục, anh Phong được cha mẹ đồng ý để thực hiện ước mơ khởi nghiệp của mình.
Anh Phong quyết định trồng thêm tràm, sau 4 tháng cây tràm lớn mới trồng cây hồ tiêu, chỉ mấy tháng sau, hồ tiêu đã bám vào cây tràm, phát triển xanh tốt. Từ 200 gốc ban đầu, hiện anh Phong đã đầu tư, mở rộng diện tích lên đến 25.000 m2, phát triển trên 3.500 gốc hồ tiêu, trong đó có 2.000 gốc đã cho thu hoạch.
Sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi năm anh Phong có nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng. Theo anh Phong, sắp tới chắc chắn sẽ thu nhập cao hơn nhiều lần vì hàng ngàn gốc hồ tiêu khác đã trưởng thành, bắt đầu ra trái. Hiện số trụ tiêu của anh Phong đã được 2 - 3 năm tuổi, bắt đầu cho thu hoạch.
Nói về kỹ thuật trồng hồ tiêu, anh Phong cho biết trước hết là khâu cải tạo đất, lên liếp, sau đó trồng tràm với mật độ 2 m/cây. Sau khi tràm lớn bằng bắp tay sẽ trồng tiêu và chỉ sử dụng phân chuồng bón cho cây. Với kỹ thuật này, tràm trở thành trụ cho tiêu leo, ngoài ra tán cây tràm còn che mưa che nắng cho tiêu. Chi phí đầu tư cho mỗi trụ tiêu chỉ khoảng 70.000 đồng, chỉ cần bán 1 kg tiêu là lấy lại vốn.
Trần Thanh Phong (thanhnien)