Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Trung Quốc cần tôn trọng lợi ích hợp pháp của Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nêu quan ngại trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông gần đây; đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông...
 
Tàu hải cảnh 37111 của Trung Quốc hộ tống tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam ở Trường Sa hồi tháng 10.2019 ẢNH: NGƯ DÂN CUNG CẤP
Tàu hải cảnh 37111 của Trung Quốc hộ tống tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam ở Trường Sa hồi tháng 10.2019 ẢNH: NGƯ DÂN CUNG CẤP

Sáng 21.7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến Phiên họp lần thứ 12 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc.

Hai bên nhất trí cho rằng kể từ sau Phiên họp lần thứ 11 (9.2018) đến nay, quan hệ Việt - Trung về tổng thể duy trì xu thế phát triển tích cực. Hợp tác thương mại tuy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng vẫn tăng trưởng 4,5% trong 6 tháng đầu năm. FDI (đầu tư nước ngoài) của Trung Quốc tại Việt Nam năm 2019 có bước tăng trưởng lớn.
Nhiều quốc gia kêu gọi không quân sự hóa Biển Đông
Trong các hội nghị Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN và với các đối tác, tối 20.7, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, trong vai trò nước Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Quan chức cao cấp các nước tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS).
Tham dự hội nghị có các quan chức cao cấp, Thứ trưởng Ngoại giao của các nước ASEAN, các đối tác EAS gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ, và Phó tổng thư ký ASEAN.
Về tình hình Biển Đông, các nước đều bày tỏ quan ngại về diễn biến trên thực địa gần đây, ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình, an ninh và thượng tôn pháp luật trong khu vực; nhấn mạnh cần thúc đẩy đối thoại và tăng cường xây dựng lòng tin, kiềm chế không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình, không quân sự hóa, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Các nước kêu gọi ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và nỗ lực sớm hoàn tất xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, được cộng đồng quốc tế công nhận.
Dù vậy, hợp tác giữa hai nước vẫn còn một số vấn đề tồn tại như: nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc; một số dự án do Trung Quốc đầu tư, nhận thầu ở Việt Nam và việc triển khai các khoản vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Việt Nam tiến triển còn chậm. Bàn về hợp tác tương lai, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư phát triển bền vững.
Hai bên đã trao đổi toàn diện về vấn đề biên giới lãnh thổ. Về biên giới trên đất liền, hai bên đánh giá tình hình cơ bản ổn định, quản lý tốt đường biên, mốc giới và các cặp cửa khẩu, thúc đẩy hoạt động kinh tế biên giới.
Về vấn đề trên biển, hai bên ghi nhận những kết quả đạt được của 10 cuộc đàm phán liên quan phân định và hợp tác cùng phát triển trên biển được tiến hành từ sau Phiên họp lần thứ 11 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương đến nay; ghi nhận các thành quả về hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Hai bên đã trao đổi thẳng thắn về tình hình trên biển thời gian qua và những điểm còn khác biệt về vấn đề trên biển.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nêu quan ngại trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông gần đây; đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung cấp cao và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982; thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển đạt kết quả thực chất; thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC; thúc đẩy đàm phán COC sớm đạt kết quả thực chất. 
Theo Vũ Hân (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm