Thời sự - Sự kiện

Trung Quốc hạn chế khai thác và xuất khẩu khiến thị trường đất hiếm càng khan hiếm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trung Quốc hạn chế khai thác và xuất khẩu đất hiếm đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy giá lên cao. Các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng, dễ bị ảnh hưởng bởi những gián đoạn này do họ phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc.
Hoạt động khai thác đất hiếm ở Trung Quốc. Ảnh: Global Times

Hoạt động khai thác đất hiếm ở Trung Quốc. Ảnh: Global Times

Theo mạng tin Oilprice.com ngày 6/9, Trung Quốc, với vị thế là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới, đang thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác và xuất khẩu khoáng sản quan trọng này, gây ra những gián đoạn lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy giá cả lên cao.

Những biện pháp này không chỉ làm ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp năng lượng xanh mà còn tạo ra thách thức nghiêm trọng cho các công ty quân sự Mỹ vốn phụ thuộc vào đất hiếm từ Trung Quốc.

Chỉ số kim loại hàng tháng (MMI) của đất hiếm đã tăng 8,66% sau khi giảm đều đặn từ tháng 5 năm nay, với các thành phần chính như neodymium và terbium oxide đảo ngược xu hướng giá.

Trung Quốc, quốc gia chiếm khoảng 90% sản lượng đất hiếm tinh chế toàn cầu, đã thắt chặt quy định về khai thác và xuất khẩu, gây ra những biến động lớn trên thị trường. Tỉnh Giang Tây, trung tâm sản xuất đất hiếm của Trung Quốc, đã tiến hành chiến dịch kéo dài bốn tháng để trấn áp các hoạt động khai thác bất hợp pháp, góp phần đẩy giá đất hiếm lên cao trong ngắn hạn.

Các nguyên tố như neodymium, praseodymium và dysprosium là thành phần quan trọng của nam châm được sử dụng trong xe điện, tua bin gió, và nhiều thiết bị công nghệ cao khác. Việc Trung Quốc giảm hạn ngạch sản xuất đất hiếm và các quy định nghiêm ngặt làm gia tăng căng thẳng cung-cầu, dự đoán thị trường chuyển từ thặng dư sang thâm hụt vào cuối năm 2024.

Các biện pháp hạn chế đất hiếm của Trung Quốc đặc biệt ảnh hưởng đến ngành quốc phòng Mỹ, nơi các công ty như Raytheon và Lockheed Martin sử dụng đất hiếm cho máy bay chiến đấu, radar và hệ thống tên lửa. Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhiều lần cảnh báo về những hậu quả tiềm ẩn của việc phụ thuộc quá nhiều vào đất hiếm từ Trung Quốc, thúc đẩy các nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung.

Để ứng phó, các doanh nghiệp Mỹ mở rộng mạng lưới nhà cung cấp của mình sang các quốc gia khác như Australia, Brazil và Canada, những nơi có trữ lượng đất hiếm lớn. Chính phủ Mỹ cũng khuyến khích sản xuất đất hiếm trong nước.

Nhật Bản gọi đất hiếm là "hạt giống của công nghệ". Bộ Lao động Mỹ thì gọi là "kim loại công nghệ". Loại đất này đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới, được coi là "vũ khí" của Trung Quốc.

Từ chiếc điện thoại mới mua, những con chip trong chiếc máy tính bạn sử dụng hàng ngày cho tới trong những bóng đèn led chiếu sáng trong ngôi nhà bạn, và nói xa xôi hơn có thể kể đến những chiếc xe điện hoặc sử dụng động cơ hybrid bạn có ý định sở hữu trong tương lai (nếu bạn là một người có ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường)… tất cả đều liên quan đến đất hiếm.


Có thể bạn quan tâm