(GLO)- Năm 2010, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai bắt đầu tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp (TCTN) cho lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Từ đó đến nay, Trung tâm đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm triển khai hiệu quả chính sách này.
Đảm bảo an sinh xã hội
Theo ông Trần Thanh Hải-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, nhiệm vụ của Trung tâm là tiếp nhận hồ sơ, sau đó trình Sở Lao động-Thương binh và Xã hội ra quyết định hưởng TCTN cho người lao động; đồng thời, tư vấn, giới thiệu việc làm mới, hỗ trợ học nghề cho người lao động. Sau 10 năm thực hiện chính sách BHTN, toàn tỉnh hiện có 65.800 người tham gia. Tất cả lao động thất nghiệp đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nộp hồ sơ hưởng TCTN đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí và hỗ trợ học nghề.
Tư vấn chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh: Đ.Y |
Ông Hải chia sẻ: Mục tiêu của chính sách BHTN là đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ lao động bị thất nghiệp học nghề, tìm việc làm mới chứ không đơn thuần là chi trả TCTN. Do đó, khi được giao nhiệm vụ, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách này, điển hình là đưa vào thực hiện một số mô hình như “Tổ tiếp xúc người lao động”, “Một điểm đến”. Đây cũng là mô hình mẫu của Trung tâm được Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) triển khai rộng rãi đến hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước. Ngoài ra, Trung tâm còn thành lập thêm 2 điểm giao dịch BHTN tại cụm thị xã An Khê và huyện Chư Sê nhằm giúp người lao động hưởng chính sách BHTN tiết kiệm thời gian đi lại, giảm thủ tục hành chính, giải quyết nhanh mọi nhu cầu để sớm trở lại thị trường lao động, ổn định cuộc sống. 10 năm qua, Trung tâm đã tiếp nhận 23.735 hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách BHTN; trong đó, 22.875 người được hưởng TCTN đều được tư vấn việc làm miễn phí, 672 người được giới thiệu việc làm mới và 72 lao động được học nghề.
Chị Nguyễn Thị Thúy An (xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) làm công nhân cho một công ty gỗ dân dụng trên địa bàn huyện được hơn 4 năm rồi nghỉ việc. Sau đó, chị An tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nộp hồ sơ để được hưởng TCTN 6 tháng. Nhờ sự tư vấn của Trung tâm, chị An đã tìm được việc làm mới, có thu nhập ổn định. “Hiện tại, tôi đang làm việc cho một cơ sở chụp ảnh ở TP. Pleiku, thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng, được hỗ trợ ăn trưa nên cuộc sống cũng ổn”-chị An nói.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHTN
Để chính sách BHTN tiếp tục phát huy hiệu quả, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHTN với nhiều hình thức. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết đơn vị thường xuyên phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh rà soát các đối tượng thuộc diện tham gia BHTN; đề nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo thực hiện thông báo biến động lao động của các doanh nghiệp để tham gia BHTN cho người lao động. Trung tâm cũng tiếp nhận và giải quyết hưởng BHTN theo phương châm “3 đúng” gồm: đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn; tăng cường các giải pháp tích cực để tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp. Trung tâm còn chú trọng thông tin về thị trường lao động, vị trí việc làm còn trống để hỗ trợ người thất nghiệp tìm việc làm; tổ chức có hiệu quả hoạt động sàn giao dịch việc làm; xúc tiến các biện pháp theo dõi và phát hiện sai phạm, trục lợi BHTN để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
“Thời gian tới, Trung tâm đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sửa đổi và bổ sung kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách BHTN như: mở rộng điều kiện để người lao động dễ dàng tiếp cận chế độ hỗ trợ đào tạo; bổ sung thêm các khoản hỗ trợ khác ngoài mức hỗ trợ học nghề; xem xét điều chỉnh mức đóng BHTN”-ông Hải nhấn mạnh.
ĐINH YẾN