Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai: Nhiều hệ lụy do thiếu đầu vào

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Năm học 2019-2020, Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Gia Lai tiếp tục gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh khi chỉ tuyển được 93 sinh viên so với chỉ tiêu là hơn 300. Thực trạng đáng buồn trên khiến nhiều giảng viên của trường phải đi biệt phái, chuyển công tác hoặc xin nghỉ việc sớm.
Gặp khó trong tuyển sinh
Trường CĐSP Gia Lai được thành lập năm 1979. Đây là ngôi trường có bề dày lịch sử và góp công lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Nhà trường có chức năng đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, THCS chính quy ở 2 hệ: trung cấp, cao đẳng; mở các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, tiếng Jrai và liên kết với các trường đại học trong cả nước mở các lớp hệ vừa học vừa làm, cao học. 
Từ năm 2017 đến nay, Trường CĐSP Gia Lai rơi vào cảnh thiếu vắng người học. Số lượng sinh viên đăng ký học tại trường cứ giảm dần theo từng năm. Năm học 2019-2020, nhà trường dự kiến tuyển hơn 300 chỉ tiêu hệ chính quy nhưng chỉ tuyển được 93 sinh viên. Không đủ số lượng sinh viên, nhà trường buộc phải tạm dừng đào tạo giáo viên THCS hệ chính quy. Ông Ngô Võ Thạnh-Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐSP Gia Lai-cho hay: “Năm học 2019-2020, nhà trường chỉ mở được 3 lớp chính quy gồm: lớp trung cấp mầm non với 30 sinh viên; lớp cao đẳng mầm non với 31 sinh viên và lớp cao đẳng tiểu học với 32 sinh viên. Trường chỉ tuyển đủ chỉ tiêu hệ trung cấp mầm non, còn các chỉ tiêu khác thì không đủ. 2 năm nay, nhà trường tạm dừng các ngành đào tạo giáo viên THCS vì không tuyển sinh được”.
 Trường CĐSP Gia Lai hiện đang gặp khó do tuyển không đủ chỉ tiêu. Ảnh:internet
Trường CĐSP Gia Lai hiện đang gặp khó do tuyển không đủ chỉ tiêu. Ảnh:internet
Năm học mới đã bắt đầu được hơn 1 tháng nhưng Trường CĐSP Gia Lai vẫn khá đìu hiu, vắng vẻ. Giảng đường vắng bóng sinh viên. Khu ký túc xá cũng tương tự. “3 năm nay, trường gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh hệ chính quy. Vì có sự thay đổi trong việc nâng chuẩn trình độ đại học đối với giáo viên tiểu học và THCS nên học sinh không đăng ký học hệ cao đẳng nữa”-bà Nguyễn Thị Thu Hà-Phó Hiệu trưởng Trường CĐSP Gia Lai-cho biết.
Giảng viên lo lắng
Trường CĐSP Gia Lai có 105 cán bộ, giảng viên, nhân viên. Trong số này, 96 giảng viên có trình độ từ cử nhân đến tiến sĩ. Do trường gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, nhiều giảng viên lâm vào tình cảnh thiếu việc làm. Một số giảng viên phải xin nghỉ hưu, chuyển cơ quan hay làm thêm việc khác để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản cử 28 giảng viên Trường CĐSP Gia Lai đi biệt phái, thời gian từ nửa năm đến hết 1 năm học. Họ được điều động về giảng dạy tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh, có người phải dạy ở trường cách TP. Pleiku 140 km.
Mới đây, chúng tôi có dịp trò chuyện với một số giảng viên Trường CĐSP Gia Lai. Đa phần các thầy cô đều cảm thông, chia sẻ với nhà trường trong giai đoạn khó khăn này. Tuy nhiên cũng có không ít người hoang mang trước thực trạng trên. Họ cho rằng công tác dự nguồn cán bộ cho trường chưa được chú trọng dẫn đến việc thiếu lãnh đạo quản lý, bởi khi Hiệu trưởng và 1 Phó Hiệu trưởng nghỉ hưu thì nhà trường chỉ còn 1 Phó Hiệu trưởng quản lý chung. Họ cũng bức xúc trước việc hơn 2.000 tiết dư giờ của giảng viên từ năm học 2016-2017 chưa được thanh toán vì Kiểm toán kết luận không hợp lệ trong việc chi trả dù việc dư giờ là hoàn toàn đúng. Số tiền thanh toán chỉ mới dừng ở mức 200 triệu đồng. 
“Một số giảng viên bị xáo trộn về mặt tư tưởng và buồn cho thực trạng của trường. Nhiều thầy-cô giáo cũng cảm thấy có cái gì đó cay đắng khi nhận quyết định biệt phái đến trường khác với tâm thế là bị dôi dư, phải đi dạy để có lương chứ không phải để giúp nơi đó phát triển. Những người chưa phải đi biệt phái trong đợt này cũng lo lắng cho tương lai. Có những người đã dạy hơn 20 năm, nếu phải đi dạy ở huyện xa, cuộc sống gia đình sẽ bị ảnh hưởng”-ông Chu Thanh Dũng-Trưởng khoa Xã hội Trường CĐSP Gia Lai-chia sẻ. 
Tính đến ngày 30-9, nhiều giảng viên biệt phái đã đến trường mới nhận nhiệm vụ. Cũng có giảng viên quyết định không đến trường mới nhận nhiệm vụ mà sẽ viết đơn xin nghỉ việc. Điển hình là giảng viên H.Đ.T-Khoa Thể dục-Nhạc họa. “Tôi dạy ở trường gần 10 năm. Những năm đầu, công việc ổn nhưng về sau khó khăn nên tôi phải làm thêm nhiều nghề khác kiếm sống. Khoa tôi có 4 người đi biệt phái. Tôi được phân công về dạy ở Trường THPT Plei Me (xã Ia Ga, huyện Chư Prông), cách thành phố khoảng 70 km. Tôi sẽ viết đơn xin nghỉ việc vì nhiều lý do. Ngoài chuyện lương thấp mà phải đi xa, một số việc làm thêm của tôi và cả chuyện gia đình cũng bị ảnh hưởng”-thầy T. bộc bạch.       
Theo Phó Hiệu trưởng nhà trường thì tình trạng hiện tại của trường đã ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của giảng viên và nhân viên, đặc biệt là giảng viên biệt phái. Nhà trường đang đề xuất các giải pháp để khôi phục lại vị thế và tạo công việc ổn định cho giảng viên. “Việc phát triển mô hình trường cao đẳng theo hướng như cũ là không còn phù hợp mà phải có sự thay đổi. Có nhiều cách thay đổi, một là làm phân hiệu hoặc cơ sở của trường đại học nào đó, hai là lập đề án thành lập trường THCS-THPT chất lượng cao, tự chủ về mặt tài chính. Hiện phương án 2 là tối ưu nhất, chúng tôi đã trình đề án và đang chờ tỉnh phê duyệt”-bà Hà cho biết thêm.
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm