Phóng sự - Ký sự

Truyền thanh cơ sở: Ký ức khó quên - Kỳ 1: Chuyện ở Chư Sê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Phát thanh là ngành mà nhu cầu xã hội không bao giờ có điểm kết, luôn tồn tại và phát triển không ngừng. Hiện nay, dù báo hình, báo điện tử, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ thì phát thanh vẫn đóng vai trò rất quan trọng.

Để minh chứng cho điều đó, tôi xin kể lại vài chuyện khó quên về hệ thống truyền thanh ở cơ sở.

Năm 1993, tôi được Tỉnh ủy điều động về công tác ở huyện Chư Sê, một trong những huyện có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển thuộc tốp đầu của tỉnh, nhưng tình hình an ninh, chính trị thì khá phức tạp. Bọn phản động FULRO ngấm ngầm xây dựng cơ sở và hoạt động chống phá chính quyền dưới vỏ bọc là “Tin lành Đê ga”.

Cùng với đó, một số phần tử lợi dụng tôn giáo tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về tư tưởng, chính trị của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa đến được nhiều với người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào theo đạo.

(Ảnh minh họa, nguồn suckhoedoisong)

(Ảnh minh họa, nguồn suckhoedoisong)

Khi ấy, Chư Sê là một trong những huyện có diện tích tự nhiên khá lớn, dân số đông, nhiều đơn vị hành chính cấp xã (22 đơn vị khi chưa chia tách huyện Chư Pưh). Điều kiện giao thông đi lại khó khăn, thông tin truyền thông chưa phát triển. Các phương tiện truyền thông như báo in, các loại tạp chí và tài liệu tuyên truyền còn rất thiếu. Bởi vậy, không có phương tiện truyền thông nào phục vụ công tác tuyên truyền có thể tốt hơn “phương tiện nghe”, mà truyền thanh có dây và không dây là hiệu quả nhất.

Nhưng trên thực tế lúc bấy giờ, hệ thống loa truyền thanh có dây và không dây ở cơ sở vì không đủ người làm nhiệm vụ chuyên môn và kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa đường dây và thiết bị nên cơ sở vật chất của hệ thống truyền thanh của địa phương ngày càng xuống cấp, hư hỏng, lạc hậu. Mặt khác, nhiều cán bộ, nhân viên xem nhẹ công tác tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, không ít người cho rằng khi đó đã có các phương tiện nghe nhìn phát triển, nhất là truyền hình nên loa truyền thanh, phát thanh đã lạc hậu; vì thế mà không chú ý có kế hoạch đầu tư, cải tạo, nâng cấp thiết bị, đường dẫn và nhân sự.

Trước tình hình đó, người viết bài này đã trực tiếp chỉ đạo khảo sát, kiểm tra lại công tác tuyên truyền nói chung và hệ thống truyền thanh của địa phương, cả về thiết bị, nhân sự làm công tác này và chương trình nội dung các buổi truyền thanh, tiếp sóng. Công việc ấy, không ít người cho rằng không cần thiết, nhưng với cương vị lãnh đạo một địa phương, tôi vẫn quyết định triển khai cho cán bộ chuyên môn cấp dưới thực hiện.

Cùng với đó là làm việc với ngành chức năng của tỉnh. Khi đó anh Trần Liễm-Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh; anh Trần Chớ-Phó Giám đốc Đài rất ủng hộ và giúp đỡ cho huyện vô điều kiện về vật chất và chuyên môn. Các anh đã cấp trang-thiết bị bổ sung và đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp các hệ thống truyền thanh đã có và làm mới ở những nơi chưa có hệ thống truyền thanh.

Song song với truyền thanh có dây, xây dựng một số điểm truyền thanh không dây-phát thanh FM, chúng tôi đã xuất kinh phí của địa phương đầu tư cho phương tiện vật chất như máy ghi âm, máy quay phim, hệ thống âm ly-micro. Đồng thời, chỉ đạo cải tiến nội dung, xen kẽ với tiếp sóng chương trình thời sự của các đài quốc gia, đài tỉnh và tự sản xuất các chương trình của địa phương sát với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của bà con nông dân.

Chư Sê khi đó có 2 xã vùng sâu, vùng xa, không những chỉ khó khăn về vật chất, mà đời sống tinh thần của người dân cũng trong tình trạng thiếu thốn. Đó là xã Ia Ko và xã Ayun. Ayun là xã được di dời từ lòng hồ thủy lợi Ayun Hạ đến vị trí định cư mới, đời sống bà con ở đây khó khăn vô cùng, không ít hộ còn bị đói giáp hạt.

Cùng với việc tập trung đầu tư hạ tầng sản xuất, giúp người dân khai hoang, sản xuất, từng bước giảm bớt khó khăn, huyện đầu tư xây dựng 2 trạm truyền thanh cho 2 xã. Riêng cá nhân tôi còn tặng Bí thư Đảng ủy xã Ayun Đinh Brớ chiếc radio. Khi về làm việc ở xã, tôi nghe anh Brớ kể, nhờ có trạm truyền thanh, có đài thu thanh mà anh biết được nhiều tin tức, còn bà con các làng thì rất phấn khởi được nghe đài hàng ngày, nhất là buổi truyền thanh tiếng dân tộc Jrai, Bahnar của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh. Còn Chủ tịch UBND xã Ia Ko Pui Bok thì vui mừng nói: “Cảm ơn huyện đã cho cái tai của bà con được nghe những điều tốt đẹp trong xã hội mình”.

Cùng khi đó, đội ngũ những người làm công tác văn hóa-thông tin cũng được củng cố và tăng cường. Những cán bộ tâm huyết được động viên và phát huy tinh thần trách nhiệm cao như anh Nguyễn Quang Trung (Trưởng phòng), chị Thùy Sinh (phóng viên)...

Động viên, giao nhiệm vụ cho UBND cấp xã duy trì thường xuyên cán bộ văn hóa thông tin trực ở trạm truyền thanh xã, tiếp sóng các đài cấp trên trong các chương trình thời sự, trang bị cho cán bộ xã một số máy thu thanh FM để theo dõi thường xuyên các chương trình tiếp sóng, thêm tư liệu phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng ở cơ sở. Ngoài tiếp sóng và phản ánh các vấn đề kinh tế-xã hội, Đài huyện có những thông tin phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật Nhà nước của bọn phản động lợi dụng tôn giáo, dân tộc.

Một thời gian sau, hệ thống truyền thanh của địa phương được hồi phục, nội dung thông tin cũng sát với thực tế cơ sở, “nói những điều người dân cần nghe” và thông qua hệ thống này cũng “lắng nghe những điều người dân cần nói cho chính quyền biết”...

Trong đó, chủ yếu là định hướng dư luận và phổ biến những thông tin cần thiết cho bà con nông dân như: kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; nếp sống văn hóa; việc xây dựng thôn, làng văn minh, tiến bộ... Đặc biệt là tuyên dương những gương người tốt, việc tốt, động viên phong trào lao động sản xuất, xây dựng đoàn thể, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng thôn, làng, đoàn thể vững mạnh... một cách cụ thể.

Những hoạt động này thật xứng đáng với danh xưng mà tôi đã đặt cho truyền thanh “nối dài và nhân rộng Tiếng nói Việt Nam” trong công chúng!

Có thể bạn quan tâm